Vẫn choáng về "nơi tiêu thụ" bằng giả số 1 Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - "Bằng giả chỉ có thể chui vào cơ quan nhà nước. Đó là bởi công tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ của các cơ quan nhà nước quá nhiều kẽ hở"

Học lực giả không có năng lực thật
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có phát biểu rằng: "Việc học giả, bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống công chức của chúng ta thôi, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu. Nếu không làm được vấn đề tuyển dụng thì cái thực học còn khó". Trước đến nay ta mới chỉ nói về vấn nạn bằng giả, chưa bàn nhiều về "nơi tiêu thụ" nó. Việc bằng giả chỉ có thể chui vào cơ quan nhà nước khiến nhiều người suy ngẫm, có phần sửng sốt, bà nghĩ sao, ThS Phạm Thị Ngạn?
Tại sao bằng giả lại dễ lọt vào các cơ quan nhà nước? Khoan hãy bàn đến những lý do tiêu cực, tham nhũng bởi nó vẫn đang là vấn nạn. Ta chỉ bàn đến những lý do tồn tại nhiều năm rồi. Số lọt vào vì tiêu cực sẽ không nhiều bằng số lọt do các kẽ hở trong công tác cán bộ của mình. Công tác cán bộ có 6 khâu, khâu nào cũng có kẽ hở nhưng khâu dễ để bằng giả lọt vào nhất là khâu tuyển chọn, bổ nhiệm và khâu đánh giá cán bộ. 
Khâu tuyển chọn hẳn là mấu chốt?
Tuyển chọn của ta chủ yếu căn cứ vào hồ sơ. Nhưng tình trạng học giả, bằng thật rất nhiều. Hồ sơ là bằng thật thì phải chấp nhận thôi. Việc tuyển chọn chủ yếu là giao cho bộ phận tổ chức cán bộ. Mà chất lượng, năng lực làm việc ở những người làm tổ chức cán bộ thì không phải tất cả đều giỏi. Có những cán bộ yếu, thậm chí là dốt. Nhìn sang việc tuyển chọn cho các công ty nước ngoài hay tư nhân, nguyên tắc đầu tiên là chọn được người có năng lực để đem lại năng suất lao động cao nhất. Muốn vậy thì đương nhiên phải chọn kỹ, hồ sơ chỉ là một yếu tố nhỏ. Còn vào cơ quan nhà nước, phỏng vấn chỉ sơ sơ, miễn là không đui què mẻ sứt, thế là tuyển.
Ý bà là người ta phải căn cứ vào năng lực thật, vậy nó không thể hiện qua hồ sơ thì thể hiện qua cái gì?
Chỉ cần một cuộc phỏng vấn là người ta biết phần lớn năng lực, người có học lực giả thì không thể có năng lực thật được.
Còn khâu đề bạt, bổ nhiệm thì sao?
Tiêu chuẩn để đề bạt bổ nhiệm trong các cơ quan nhà nước, nếu nói theo sách thì phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn vững vàng, tư tưởng lối sống lành mạnh... thì ai cũng đáp ứng được thôi. Những cái chung chung, ai cũng có. Lẽ ra khi đề bạt cán bộ thì phải căn cứ vào năng suất lao động, vào chất lượng công việc mà người đó đã hoàn thành thì người ta chỉ nói miệng như thế mà không cụ thể hóa cái đó. Nên khi đề bạt, bổ nhiệm, ta thường để rơi mất nhiều người giỏi mà để lọt những người năng lực không thực sự xứng đáng. 
ThS Phạm Thị Ngạn, nguyên cán bộ nghiên cứu Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói về việc bằng giả, bằng thật chất lượng giả chỉ "chui vào” cơ quan nhà nước. 
Chỉ có lên mà không có xuống
Bà vừa nói đến việc đánh giá cán bộ, nó liên quan gì đến câu chuyện bằng giả ta đang bàn?
Việc đánh giá cán bộ là một khâu yếu trong công tác cán bộ. Tiêu chuẩn để đánh giá chưa thực sự khoa học, còn chung chung. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá người lao động là năng suất lao động mà người đó cống hiến. Thế nhưng, đó không phải là tiêu chuẩn được coi trọng. Trong khi đó, ở các công ty nước ngoài hay công ty tư nhân, việc bổ nhiệm hoàn toàn dựa vào năng lực. Nếu giỏi, ngay lập tức sẽ được đề bạt, còn làm không được thì lại xuống. Nhưng ở các cơ quan nhà nước, chỉ có lên mà không có xuống. Lên thì chỉ có đứng đó và lên nữa.
Vậy là bằng cấp cũng là một yếu tố để cán bộ được cất nhắc, nên bằng mọi giá ai cũng phải cố gắng có cái bằng thể hiện trình độ cao nhất có thể?
