Những ngày gần đây dư luận cả nước một lần nữa chấn động trước vụ án thương tâm “mẹ giết 2 con ném xuống giếng” xảy tại thôn 9, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Hai nạn nhân bị sát hại là là Điểu M (SN 2010) và Điểu B (SN 2012). Hung thủ của vụ án mạng này là bà Điểu Thị C (SN 1989, mẹ của Điểu M và Điểu B). Cả ba mẹ con là người dân tộc S’Tiêng – dân tộc thiểu số sinh sống khá đông trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo một số thông tin ban đầu từ người nhà hung thủ, bà C có biểu hiện của người bị tâm thần. Hiện cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra và trưng cầu kết quả giám định tâm thần đối với nghi can C.
|
Hiện trường vụ án. |
Để làm rõ nguyên nhân vì sao bà C lại có hành vi ra tay sát hại con mình rồi ném xuống giếng, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Tâm lý – Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Bà có nhận định như thế nào về vụ án này?
Đối với vụ án này, hiện tại chúng ta rất khó để có thể đưa ra nhận định một cách toàn diện. Để phân tích về hành vi cũng như trách nhiệm của bà C, chúng ta cần đợi bản giám định định tâm thần bà C của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, dù cho bất kì nguyên nhân nào thì hành động của bà C là không thể chấp nhận được. Qua vụ án này, tôi thấy có một số vấn đề được đặt ra: Tại sao một người phụ nữ lại hành động như vậy? Tại sao trẻ em không được bảo vệ?
Theo người nhà bà C, trong nhiều năm gần đây, bà C có dấu hiệu bị tâm thần, nếu kết quả giám định cho thấy bà C bị tâm thần thì diễn biến tâm lý của người bệnh như thế nào để dẫn đến hành động dã man như vậy, thưa bà?
Đơn giản như thế này, một người phụ nữ mắc chứng tâm thần bản thân họ không nhận biết được bất cứ điều gì. Họ hành động trong vô thức. Họ không hề ý thức được rằng họ là một người mẹ. Họ chỉ nghĩ đơn giản, những đứa trẻ - con họ - là một thứ gì đó mà họ không thích nên họ có thể xuống tay một cách dã man.
Trong vụ án trên, rõ ràng, gia đình bà C đã biết bà này có biểu hiện của người tâm thần nhưng không đưa đi kiểm tra, chữa trị hoặc nếu không đủ điều kiện làm việc đó thì cần phải cử người trông nom cẩn thận, cách ly với những đứa trẻ. Để chúng sống cùng những người bị bệnh tâm thần khác nào chúng ta “giao chứng cho ác”. Sự ra đi của những đứa trẻ trong vụ án này quá là thương tâm, quá oan uổng. Người mẹ đã tâm thần rồi thì họ còn phải chịu trách nhiệm gì nữa?
Tất nhiên, đây chỉ là giả sử, còn bản chất bà C có tâm thần hay không cần phải đợi giám định của cơ quan chức năng. Thế nhưng hành động giết 2 con rồi ném xác xuống giếng thì chỉ có kẻ tâm thần mới làm vậy.
Theo chuyên gia, trong trường hợp bà C không bị tâm thần thì nguyên nhân nào khiến bà C ra tay tước đi sinh mạng của chính những đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, rồi ném xác các cháu xuống giếng?
Theo võ đoán của tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng trên. Có thể do bà C tâm thần thật. Cũng có thể bà C ích kỉ, bất đắc chí thấy những đứa trẻ này làm khổ người ta hoặc người ta không nuôi nổi, hay trả thù người chồng ác bạc, phụ tình,… Ngoài ra, đây là những người dân tộc thiểu số, ý thức về pháp luật của họ thấp, họ nghĩ rằng đẻ ra được thì họ muốn làm gì cũng được.
Mỗi hành vi phạm tội đều xuất phát từ những nguyên nhân và điều kiện cụ thể. Trong vụ án này, nguyên nhân sâu xa của hành vi phạm tội vẫn chưa thể xác định bởi chưa biết bà C có bị tâm thần hay không. Đặt giả sử nếu bà C không bị tâm thần thì có rất nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân có thể do tính ích kỷ bởi con người thường có xu hướng yêu bản thân mình nhất, từ đó sinh ra tính ích kỷ, ghen tức, đố kỵ,… với những gì mình không mong muốn.Tính ích kỷ, sự ghen tức, đố kỵ sẽ làm cho người ta dễ có những hành vi tiêu cực mà pháp luật và đạo đức xã hội không thể chấp nhận.
Nguyên nhân cơ bản khác có thể do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng bị bế tắc, không lối thoát. Chỉ vì sự ích lợi ích cá nhân mà họ ra tay giết con - tài sản quý giá nhất của họ. Đây là động cơ đê hèn, không thể tha thứ. Xét về mặt đạo đức và pháp luật, đó là những hành vi vô nhân tính, man rợ, không thể chấp nhận được và buộc phải bị trừng phạt.
Nếu chừng mực không tâm thần thì một người mẹ giết con mình có bắn nhiều lần cũng xứng đáng bởi “Hổ dữ không ăn thịt con”. Đến những loài cầm thú chuyên xé xác các sinh vật sống và hoàn toàn hành động theo bản năng sinh tồn như hổ báo cũng không giết, không ăn xác đồng loại, huống hồ đây là con người.
Có rất nhiều vụ án xảy ra đều liên quan đến người bị tâm thần, vậy chuyên gia có lời khuyên gì cho người nhà của những bệnh nhân này để tránh những vụ việc đau lòng như trên?
Có những việc để xảy ra tình cảnh đau lòng như trong Bình Phước, nó đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội về vấn đề quyền bảo vệ trẻ em. Theo tôi, đối với những gia đình có người bị tâm thần hay có biểu hiện bị tâm thần cần phải cảnh giác rất cao. Cần phải cách ly đối với những người đó đối với những đứa trẻ, cũng như bất kì ai bởi lúc đó họ lên cơn, hành động của họ luôn trong tình trạng rất nguy hiểm, không thể kiểm soát được. Trong khi đó trẻ em là một trong những đối tượng rất dễ bị xâm hại, dễ bị ảnh hưởng tinh thần cũng như sức khỏe.
Xin cảm ơn bà!
Hồng Liên