Trước đó, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đồng Văn Hải, ngụ huyện Hồng Dân, Bạc Liêu để điều tra hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ba nghi phạm còn lại, gồm Nguyễn Chí Công (ngụ huyện Đầm Dơi, Cà Mau), Nguyễn Đăng Luật (ngụ huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) và Dương Kim Thịnh (ngụ huyện Thạnh Hà, Hà Tĩnh), cơ quan điều tra đang xúc tiến hồ sơ chuẩn bị khởi tố bị can.
Ngày 15/7, cơ quan An ninh điều tra nhận được tin báo nghi phạm Hải giao bằng máy trưởng hạng hai tên Phạm Hoàng Minh tại Cần Thơ nên bố trí trinh sát truy bắt. Qua khám xét, cơ quan an ninh phát hiện Hải mang theo bằng giả nên tạm giữ để điều tra. Hải khai nhận làm bằng này thông qua Công đang tạm trú tại Bình Dương. Giá bằng Hải nhận làm là 3,7 triệu đồng, sau đó đưa cho Công 1 triệu đồng.
|
Bằng cấp, chứng nhận giả xuất xứ từ lò của Luật và Thịnh. |
Sau khi khai thác thông tin từ Hải, ngày 28/7, cơ quan An ninh điều tra tiến hành bắt giữ Công tại Bình Dương, khai thác tại chỗ Công, được biết “lò” sản xuất được đặt tại kiốt không số, tổ 3, khu phố Khánh Long, thị trấn Tân Phước Khánh, H.Tân Uyên, Bình Dương do Luật và Thịnh điều hành. Cơ quan An ninh điều tra bắt khẩn cấp hai nghi phạm này, tiến hành khám xét nơi ở và lò sản xuất bằng cấp giả.
Tại những nơi này, lực lượng an ninh thu giữ hàng trăm phôi bằng các loại đang làm dở dang, nhiều lọai dấu nổi, mộc, máy in phun màu, vi tính… Trong số các lọai dấu, mộc giả này thuộc nhiều trường đại học, trường nghề, trung tâm đào tạo, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Sở GTVT nhiều tỉnh thành… Luật và Thịnh khai nhận làm giả tất cả các lọai giấy tờ theo đặt hàng, từ bằng thuyền trưởng, máy trưởng, bằng lái xe các lọai, bằng đại học, THPT đến giấy CMND. Theo tài liệu ban đầu thu thập được thì có trên 500 bằng cấp, giấy tờ giả đã được bàn giao, tuy nhiên số lượng này ước tính lên đến hàng ngàn vì các nghi phạm khai làm rất nhiều, không nhớ hết.
Luật và Thịnh khai làm giả các giấy tờ này cung cấp cho rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cơ quan An ninh đang tiếp tục điều tra mở rộng.