Việc bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) đến công an quận Tân Bình xin tạm hoãn giao tiền cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng trong vụ 5 triệu yen Nhật vì nghi ngờ đó là tiền của chồng mình đã được công an quận Tân Bình chấp nhận khiến chị Hồng vô cùng bức xúc.
|
Nữ "tỷ phú" ve chai vô cùng bức xúc với những gì đang xảy ra suốt thời gian qua và khẳng định sẽ khởi kiện công an quận Tân Bình nếu không giải quyết khiếu nại về việc ngăn chặn không giao trả tiền cho mình. |
“Tôi và luật sự hỗ trợ pháp lý cho mình đã gởi đơn khiếu nại quyết định không giao tiền cho tôi của công an quận Tân Bình chỉ vì yêu cầu không có cơ sở của bà Ngọt. Nếu công an Tân Bình vẫn không thay đổi quyết định, tôi sẽ tiếp tục gởi đơn khởi kiện ra toà”, bà Hồng cho biết.
Được biết, hồ sơ bà Ngọt cung cấp cho công an thông tin về người chồng gốc Phi của mình để chứng minh nguồn gốc của hơn 5 triệu yen Nhật chỉ có những tờ giấy photocopy gồm thẻ lưu trú và giấy phép lao động của người chồng mang tên Afolayan Caleb. Bà Ngọt cho biết, trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, chồng bà là Afolayan Caleb làm giáo viên với chức danh “cử nhân giáo dục” công tác tại công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (Úc Đại Lợi, từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2013).
|
Bà Phạm Thị Ngọt, người xuất hiện "phút 89" với lai lịch "mơ hồ" của người chống gốc Phi để tranh chấp số tiền hơn 5 triệu yen Nhật. |
Theo hồ sơ của Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM, trụ sở công ty nói trên có địa chỉ trên đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Tuy nhiên tại địa chỉ này, từ năm 2010 đến nay (5/2015), hoàn toàn không có công ty Úc Đại Lợi nào ngoài 2 công ty DV bảo vệ (từ 2010 đến 5/2013) và một công mua bán máy móc, thiết bị phụ tùng (từ năm 2013 đến nay) thuê mặt bằng hoạt động.
Trong khi đó, thể hiện trên giấy phép kinh doanh của Úc Đại Lợi mà đại diện pháp nhân là ông Trần Minh Q. (giám đốc) với lai lịch của vị giám đốc này rất mơ hồ. Chính quyền địa phương nơi ông Q. đăng ký tạm trú (phường 10, quận Gò Vấp) xác nhận ông Q. đã bán nhà từ đầu năm 2013 và chuyển đi nơi khác sinh sống.
Theo hồ sơ của cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh, Afolayan Caleb nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2007 và sinh sống tại nhiều nơi khác nhau. Đến năm 2010, Afolayan Caleb được công ty Úc Đại Lợi đứng ra bảo lãnh với chức danh “cử nhân giáo dục” làm việc tại công ty này và được Sở LĐTB và XH TP HCM cấp giấy phép lao động với thời hạn 3 năm (từ 6/2010 đến 6/2013) và chuyển về lưu trú ở huyện Hóc Môn. Đây cũng chính là nơi sinh sống của bà Phạm Thị Ngọt, người tự nhận là vợ của ông Afolayan Caleb.
|
Một trong những giấy tờ liên quan đến Afolayan Caleb. Cơ quan chức năng đã xác định Afolayan Caleb sử dụng hộ chiếu giả, làm việc tại công ty "ma" trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. |
Tuy nhiên thực tế, hoàn toàn không có công ty Úc Đại Lợi nào hoạt động trong thời gian này.
Được biết, trước khi xảy ra “phút 89”, lai lịch của Afolayan Caleb cũng đã từng được cơ quan chức năng TP HCM đề nghị nước Nam Phi xác minh vì nghi ngờ đối tượng này sử dụng hộ chiếu giả. Kết quả “động trời” được phía Nam Phi xác nhận hộ chiếu mang tên Afolayan Caleb là giả và đối tượng này đã kịp xuất cảnh rời Việt Nam qua cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 14/6/2013 đúng thời điểm thẻ lưu trú và giấy phép lao động hết hạn.
Nhập cảnh, cư trú bằng hộ chiếu giả, làm việc tại công ty không có thật…đó là những thông tin về người đàn ông gốc Phi chồng của bà Phạm Thị Ngọt, người đang uỷ quyền tranh chấp số tiền hơn 5 triệu yen Nhật và công an quận Tân Bình đã thực hiện ngăn chặn trao lại tiền cho nữ “tỷ phú” ve chai.
Vũ Sơn