Trong hai ngày 8 và 9/5/2015, tại công ty TNHH OSCO Việt Nam(có vốn đầu tư 100% Đài Loan, chuyên gia công, sản xuất giày da xuất khẩu ra nước ngoài) đóng tại địa bàn ấp Phú Thứ, xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương, khoảng 1000 công nhân đình công để phản đối những chính sách, nội quy mang tính chất chèn ép, bóc lột của công ty này.
Công nhân bị chèn ép, ăn chặn giờ làm việc suốt thời gian dài?
Sáng 8/5, PV Kiến Thức nhận được thông tin về việc toàn bộ công nhân của Công ty TNHH OSCO Việt Nam đình công, tụ tập gây náo loạn trước cổng công ty nên đã tức tốc xuống tận nơi để ghi nhận tình hình.
|
Công ty TNHH OSCO Việt Nam, nơi xảy ra sự việc công nhân đình công tập thể.
|
Khi PV có mặt, tại cổng công ty OSCO có khoảng 1000 người đang tụ tập ngay trước cổng và hai bên đường, hô hào phản đối những chính sách mà công ty này đưa ra đối với công nhân. Lực lượng công an địa phương cũng có mặt để vãn hồi trật tự tại khu vực.
Trao đổi với PV, rất nhiều công nhân tỏ ra rất bức xúc khi cho rằng họ bị chủ công ty này bóc lột sức lao động một cách trắng trợn. Không những công nhân không được hưởng chế độ đãi ngộ thỏa đáng mà còn bị trừ tiền lương, tiền chuyên cần vô tội vạ vì những lý do…lãng xẹt.
|
Toàn bộ công nhân công ty TNHH OSCO Việt Nam tiến hành đình công, ngưng việc tụ tập trước cổng để phản đối việc bị chèn ép.
|
Theo phản ánh của công nhân công ty TNHH OSCO Việt Nam, họ phải làm việc trong môi trường nóng nực với thời gian 14-15 tiếng/ngày. Ngoài ra, những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, công ty cũng bắt công nhân phải đi làm. Nếu công nào không đi sẽ bị trừ vào tiền lương hoặc tiền chuyên cần của tháng đó.
Thậm chí, nếu công nhân đang làm việc tại phân xưởng, chẳng may bị ốm, cảm cúm đột xuất, sức khỏe không đảm bảo để tiếp tục làm việc mà phải xin về thì sẽ không được chấm công ngày làm việc đó, đồng thời bị trừ 300.000 tiền chuyên cần của tháng (mỗi công nhân nếu làm việc đủ số ngày trong tháng thì sẽ được thưởng 500 nghìn tiền chuyên cần).
Tệ hơn, trong quá trình làm việc, công nhân còn bị những cán bộ (tổ trưởng, chuyền trưởng,…) tại phân xưởng mạt sát, chửi bới thậm tệ với những lời lẽ thô tục, xúc phạm.
Tuy bị chèn ép và chửi bới thậm tệ như vậy, nhưng nhiều công nhân vì miếng cơm manh áo nên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, sự bức xúc bị dồn nén dài ngày nên đến sáng 8/5, khoảng 1000 công nhân của công ty OSCO đã đồng loạt ngưng việc để phản đối.
“Em làm việc ở công ty này đã được hơn 2 năm, trong suốt 2 năm qua em cùng những công nhân ở đây bị chèn ép, bóc lột sức lao động dữ lắm. Mỗi ngày, đúng 6h50 sáng công nhân phải có mặt tại phân xưởng để làm việc, nếu ai đi trễ 5 phút thì coi như ngày hôm đó nghỉ việc không phép luôn, không những lương bị trừ mà số tiền chuyên cần 500 nghìn/tháng cũng sẽ không còn”. – Chị Ngô Thị T. L. (30 tuổi, công nhân thuộc tổ may) bức xúc nói.
|
PV Kiến Thức cùng các đồng nghiệp tiếp xúc, ghi nhận phản ánh từ công nhân của công ty OSCO.
|
Qua tìm hiểu, PV được biết, khi ký hợp đồng lao động với công nhân, nội dung bản hợp đồng mà công ty soạn thảo có ghi rõ giờ làm bắt đầu từ 7h30 sáng. Tuy nhiên, khi đến làm việc thì toàn bộ công nhân bị ép đúng 6h50 phải có mặt. Thậm chí có nhiều công nhân đến sớm (6h30p) thì cũng bị dồn vào phân xưởng để làm việc.