Đúng thế, nó nảy sinh một cuộc chạy đua. Nó làm cho những người bằng thật học giả lọt qua và làm giảm sút chất lượng cán bộ của ta.
Giả sử có chế tài siết chặt xử lý tiêu cực trong vấn nạn này, hoặc người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển dụng nhân sự, thì liệu có khắc phục được?
Ở các cơ quan nhà nước, chế độ trách nhiệm chưa cụ thể, chưa nghiêm khắc. Ví dụ, giao cho anh việc A, làm tốt thì tôi khen thưởng, không tốt thì tôi xử lý, nếu gây hậu quả thì tôi sẽ buộc thôi việc. Nhưng trong các cơ quan nhà nước, chế độ trách nhiệm khá lỏng lẻo. 
Vậy khắc phục thực trạng này thế nào?
Muốn khắc phục thì phải bắt đầu từ chế độ trách nhiệm cho chặt chẽ. Cách đây 4 - 5 năm, chúng ta có quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra tiêu cực tham nhũng, còn những sai phạm khác thì lại chưa được đề cập đến. Có những nước chỉ một vụ tai nạn thôi, bộ trưởng đã phải từ chức. Nếu chỉ đạo tuyển dụng không dựa trên giấy tờ mà dựa vào năng lực thực sự của người đó thì may chăng tìm được người giỏi. 
Có chửa thì phải đẻ
Theo bà thì có dễ để xử lý bằng giả, bằng thật nhưng học giả?
Muốn kết luận ai sai phạm thì phải dựa trên chứng cứ. Giờ người ta hợp thức hóa rất tinh vi. Có những trường hợp không thể tìm được chứng cứ. Một người học phổ thông hết cấp 2, lên cấp 3 thì học bổ túc, lên đại học thì học tại chức. Dù là hệ nào thì họ cũng đã có bằng thật, học thật. Dù mỗi cái bằng ấy có khi chỉ học tập trung một vài tháng. Biết là không chất lượng đấy, biết là người ta học không giỏi đấy, nhưng bằng của người ta là bằng thật, ai làm gì được? Tôi không đến mức phân biệt quá các hệ học này, nhưng phải nhìn nhận rõ ràng chất lượng các hệ đào tạo này không cao, nếu không muốn nói là lôm côm.
Nhưng tồn tại này đã nhiều năm?
Những tồn tại này có từ lâu lắm rồi! Trách nhiệm tập thể, quyết định tập thể thì ai chịu trách nhiệm đây. Vì thế mà để thay đổi là khó lắm, nếu dễ thì người ta đã làm rồi. Trong đội ngũ lãnh đạo các cấp đều có những người giỏi, tâm huyết lắm. Nhưng nó vẫn là việc khó vì bị trói buộc bởi nhiều thứ, nhiều thứ vượt ra khỏi tầm tay. 
Theo nhìn nhận của bà thì số người bằng thật học giả có nhiều không?
Tôi nghĩ là không hiếm. Chỉ cần nhìn vào hệ thống các trường đào tạo tại chức, các loại hệ mở, hệ đào tạo từ xa... là có thể thấy ngay, nó tỷ lệ thuận với con số bằng thật học giả kia. Bằng không chất lượng tỉ lệ thuận với độ mở rộng của các loại hệ đào tạo kia. 
Thế thì ta lại đang vòng về câu chuyện trách nhiệm của ngành giáo dục?
Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn bằng giả chính là từ ngành giáo dục chứ không phải từ công tác cán bộ. Không kiểm soát chặt chẽ các hệ đào tạo này thì sản phẩm phải là các loại bằng này. Công tác cán bộ chỉ là nguyên nhân để những bằng đó lọt vào cơ quan nhà nước, còn chính sách giáo dục, chiến lược giáo dục đã đẻ ra các loại bằng đó. 
Nhưng nếu không có nơi tiêu thụ thì cũng không có nơi sản xuất?
Nói thế là ngành giáo dục không thấy trách nhiệm của mình. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì lấy đâu ra bằng giả ấy. Có bằng thì người ta phải tìm nơi sử dụng là đương nhiên. Có chửa thì phải đẻ thôi.
Xin cảm ơn bà!
Cuối năm khi tổng kết công việc, ai cũng viết là "tôi luôn có tinh thần trách nhiệm cao" nhưng cứ xem kỹ từng việc hàng ngày xem họ trách nhiệm thế nào. Cán bộ phòng tổ chức cứ căn cứ vào hồ sơ mà làm, sau này có chuyện gì thì người ta cũng đâu phải chịu trách nhiệm gì. Khi có chuyện thì trách nhiệm chỗ này đẩy sang chỗ kia. Bởi thế mà vấn nạn này vẫn khó có lời giải.
Tô Hội