Có lẽ cho tới thời điểm hiện tại, người dân trong xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) sẽ rất khó để có thể tìm lại được những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, đã tồn tại bao đời nay trong chùa Chân Long (Chân Long Tự).
Cũng chẳng biết đến khi nào cơn phẫn nộ của hàng nghìn người dân nơi đây mới được nguôi ngoai, trước những việc làm sai trái với các quy định pháp luật về tôn giáo, về quản lý di tích, nơi thờ cúng của trụ trì chùa Chân Long - Thích Minh Phượng: Tự ý xây bể phốt, nhà tắm ngay cạnh chùa chính, tự ý tháo dỡ các bức tượng cổ trong chùa để thay vào đó bằng những bức tượng mới, sau đó còn tự đúc tượng đồng đưa về chùa, đặt lên bàn thờ…
|
Những pho tượng bằng thạch cao rất mới, được sư Phượng tự ý đem về chùa để thay thế các bức tượng cổ .
|
“Tiền cúng tiến của người dân để sửa chùa, giờ ở đâu?”
Câu hỏi này luôn được nhiều người dân trong xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) nhắc đi, nhắc lại khi cung cấp thông tin cho PV Kiến Thức.
Người dân xã Chàng Sơn cho hay, trước khi về làm trụ trì chùa Chân Long, trong người ông Nguyễn Xuân Long (tức trụ trì Thích Minh Phượng chẳng có gì khác ngoài hai bộ quần áo, cùng với chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ.
“Sư Phượng về chùa Chân Long chỉ khoảng 28 tuổi, tính khí đã rất ngang ngược, cố chấp chẳng khác gì bây giờ. Khi đó, tôi vẫn đang còn là Chủ tịch hội người cao tuổi của xã Chàng Sơn, có quen biết với một cố Hòa thượng bên chùa Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Chùa Triều Khúc cũng là nơi ở của sư Thích Minh Phượng trước khi ông về làm trụ trì chùa Chân Long.
Lúc sư Phượng về chùa Chân Long, cố Hòa thượng (xin giấu tên) bên chùa Triều khúc có tâm sự với tôi rằng, tính khí của sư Phượng ngang ngược từ lúc còn nhỏ, sang bên Chân Long Tự (tức chùa Chân Long) mọi người chỉ cần gọi là chú tiểu, chứ chưa phải gọi là thầy vì sư Phượng còn phải rèn luyện và cần phải làm ra nhiều thành quả. Nhưng từ ngày sư Phượng về làm trụ trì chùa Chân Long, dường như chưa làm được điều gì để người dân trong xã chúng tôi cảm thấy thỏa lòng, ngược lại luôn gây rối loạn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, làm thay đổi di tích lịch sử Văn hóa của xã, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc.
Đặc biệt, là những số tiền mà người dân trong xã đi quyên góp, để mang về giúp tu sửa lại chùa Chân Long, gửi về chùa mà chẳng thấy sư Phượng tu sửa gì? Càng ngày, càng thấy cơ sở hạ tầng của chùa bị xuống cấp trầm trọng”, ông Nguyễn Ngọc Bảo (74 tuổi, người dân xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) nhớ lại.
Bên cạnh những người dân trong xã Chàng Sơn đi quyên góp tiền ở bên ngoài, có nhiều gia đình sống ngay trong xã cũng đã tự nguyện vào chùa cúng tiến để giúp tu sửa lại ngôi chùa, thế nhưng chùa không được trụ trì Thích Minh Phượng tu sửa, tiền cúng tiến của người dân cũng chẳng biết đã dùng để làm gì?.
|
Cánh cổng sắt của chùa Chân Long bị hỏng, nằm ngổn ngang. Thế nhưng, sư Phượng vẫn không đem đi sửa chữa. |
“Chùa Chân Long là nơi thiêng liêng, là nơi lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa cho người xã chúng tôi. Thấy chùa xuống cấp, mọi người trong gia đình có bàn bạc với nhau về việc cúng tiến, sau đó em gái tôi đã nhanh chóng cúng tiến 1 cây vàng, cùng hai chiếc đèn cầy lớn vào chùa với hy vọng sẽ góp phần giúp ngôi chùa của quê hương được sửa chữa thêm đẹp, thêm linh thiêng hơn.
Trước đây, mỗi khi dịp lễ, tết đến, tôi hay lên chùa cúng vái, vẫn thấy 2 cây đèn cầy được đặt ở Tam Bảo, nhưng không hiểu tại sao trụ trì lại đưa 2 chiếc đèn cầy xuống (năm 2010). Khi đó tôi mới thắc mắc hỏi, đồng thời nhắc đến việc tiền cúng tiến lần trước của người thân trong gia đình, để xem nhà chùa đã sử dụng vào việc tu sửa chưa? Ngay lập tức trụ trì Thích Minh Phượng nói rằng, số vàng đó đã bán đi bán đi để lấy tiền đem về sửa chùa…
Đến nay, nhiều chỗ trong chùa bị hư hỏng, thậm chí cánh cửa sắt ngoài cổng chính đã bị đổ xuống, vậy mà chẳng thấy sư Thích Minh Phượng tu sửa gì? Ngược lại, những nơi như chỗ ăn, chỗ ngủ rồi cả nhà tắm của sư Phượng lại được xây dựng rất đẹp đẽ”, bà Chu Thị Hoa người dân xã Chàng Sơn) thắc mắc?
|
Nhiều nơi trong chùa Chân Long đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng sự Phượng không tu sửa chữa mà mua xe ôtô, xây nhà tắm...
|
Ra giá tiền trước khi tụng kinh niệm Phật cho người đã mất
Anh V.H.L (người dân xã Chàng Sơn) rơi nước mắt kể lại sự việc: “Con trai nhỏ tuổi của tôi bị mất vì ngã xuống ao làng. Lúc đó, tôi cùng vợ đưa cháu vào chùa, xin sư Thích Minh Phượng làm lễ tụng kinh niệm Phật cho vong hồn của cháu, và có đưa cho sư Thích Minh Phượng 3 triệu. Nhưng sư Phượng bảo số tiền này chưa đủ tiền hương, hoa thế là người nhà phải về vay thêm 5 trăm nghìn nữa đem đến cho ông.
Lúc đấy, đang muốn nhanh chóng tập trung để lo hậu sự cho cháu nên gia đình chẳng muốn nói. Thực sự thái độ và đạo đức của sư Phượng như thế chúng tôi không thể nào chấp nhận được”.
|
Chiếc xe ôtô Kia của sư Thích Minh Phượng vẫn còn để trong gara trước cửa chùa Chân Long, trong khi nhiều người dân không biết sư Phượng đi đâu. |
Đa số người dân trong xã Chàng Sơn đều bày tỏ chung sự bức xúc trước những việc làm của sư Thích Minh Phượng trong suốt thời gian làm trụ trì chùa Chân Long. Được biết, sư Thích Minh Phượng có riêng chiếc ôtô Kia (màu trắng) BKS 29E – 64885, trong khi nhiều người dân xã Chàng Sơn vẫn luôn thắc mắc câu hỏi: “Không biết số tiền mà sư Phượng dùng để mua ôtô lấy từ đâu? Hay sư Phượng đã sử dụng những đồng tiền công đức mà nhiều người dân trong xã Chàng Sơn quyên góp lại, cho việc tu sửa chùa Chân Long để mua xe ôtô?.
Mạnh Hưng