Như vậy, theo như những gì công nhân phản ánh thì giờ làm việc bắt đầu của họ tại phân xưởng là 6h50p – 11h30 đối với buổi sáng, buổi chiều bắt đầu từ 12h30 – 17h. Nếu đối chiếu với quy định của công ty soạn thảo ra (giờ làm việc của công nhân bắt đầu từ 7h30 – 16h30 mỗi ngày) thì công nhân của công ty OSCO đã bị ép buộc làm việc quá 70 phút mỗi ngày.
Không những thế, hầu hết các ngày trong tháng các công nhân đều bị ép tăng ca, và số giờ tăng ca của họ cũng bị ăn chặn một cách trắng trợn. Cụ thể, vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần công nhân phải tăng ca từ lúc 17h30 đến 20h30, nhiều hôm đến 21h tối công nhân mới được ra về nhưng họ chỉ được bấm thẻ chấm công làm việc đến 20h. Còn các ngày thứ 3, 5, 7 thì công ty cũng bắt công nhân tăng ca đến 20h30, có ngày đến 21h nhưng chỉ được bấm thẻ chấm công đến 17h.
Khó hiểu hơn, việc bấm thẻ chấm công không phải do tự tay công nhân thực hiện mà do những cán bộ của công ty trực tiếp thu tại nơi công nhân làm việc rồi đem ra cổng bấm khi giờ hành chính của công ty kết thúc (tức là 17h hằng ngày)?
“Em nghĩ chắc công ty bày ra cái trò cho cán bộ đi gom thẻ của công nhân đem đi bấm chấm công vào lúc 17h hằng ngày như vậy nhằm đối phó với liên đoàn lao động và thanh tra về việc công ty phạm luật lao động” – Anh Vũ T. K. (công nhân chuyền E2, đã làm việc được hơn 1 năm) đưa ra nghi vấn.
Ăn chặn giờ làm việc của công nhân....là đúng?
Sau khi tiếp nhận phản ánh của công nhân, PV Kiến Thức đã liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH OSCO Việt Nam để xác minh nội dung phản ánh. Liên đoàn Lao động thị xã Bến Cát cũng có mặt.
Bà Chang (quốc tịch Đài Loan), người được giới thiệu là chủ của Công ty OSCO tiếp PV trong phòng hành chính nhân sự. Bà Chang cho biết : “Đối với chế độ tăng ca thì có thể các công nhân đã hiểu lầm vì chúng tôi vẫn tính lương đầy đủ theo thời gian họ làm việc. Vì vậy, việc tăng ca là do một số khâu sản xuất chưa hoàn thành nên công ty bắt công nhân phải làm cho đến khi hoàn thành. Đối với vấn đề tăng ca này, chúng tôi sẽ xem xét và… đang khắc phục”.
|
Bà Chang (quốc tịch Đài Loan), người được giới thiệu là chủ của công ty OSCO làm việc với PV. |
Khi PV chất vấn về việc vì sao công ty lại trừ tiền lương và tiền chuyên cần đối với trường hợp công nhân bị ốm đột xuất khi đang làm việc tại công ty và đã được phía công ty đồng ý cho nghỉ?
Trả lời về câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Ngọc Giáo – trưởng phòng nhân sự Công ty OSCO cho rằng, công nhân đang làm việc tại công ty mà bị ốm đột xuất, sức khỏe không đảm bảo để tiếp tục làm việc ngày hôm đó, xin phép ra về thì vẫn phải trừ lương, ngoài ra còn bị trừ tiền chuyên cần của tháng đó vì họ không làm việc đủ số ngày quy định.
PV Kiến Thức tiếp tục đặt câu hỏi ngược lại đối với bà Giáo : Tiền thưởng chuyên cần, là nhằm khích lệ ý thức làm việc của công nhân. Vậy tại sao khi công nhân bị ốm đột xuất trong lúc làm việc, có nghĩa là ngày hôm đó họ đã có ý thức, trách nhiệm đi đến phân xưởng để làm việc. Nhưng vì lý do sức khỏe nên họ mới phải xin nghỉ mà công ty vẫn trừ tiền của công nhân?
Trước câu hỏi chất vấn này, bà Giáo đã phải quay qua phía bà Chang để hội ý bằng ngôn ngữ Đài Loan. Sau 1 phút hội ý, bà Giáo cho hay: “ Vấn đề này (việc trừ tiền chuyên cần vô lý- PV) thì sếp em (bà Chang- PV) có nói là lúc nãy bên Liên đoàn lao động thị xã Bến Cát đã có nhắc nhở và kiến nghị công ty coi lại cách quy định trừ tiền chuyên cần cho hợp lý, đúng luật. Sếp em cũng đã tiếp thu và hứa sẽ điều chỉnh lại”.
