Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa đi vào hoạt động được vài ngày thì đã xuất hiện vết nứt dài, tại km 83, chiều từ Yên Bái về Phú Thọ. Cụ thể, vết nứt được phát hiện trong ngày 23/9 (sau 2 ngày thông xe) có hình dạng vòng cung bắt đầu tại Km82+995 và điểm cuối tại Km83+070.
Trao đổi với Kiến Thức chiều 24/9, ông Lê Kim Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cho hay, nguyên nhân xuất hiện vết nứt dài 75m trên mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là do nền đất yếu.
|
Hiện trường đoạn đường bị nứt ở km83 chiều từ Yên Bái về Phú Thọ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. |
"Khu vực xảy ra lún nứt nằm trong điểm chờ lún để xử lý nền đất yếu, đã được tiên lượng trước và cắm biển theo dõi, cảnh báo", ông Thành nói.
Cụ thể, trong thông cáo báo chí của VEC phát đi hôm nay có nêu: “Tại vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km 83 chính là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 – Km83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam trúng thầu, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu; cụ thể công tác khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu được tiến hành tuân thủ theo Quy trình Khảo sát thiết kế nền đường
ô tô đắp trên đất yếu 22TCN 262-2000. Theo đó, khoan khảo sát 24 lỗ khoan với các lỗ khoan được bố trí cách nhau 50m trên tim tuyến (22TCN 262-2000 quy định thông thường từ 50 đến 100m bố trí 1 lỗ khoan) và cứ 100m tiến hành một mặt cắt địa chất công trình theo chiều ngang vuông góc với tim tuyến với 3 lỗ khoan (22TCN 262-2000 quy định thông thường từ 100 đến 150m bố trí 1 mặt cắt địa chất)”.
Cũng theo VEC, phương án kỹ thuật sử dụng để xử lý đất yếu tại đoạn này là thay đất một phần. Hệ số an toàn tính toàn thay đổi từ 1,45 đến 1,73 tùy thuộc vào mặt cắt, lớn hơn hệ số an toàn (bằng 1,4) quy định tại Quy trình 22TCN 262-2000; biện pháp xử lý trên đoạn tuyến này là thay đất một phần với chiều sâu từ 4,5 – 6,5m, quá trình thi công đã được tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chặt chẽ đúng quy trình.
Sau hai cơn bão liên tiếp vừa qua (bão số 3 và số 4) tại vị trí nêu trên xuất hiện vết nứt có hình dạng vòng cung điểm đầu tại Km82+995 và điểm cuối tại Km83+070 (trái tuyến chiều Lào Cai về Hà Nội). Sơ bộ đánh giá hiện trường cho thấy nền đường khu vực đắp cao (7-9m) trên khu vực đất yếu xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước và có thể có những túi bùn bất thường xen kẹp trong phạm vi này. Mặc dù trên đoạn tuyến này nguy cơ lún đã được tiên lượng nhưng qua hai cơn bão (số 3 và số 4) với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên nhân sinh ra vết nứt.
“Hiện VEC đang tổ chức lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt đồng thời tiến hành khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xuất hiện vết nứt để xác định các lớp địa chất phía dưới lòng đường nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp”, ông Thành cho biết.
Còn về việc một số báo phản ánh ta-luy bị nứt, lở ở đoạn km 103 chiều từ Yên Bái về Phú Thọ, ông Thành cho hay đây là do ta-luy chưa hoàn thiện xong, chứ không phải bị nứt lở như báo chí nêu.
Dù đã giải thích khá cụ thể nguyên nhân của vết nứt trên, song dư luận vẫn băn khoăn, theo như VEC nói, nhà thầu Keangnam thi công đoạn đường này "trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu", vậy tại sao vẫn để xảy ra tình trạng đường nứt? Liệu có phải nguyên nhân là do 2 cơn bão vừa qua như VEC nói, hay còn có nguyên nhân nào khác liên quan tới chất lượng công trình?
Minh Hiếu