Người vợ tần tảo 10 năm vác đơn kêu oan giúp chồng
Mười năm, với đời người không quá dài không quá ngắn nhưng với ông Nguyễn Thanh Chấn, mười năm trong tù tựa bằng nghìn thu. Trong suốt thời gian ấy, những người trong gia đình ông khóc cạn nước mắt.
Nén đau thương, người vợ tần tảo vác hàng trăm lá đơn suốt mười năm trời kêu oan cho chồng. Tiếng oan tưởng như chỉ gửi lên trời ấy đã được đền đáp, khi hung thủ thực sự của vụ án đã ra cơ quan công an đầu thú sau 10 năm lẩn trốn.
Dù hành trình để ông Nguyễn Thanh Chấn chứng minh mình bị oan vẫn còn qua lần tái thẩm nhưng ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình đã lấy tiếp đi những giọt nước mắt của người thân trong gia đình. Những giọt nước mắt ấy không còn mặn chát oan tình mà là những giọt nước mắt hạnh phúc.
|
Để có được ngày trở về như thế này, người vợ ông Chấn đã phải nhiều lần viết đơn kêu cứu cho chồng |
Trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối làng Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) từ hôm qua đến nay luôn chật kín người. Hàng xóm làng giềng nghe tin vui cũng đến để chia sẻ, người tứ xứ cũng đến tay bắt mặt mừng. Họ chúc mừng ông Nguyễn Thanh Chấn bao nhiêu thì càng cảm phục tấm chân tình của bà Nguyễn Thị Chiến vợ ông bấy nhiêu.
Từ ngày chồng về nhà, bà Nguyễn Thị Chiến không rời chồng một bước chân, giống như những ngày ông ở tù bà cũng luôn bên cạnh ông để sẻ chia khó khăn, đồng thời bà cũng là người lê những bước chân trên con đường đầy chông gai để minh oan cho chồng. Có lẽ lần này bà sợ nếu rời xa chồng, thì sẽ không còn được bên nhau mãi mãi nữa, dù chồng đã ở ngay bên cạnh, bà vẫn ngất lên, ngất xuống. Bà không tin giây phút này là có thật dù nó đã là sự thật.
Suốt thời gian ông Chấn bị dính líu đến vụ án mạng ở làng Me (15/8/2003) đến khi ông bị kết án, và ngay cả khi ông được thả tự do, người phụ nữ ấy vẫn luôn bên cạnh chồng, dù trải qua bao nhiều đớn đau khi dân làng dị nghị, khi một bản thân phải thay chồng cáng đáng mọi công việc trong nhà.
Bà Nguyễn Thị Chiến tâm sự: “Suốt 10 năm, bà tôi làm đơn kêu oan, kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không có kết quả. Tôi không biết đã viết bao nhiêu đơn, đến bao nhiêu cơ quan chức năng. 10 năm không được minh oan, may thay , hung thủ tự ra đầu thú, sự thật mới được làm sáng tỏ. Nếu không tôi không biết mình sẽ phải viết thêm bao nhiêu đơn nữa. Tôi luôn có niềm tin: ‘chồng tôi bị oan”. Và đến nay niềm tin đó đã được đền đáp. Tôi luôn căn dặn các con, khó khăn đến đâu, cũng phải minh oan cho chồng. Nhiều khi, kinh tế kiệt quệ, con trai tôi phải làm phụ hồ. Nhưng khó khăn đến mấy chúng tôi cũng luôn cam lòng”.
Người nông dân không thuộc luật vào cuộc “điều tra” minh oan cho em
Trong hành trình giải oan khuất của ông Nguyễn Thanh Chấn, ngoài người vợ Nguyễn Thị Chiến, còn có một người anh trai ông Chấn, vốn là nông dân không hiểu luật, không quan hệ nhưng đã góp công sức lớn trong việc giải oan cho em mình.
Ông Thân Ngọc Hoạt đến giờ vẫn còn ngỡ ngàng, tưởng mình đang mơ dù giấc mơ ấy có thật, phải đánh đổi bằng hành trình 10 năm đi minh oan cho em. Ông Hoạt cho biết: “10 năm là một hành trình đầy khó nhọc, nhất là với người không biết luật như tôi”. Kể lại hành trình 10 năm ấy, ông Hoạt vẫn nhớ như in tất cả chặng đường mình đã trải qua, tự “điều tra”để có ngày minh oan cho em trai mình.
“Kể từ ngày xảy ra vụ án, mà khi đó em trai tôi bị tình nghi là kẻ giết người, tôi đã có linh cảm em tôi bị oan. Bởi Chấn không thể làm việc này. Tôi quyết định vào Trại Kế để gặp em tôi, hiểu rõ ngọn ngành. Dù khi đó, với người dân thường như tôi việc vào thăm tù nhân là rất khó khăn. May mắn được vào, tôi gặp em mừng tủi. Vào tôi hỏi nhiều chuyện để Chấn khây khỏa, sau đó tôi nói thẳng là “nếu như em giết người thật thì cũng bảo”. Chấn khi đó mếu máo, từ từ sụp xuống “Anh mà cũng nghĩ em làm được việc đó à”. Sau đó, tôi đặt dấu hỏi, dù khi đó tôi biết em mình bị oan, và cũng biết hành trình minh oan làm rõ sự việc rất khó khăn”, ông Hoạt cho biết.
|
Ông Thân Ngọc Hoạt người đã tự điều tra tìm chứng cứ minh oan cho ông Chấn |
“Sau khi tòa xử lần đầu, cả làng xấu hổ vì tưởng Chấn giết thật. Tòa chỉ định Nguyễn Đức Biền làm luật sư bào chữa. Khi đó, Chấn ngồi vành móng ngựa. Luật sư Biền nói: “Anh là Biền, luật sư bảo vệ em đây”, “Chấn mới gật đầu”.