Việc công nhân nghỉ lễ theo quy định nhưng công ty vẫn ép công nhân đi làm và dọa sẽ trừ lương, trừ tiền chuyên cần nếu công nhân nào không đi làm vào những ngày nghỉ lễ này. Bà Chang giải thích: "Trước đó công ty có ra một quy định làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu và ngày lễ sẽ không tính. Nay công nhân đình công về vấn đề này, sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến công ty lúng túng nên chúng tôi sẽ xem xét lại và giải quyết thỏa đáng".
Về vấn đề công nhân bị ép buộc tăng ca thêm nhiều giờ nhưng chỉ được bấm thẻ chấm công đến 17h, bà Đặng Thị Thu Trang - phụ trách sản xuất của công ty OSCO khẳng định, phía công ty làm như vậy là đúng và giải thích rằng mỗi công nhân làm việc tại đây đều phải bắt buộc tăng ca làm thêm 2 tiếng/ ngày, và khi công nhân tăng ca đầy đủ 2 tiếng đó thì phía công ty sẽ "thưởng" thêm cho họ 30 phút khi chấm công nữa. Trước câu trả lời này, PV đã truy việc công nhân phải bắt buộc tăng ca không phải hai tiếng mà đến tận ba tiếng rưỡi mỗi ngày. Theo quy định, số lượng thời gian tăng ca của công nhân phải được tính đủ giờ họ đã làm việc nhân với hệ số tăng ca. Trước sự chất vấn này, phía lãnh đạo công ty lí nhí nhận sai và hứa sẽ khắc phục.
|
Trưởng phòng nhân sự Nguyễn Thị Ngọc Giáo. |
Trong quá trình làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Giáo luôn tỏ thái độ trịnh thượng, lớn tiếng với phóng viên. Đây cũng chính là điều mà rất nhiều công nhân phản ánh về việc bà trưởng phòng nhân sự này thường xuyên có những lời lẽ thách thức, quát nạt họ.
Công ty TNHH OSCO Việt Nam đã làm trái luật?
Trao đổi về việc này, Luật sư Ngô Việt Bắc – Đoàn Luật sư TP HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên cho biết: Theo như báo phản ánh, ở đây nổi lên sự việc: Đó là việc người sử dụng lao động bắt ép người lao động làm thêm giờ quá sức, trái quy định của pháp luật về lao động dẫn đến việc ngừng việc tập thể của công nhân.
Từ đây, ta phải xét lại hành vi của người sử dụng lao động trong trường hợp này có đúng theo quy định của pháp luật hay không? Bởi Bộ Luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/5/2013 tại điểm a, b, c khoản 2, Điều 106 quy định, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Được sự đồng ý của người lao động; b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm; c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Như vậy nguyên tắc đầu tiên trong vấn đề làm thêm giờ hay còn gọi là “tăng ca” bắt buộc phải có được sự đồng ý của người lao động, nếu người lao động không đồng ý, nhưng người sử dụng lao động cụ thể là công ty TNHH OSCO Việt Nam nói trên như báo chí phản ánh, vẫn bắt ép công nhân phải làm thêm giờ, nếu người nào không làm hoặc làm không đầy đủ thì áp dụng hình thức trừ lương, hành vi này của công ty OSCO Việt Nam là trái luật.
Doanh nghiệp áp dụng hình thức trừ lương của người lao động vì họ không chịu tăng ca, không chịu làm thêm giờ thì thật sự hành vi này của doanh nghiệp có thể xem là hành vi bóc lột tàn nhẫn nhất, cần phải có sự can thiệp và xử lý kịp thời từ các cơ quan chức năng. Bởi doanh nghiệp áp dụng xử lý kỷ luật trừ lương hay còn gọi là trách nhiệm vật chất theo luật, quy định tại Điều 130 BLLĐ và Điều 32 Nghị định 05/2015 của Chính phủ có hiệu lực ngày 01/3/2015 chỉ đặt ra đối với các trường hợp người lao động do sơ suất làm hỏng hoặc mất dụng cụ thiết bị lao động hay tiêu hao vật tư quá mức cho phép của người sử dụng lao động, nhưng để làm được điều này doanh nghiệp cũng phải xử lý theo đúng trình tự xử lý kỷ luật lao động theo Điều 30 Nghị định 05/2015 chứ không phải thích trừ tiền lương của ai là trừ.
Thiên Dũng