Việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm ồ ạt gần 60 cán bộ trong vòng vài tháng trước khi “về vườn” chưa hết làm nóng dư luận thì mới đây lại có thông tin ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL TP HCM, trong vòng hai tuần trước lúc nghỉ hưu (ngày 1/3/2014) đã ký quyết định bổ nhiệm 19 cán bộ.
Những sự việc này cho thấy chuyện một số lãnh đạo cơ quan nhà nước tranh thủ trước khi “về vườn” đã tận dụng quyền hạn của mình để bổ nhiệm cán bộ không còn là chuyện hiếm. Vậy điều này có bất thường hay không, có vi phạm pháp luật hay không? Hay đây là việc không vi phạm quy định nào thì cứ làm, “lý ngay tình gian” thì dù bị dư luận nghi ngờ nhưng pháp luật không “sờ” đến là được?
|
Ông Trần Văn Truyền và trụ sở Thanh tra Chính phủ. |
Theo luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, với trường hợp của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, việc bổ nhiệm nhiều chức danh như vậy vào thời gian cuối trước khi nghỉ hưu dù có tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đi chăng nữa cũng sẽ là điều bất thường và dư luận có quyền nghi ngờ về động cơ, mục đích của việc bổ nhiệm. Nhất là chỉ trong 2 ngày (1/8/2011 và 3/8/2011), ông Truyền kí bổ nhiệm 26 người, trong đó ngày 3/8/2011 ông kí bổ nhiệm tới 22 người.
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Ngô Đình Hoàng cũng cho rằng: “Việc bổ nhiệm cán bộ cận kề ngày nghỉ hưu, lại bổ nhiệm ồ ạt cho thấy có sự bất thường trong công tác bổ nhiệm nhân sự. Công tác cán bộ cần phải đảm bảo đúng quy định. Tôi nghĩ sắp đến cần phải rà soát lại công tác bổ nhiệm cán bộ ở những đơn vị đầu ngành, bộ, sở… và nhất là cần đề ra quy định rằng trước khi về hưu không được ký bổ nhiệm thêm trường hợp nào”.
Nói về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Thạch nêu quan điểm: “Ý kiến cho rằng lãnh đạo trước khi về hưu một thời gian nhất định không được bổ nhiệm và ký các hợp đồng kinh tế có giá trị lớn cũng là ý kiến cần nghiên cứu. Tuy nhiên thời gian đó là bao lâu? Nếu dài quá thì gây ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức đó, còn ngắn quá thì cũng không đảm bảo và có khi đặt ra quy định đó thì họ lại tranh thủ trước khi đến thời điểm đó họ sẽ bổ nhiệm và ký kết các giao dịch thì quy định đó cũng không có nhiều ý nghĩa. Vì vậy tôi tiếp cận ở góc độ khác.
Ví dụ như ở các cơ quan Hành pháp tôi cho rằng cần làm nghiêm túc hơn ở khâu tổ chức cán bộ, việc bổ nhiệm ai đó bắt buộc phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn phụ trách tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan đó (ví dụ như ở cấp bộ thì có Vụ tổ chức cán bộ), nếu không có ý kiến của họ mà bổ nhiệm thì trái luật. Còn đối với lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước thì tôi cho rằng không nên quy định trước khi nghỉ hưu họ không được ký các hợp đồng có giá trị lớn. Bởi vì bây giờ đã có Luật doanh nghiệp chung rồi, trong đó cũng đã có những quy định về việc Người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp (Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch) chỉ được ký kết các giao dịch nào, còn giao dịch nào phải xin ý kiến cơ quan cao hơn (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên); do vậy không nên can thiệt vào nữa. Sau đó nếu phát hiện cá nhân nào có mục đích vụ lợi trong việc bổ nhiệm hay ký các hợp đồng gây bất lợi cho cơ quan mình thì cần có chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe những người sau.
Tất nhiên đây cũng chỉ là ý tưởng, để triển khai trên thực tế thì chúng ta cần nghiên cứu và có những quy định cụ thể hơn”, Luật sư Thạch nói.
Minh Hiếu