Do giá nước thấp!
Trả lời câu hỏi của bạn đọc, đại diện Vinaconex cho rằng, việc sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh trong công trình này là cả một quá trình được nghiên cứu, đánh giá. Ở đây không chỉ yếu tố chi phí mà còn thi công, đảm bảo vật liệu duy tu bảo dưỡng, căn cứ định hướng phát triển ngành nghề mới... Đường ống kích thước lớn ở thời điểm đó nếu sử dụng thép hay kim loại sẽ cho phí cao. Trong khi thời điểm đó giá nước chỉ bán 2.000m3. "Sản phẩm nước là đặc thù, nhà nước khống chế đầu ra, nên chúng tôi phải tính toán", ông Phạm Chí Sơn, người phát ngôn Vinaconex cho hay.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đưa ra tính toán rằng, đường kính ống 1,8m, dài 12m, nếu nhập khẩu ống kim loại thì di chuyển từ cảng Hải Phòng về Hà Nội sẽ là siêu trường siêu trọng. Từ đó tác động đến quá trình thực hiện dự án, thi công, bảo dưỡng, phụ thuộc hết vào nhập khẩu. Yếu tố quan trọng là hưởng ứng quyết định về việc ưu tiên phát triển vật liệu ngành nước trong nước nên Vinaconex hưởng ứng và lựa chọn vật liệu composite do được ứng dụng nhiều nước trên thế giới như Áo... "Chúng tôi cân nhắc, chiều dài đường ống gần 50km, nếu tổng số ống sẽ rất kinh khủng".
Ngoài ra, đơn vị này cũng cho biết luôn chuẩn bị tinh thần sự cố vỡ ống nước. Do đường ống độc đạo, cung ứng 30% nước cho thành phố... Nguyên vật liệu sửa chữa được chuẩn bị sẵn để khắc phục khi có sự cố để thay thế.
"Chúng tôi đã thấy lỗi, nhưng quan trọng của việc thấy lỗi là sữa chữa chứ không phải đổ lỗi cho nhau, đưa ông nào vào tù mà cái quan trọng là đảm bảo cung cấp nước cho dân. Rút ra bài học sâu sắc cho lần sau. Đường ống thứ hai sẽ sử dụng vật liệu bằng kim loại. Chúng tôi cân nhắc ngoại tệ nhập khẩu, khả năng chịu lực độ bền cũng cần tính toán", vị đại diện này cho biết.
|
Có người nhận xét rằng, nhìn vật liệu ống nước vỡ qua ảnh như bã mía ép. |
Cải lùi!
Quan điểm của PGS.TS Lê Văn Cát, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, ống kim loại (ống gang) là vật liệu truyền thống, bền nhưng giá thành cao. Nói dùng vật liệu composite là công nghệ mới có thể hiểu là cải tiến lùi. Chỉ là vì sản phẩm rẻ nên tiết kiệm hơn, còn trên thực tế sản phẩm dùng công nghệ và thiết bị Trung Quốc nên kém hơn. "Thật ra lợi nhuận là cái quan trọng chứ không phải vật liệu. Nhưng họ không lường được sự cố này", PGS.TS Lê Văn Cát nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia về ống nước, hiện Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chủ yếu sử dụng ống gang cầu. Bởi sản phẩm bằng kim loại, chịu được va đập mạnh cũng như áp lực tác động cao, lắp đặt ổn định trong mọi địa hình... Trong khi đó, ưu điểm của ống composite cốt sợi thủy tinh là chi phí vật liệu thấp, trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển nhưng lại giòn. Thậm chí, chỉ cần có dập nhẹ đã dẫn đến biến dạng không đồng đều. Đặc biệt, trên nền đất yếu ống này nhanh hỏng hơn. Vì thế, khi lắp đặt là phải có nền đất tốt, chủ yếu đất thịt được lót cát thành lớp dầy. Ngoài ra, mối ghép của ống composite cốt thủy tinh cũng kém do chỉ lắp ghép.
Các chuyên gia nhấn mạnh, tùy từng nhà thầu và địa hình sẽ sử dụng vật liệu này, nhưng rất hạn chế. Ngoài ra, nguồn gốc sản phẩm cũng cần quan tâm. Như máy móc sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nào, vật liệu có đúng yêu cầu kỹ thuật không, quá trình sản xuất ống chất lượng không đồng đều chỗ dày chỗ mỏng dẫn đến khả năng chịu áp kém. Hay quá trình vận chuyển dễ dập, vỡ, nứt vì vật liệu nhựa... Muốn làm rõ cần xem được hồ sơ lưu.
"Hệ thống dẫn nước trước hết cần đảm bảo hai tiêu chí. Một, phải đảm bảo sự ổn định, bền vững. Do đó, vật liệu làm ống cũng phải đảm bảo bền vững, chịu áp lực cao do nguồn nước bơm và chuẩn hóa. Tuổi thọ của sản phẩm phải kéo dài từ 30 - 40 năm, thậm chí có hệ thống còn 60 - 70 năm. Hai, không ảnh hưởng đến chất lượng nước ăn. Vì thế, với việc vỡ ống nước liên tiếp như thời gian qua chứng tỏ quy trình chưa đáp ứng được, có lỗi hệ thống. Lỗi đó có thể do tính toán chưa đúng, sử dụng vật liệu không chuẩn, vận hành quản lý không đảm bảo như áp lực bơm không đúng quy định...".
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi)
Thu Hiền