Phát ngôn… khó hiểu?
Trong thư, TS. Trần Đình Bá chia sẻ, nguyên do ông viết bức thư thứ hai gửi Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông là vì ông bất ngờ đọc được tin Thứ trưởng Đông nói trên một tờ báo rằng:
"Điểm mấu chốt làm chậm tốc độ tàu hiện nay là do còn có quá nhiều đường ngang, đường cong chứ không chỉ do khổ đường sắt bị hạn chế. Nếu giải quyết tốt các tồn tại này, thì với đường sắt khổ đơn 1 mét như hiện nay cũng có thể tăng tốc độ trung bình toàn tuyến lên 80-90 km mỗi giờ, rút ngắn hành trình Bắc - Nam xuống 24, 25 giờ so với hiện nay là 29,5 giờ”.
Theo ông Bá, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát ngôn vậy là… “tiền hậu bất nhất”.
“Như vậy, so với công bố ban đầu: Nâng cấp đường sắt để tăng tốc 120 km/h, tốc độ trung bình là 80-90km/h, để hành trình Bắc Nam sẽ là 12-15 tiếng, sau đó là 21-23 tiếng, và nay ông lại thay lời là 24-25 tiếng. Một dự án tiêu tốn tới 2 tỷ USD “đánh bóng đường sắt đồ cổ” thực hiện từ 2004 đến nay vẫn chưa xong, lại còn thay đổi mục tiêu của dự án từ 12 tiếng xuống còn 24 tiếng là sao?” - TS Bá, đặt câu hỏi.
|
Tiến sỹ Trần Đình Bá. Ảnh: Internet |
Hơn nữa, ông Bá cho rằng, đường sắt nước nào mà chẳng có đường ngang - khúc cua, không lẽ khi lập dự án lại không tính đến luận chứng kinh tế kỹ thuật này. “Tại sao ông lại lấy những lý do đó để từ chối việc phải ngồi lên con tàu chạy thử nghiệm tốc độ 120 km/h, có tốc độ trung bình 89-90 km/h, mà đó là trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn đường sắt...”.
Ông Trần Đình Bá cho biết thêm: “Tôi cũng rất bất ngờ khi biết tin, hội thảo định hướng phát triển GTVT đường sắt trên trục Bắc - Nam do Cục Đường sắt (Bộ GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì đã được “bí mật” tổ chức sáng 7/9 tại Hà Nội.
Tôi không hề nhận được lời mời dự Hội thảo khoa học đó, dù chỉ là một câu thông báo trên điện thoại hay trên báo chí. Trả lời của ông Đông với báo giới về việc có thư mời tôi là thiếu trung thực”, TS Bá khẳng định.
Tăng "thách đấu" lên 50 triệu USD
Qua báo chí, TS Trần Đình Bá được biết tại hội thảo định hướng phát triển GTVT đường sắt, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng GS.TS Lã Ngọc Khuê – nguyên thứ trưởng GTVT, cùng Ths. Nguyễn Đạt Tường - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN đã thống nhất chọn phương án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt đồ cổ khổ 1 mét hiện tại để nâng cấp theo phương án 2, để tàu hỏa Bắc - Nam sẽ đạt 120 km/giờ. Sau khi hoàn thành nâng cấp (dự kiến năm 2020), toàn tuyến đường "đồ cổ tân trang" sẽ được khai thác tới năm 2050.
"Như thế, dự án “tân trang đường sắt đồ cổ” từ 2004 mà phải kéo dài đến tận năm 2020 mới hoàn thành thì kéo dài gần 2 thập kỷ. Với hành trình Bắc-Nam 23-24 giờ, thì mục tiêu kinh tế kỹ thuật của dự án đã thất bại”, ông phản biện.
Vì thế, trong thư thứ hai gửi Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, TS. Trần Đình Bá thay lời thách đấu, để Thứ trưởng dễ dàng thực hiện như sau:
"Điều 1: Hãy dũng cảm ngồi lên tàu để chạy thử nghiệm 120km/h, tốc độ trung bình 80-90 km/h, để hành trình Bắc Nam đạt 23-24 giờ như tuyên bố. Nếu thành công, tôi sẽ gọi các ông là “những người anh hùng” và thưởng cho các ông 50 triệu USD.
Điều 2: Nếu các ông không dám ngồi lên chạy thử nghiệm, hoặc chạy thử nghiệm không đạt tốc độ trung bình 80-90km/h, để lật tàu, chết người thì các ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm về thất bại của dự án “2 tỷ USD tân trang đường sắt đồ cổ” và phải trả cho tôi 50 triệu USD".
Ông Bá nhắn nhủ thêm: “Tôi mong ông cùng GS.TS Lã Ngọc Khuê, Ths. Nguyễn Đạt Tường nhận lời thách đấu này vì trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân để khẳng định các luận cứ, luận chứng khoa học của mình trong hội thảo 7/9/2013 là chính xác...
Hãy dũng cảm làm việc đó vì các ông là những Thứ trưởng, những GS.TS khoa học đầu ngành có trí tuệ, là Tổng giám đốc… Các ông cần có trách nhiệm ngồi lên chạy thử nghiệm để chứng minh sự thành bại của dự án, để “đóng dấu đăng kiểm” lên “đường sắt đồ cổ” đảm bảo tính an toàn trước dân".
TS Bá lần nữa khẳng định rằng, “đường sắt đồ cổ” khổ 1 mét là loại đường sắt tốc độ thấp dưới 80km/h, tốc độ trung bình không thể vượt quá 50km/h vì nguy cơ gây lật rất cao.
Anh Tuấn