Khi tòa xử xong tôi mới được tiếp cận Chấn. Tôi đọc hồ sơ nhưng hồ sơ không có tính thuyết phục. Tôi đòi bản cáo trạng Viện KSND, của cơ quan CSĐT. Tôi nghiên cứu câu chữ cơ quan điều tra. Khi đó cả làng ngã ngửa ra, với những chi tiết không đúng như ông Thực đến mua mắm, vụ án xảy ra lúc 19 giờ...”, ông Hoạt cho hay.
“Ông Thân Văn Thực là nhân chứng. Vào thời điểm diễn ra vụ án mạng, ông Thực đến nhà Chấn gọi điện thoại, Chấn là người ấn điện thoại cho ông Thực gọi, bởi khi đó cả làng mới chỉ có nhà tôi và nhà Chấn có điện thoại công cộng. Khi tôi hỏi ông Thực về chuyện này, ông đã khẳng định đúng là như vậy nhưng không nhớ giờ. Khi đó, tôi lên xin bản kê điện thoại nhưng không cho. Mãi sau tôi đi lấy được bản chi tiết, tôi đem về nhà ông Thực. Ông Thực chứng minh số điện thoại gọi đi vào thời điểm đó trùng với thời điểm diễn ra vụ việc.
Hơn nữa, theo lời Chấn tâm sự với tôi, “Đơn tự thú theo lời khai của Chấn là do cơ quan điều tra đọc. Từ cách viết, đọc cho từng câu, từng chữ. Từ đó, tôi đặt ra nhiều giả thiết và cùng em Chiến viết đơn kêu oan cho em mình là Nguyễn Thanh Chấn. Cho đến khi có thông tin từ người nhà đối tượng Lý Nguyễn Chung, nói úp mở về chuyện gây án, thì niềm tin của chúng tôi càng có cơ sở là Nguyễn Thanh Chấn bị oan”, ông Hoạt cho hay.
Mẹ kế đối tượng Lý Nguyễn Chung tiết lộ hung thủ do bức xúc
Hành trình minh oan có lẽ sẽ kéo dài nếu không có thông tin từ bà Lành, mẹ kế của Lý Nguyễn Chung về chuyện con trai mình là đối tượng gây ra vụ án mạng với chị Nguyễn Thị Hoan.
Ngay sau khi xảy ra vụ án mạng khiến chị Nguyễn Thị Hoan bị chết thảm, đối tượng Lý Nguyễn Chung, khi đó 15 tuổi đã về nhà thông báo với gia đình. Dù đã giúp con đi trốn, nhưng 10 năm qua, ông Lý Nguyễn Chúc (bố đối tượng Lý Nguyễn Chung) luôn cảm thấy day dứt trong lòng.
Người dân nơi đây cho biết, trong một lần cãi vã với vợ để lộ danh tính con trai là người gây ra vụ việc, ông Chúc phẫn uất và đã nhiều lần nói lời chia tay với bạn bè sau mỗi bữa nhậu. Ông Chúc luôn trầm ngâm, nhiều khi hay nói nhảm: “Đây là bát cơm cuối cùng của đời tôi”.
|
Căn nhà đối tượng Lý Nguyễn Chung luôn trong cảnh cửa đóng then cài, 10 năm qua nó là nơi lưu giữ một bí mật động trời. |
Ông Nguyễn Huy Chương, Trưởng Công an xã Nghĩa Chung cho biết, khi thấy tâm lý hết sức thất thường của ông Chúc, lực lượng Công an xã Nghĩa Chung cắt cử người liên tục túc trực cạnh nhà ông để tránh trường hợp ông Chúc nghĩ quẩn để tìm đến cái chết. Ngay sau khi vợ chồng ông Chúc để lộ danh tính sát thủ Lý Nguyễn Chung, ông trực tiếp xuống nhà vận động gia đình khai báo sự thật. Sau đó, ông Chúc đã khai báo toàn bộ hành vi giết người của con trai mình bị che giấu cách đây 10 năm. Tuy nhiên sau đó, ông Chúc luôn tỏ ra bị kích động, thường xuyên có tư tưởng tìm đến cái chết.
Trước đó, sự việc danh tính sát thủ thực bị lộ hết sức ngẫu nhiên. Hôm đó Chung điện về xin bố đẻ khoản tiền 30 – 50 triệu đồng để đầu tư mua đất đai trong Đắc Lắk, mong muốn mở rộng làm ăn. Ông Chức (bố Chung) đem chuyện tiền bạc nói với vợ để nhờ giúp đỡ, nhưng bị từ chối. Từ đó, cuộc sống gia đình bà Lành chẳng mấy khi được yên ổn khi ông Chức ngày nào cũng đay nghiến và hành hung bà Lành, ép bà đi lo số tiền để gửi cho Chung. Và trong một lần bị ông Chức hành hung quá đau đớn, bà Lành bỗng buột miệng chửi bới và moi móc chuyện con trai ông Chung giết người. Lúc đó, bố bà Lành cùng nhiều láng giềng cũng có mặt.
Từ nguồn thông tin quan trọng này, người nhà ông Nguyễn Thanh Chấn tiếp tục làm đơn kêu cứu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao đã phối hợp điều tra lại vụ án.
Và đến ngày 4/11/2013, Viện trưởng viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, phó viện trưởng viện KSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Kiến Thức tiếp tục cập nhật…
Hải Ninh