Trước đó, rạng sáng 26/6, Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bắt quả tang 27 đối tượng đánh bạc trên sà lan BKS TV.4599 neo đậu tại ấp Tích Phú (xã Tích Thiện), tang vật thu giữ gần 375 triệu đồng và 1.345 đô la Mỹ. Trong số các đối tượng bị tạm giữ vì tham gia đánh bạc, có 3 nghệ sĩ cải lương là NSƯT Kim Tử Long và 2 nghệ sĩ ở Cần Thơ.
Lúc bị tạm giữ, cơ quan Công an đã kiểm tra và thu giữ trong người nghệ sĩ Kim Tử Long 78 triệu đồng; trong túi xách là số ngoại tệ nói trên cùng 257 triệu đồng để làm rõ có liên quan đến việc dùng để chơi bạc. Sau nhiều giờ bị tạm giữ để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra, Kim Tử Long đã được gia đình bảo lãnh về nhà và đến đêm 30/6, nghệ sĩ này đã có mặt trong một chương trình cải lương hoành tráng diễn ra tại nhà hát TP.HCM.
|
Sau khi bị bắt giữ vì liên quan đánh bạc, Kim Tử Long đã được gia đình bảo lãnh về nhà. Đêm 30/6, nghệ sĩ này đã có mặt tham gia chương trình cải lương hoành tráng tại nhà hát TP.HCM. |
Cũng trong khoảng thời gian này, trên các báo có nhiều thông tin “bất nhất” được cho rằng của Kim Tử Long khai với CQĐT lúc thì xuống sà lan tìm tài xế yêu cầu dời xe; khi thì đứng xem vì hiếu kỳ…và Công an ập đến nên bị liên lụy.
Tuy nhiên đến ngày 4/7, được CQĐT Công an huyện Trà Ôn tiếp tục triệu tập làm việc với Kim Tử Long. Nghệ sĩ này đã thừa nhận có tham gia đánh bạc nhưng chỉ “góp vui vài 3 ván chứ hoàn toàn không có ý định sát phạt” và mỗi ván cũng chỉ từ 200 đến 500 ngàn đồng. Số tiền mà cơ quan chức năng thu giữ trong người và trong túi xách của Kim Tử Long dùng để trả tiền mua chung cư và tiền cát sê được trả cho hai đêm diễn ở các tỉnh An Giang và Vĩnh Long.
|
Dù đã thừa nhận có tham gia đánh bạc nhưng dư luận đặt câu hỏi vì sao những người cùng chơi bạc đã bị khởi tố, bắt giam nhưng nghệ sĩ Kim Tử Long lại không bị khởi tố? (Ảnh Kim Tử Long tham gia vở cải lương Chiếc áo thiên nga). |
Đến ngày 8/7, Công an huyện Trà Ôn đã ra quyết định bắt giam 7 đối tượng Nguyễn Hoàng Việt (ngụ tỉnh Cà Mau); Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Tài (cùng ngụ tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Xuân Quốc Triệu; Phan Thành Công và Nguyễn Văn Hòa Bình (cùng quê tỉnh Sóc Trăng) về hành vi đánh bạc nhưng nghệ sĩ Kim Tử Long không bị khởi tố, bắt tạm giam.
Vụ việc đã khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao đã thừa nhận có đánh bạc, số tiền có trong người khá lớn, khi bị Công an ập đến bắt giữ nhưng những đối tượng khác thì bị bắt giam còn Kim Tử Long “ngoại lệ”?
Luật sư Thanh Thúy, Đoàn luật sư TP.HCM và là chuyên viên tư vấn pháp luật cho biết: Cơ quan Công an qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ có cơ sở mới khởi tố, bắt giữ các đối tượng liên quan.
Riêng nghệ sĩ Kim Tử Long hay dù là bất cứ nhân vật nào nhưng nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý vì tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Thậm chí đã là người của công chúng thì hành vi vi phạm của họ có lẽ còn bị “nặng nề” hơn trước “bản án” của dư luận.
Theo luật sư Thanh Thúy, việc người nghệ sĩ này thừa nhận có đánh bạc thì chắc chắn hành vi này đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên mức độ vi phạm có đủ yếu tố để xử lý hình sự hay chỉ xử phạt hành chính sẽ được CQĐT làm rõ.
Trong trường hợp của Kim Tử Long, qua lời khai của người này cũng như quá trình điều tra đã xác định được việc tham gia “chơi vài ván cho vui” của Kim Tử Long không quá 2 triệu đồng (từ 2 triệu trở lên sẽ bị xử lý hình sự) và chứng minh được số tiền có trong người không phải đã và để chơi bài nên CQĐT đã không khởi tố hình sự mà chỉ ra quyết định xử phạt hành chính.
Một điều quan trọng là chính những đối tượng đang bị Công an huyện Trà Ôn bắt giữ và trong thời gian tới sẽ ra tòa lãnh án về hành vi đánh bạc sẽ là những người “bức xúc” nhất nếu cơ quan Công an bỏ lọt người lọt tội.
Khi đó chắc chắn họ sẽ kháng cáo và đồng loạt khai nhận sự thật để tìm công bằng cho chính họ nếu Kim Tử Long có tham gia sát phạt không phải chỉ để “chơi vài ván cho vui” nhưng không bị truy tố.
Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật Hình sự (NQ 01/2010/NQ-HĐTP)
1. “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự;
d) Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Hình sự.
|
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Sơn