Như đã thông tin, sáng nay (26/8), TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án nguyên đại úy Ngô Văn Vinh đã bắn chết cấp trên là thiếu tá Trần Ngọc Sơn - phó trạm CSGT Suối Tre (thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt công an tỉnh Đồng Nai).
Vì sao Đại úy CSGT bắn chết cấp trên?
Theo cáo trạng, vào lúc 13h ngày 22/9/2013, thiếu tá Sơn cùng Trương Thành Chí (tự Trúc) và một số người bạn đến quán karaoke Hân Linh (thuộc phường Xuân An, thị xã Long Khánh) để nhậu. Tại đây nhóm Ngô Văn Vinh, Cường, Long (đều là cán bộ Trạm CSGT Suối Tre) cũng đang nhậu. Khi biết có “sếp” đang ngồi nhậu ở phòng bên cạnh nên Vinh, Long có mang ly qua chào.
Khi qua phòng thiếu tá Sơn, vì có biết Chí nên Vinh nói: “Lúc này nghe nói mày làm ăn được lắm, còn thằng anh mày thì sao”. Chí đáp lời: “Mày học chung lớp với tao, có khi nào tao nói “ê thằng Vinh” chưa mà mày kêu anh tao bằng thằng. Mày biết anh tao bao nhiêu tuổi chưa?”. Vinh nghe vậy liền đưa ly mời Chí uống nhưng bị người này đập thẳng ly vào mặt, chảy máu mũi.
Bị đánh, Vinh nói với thiếu tá Sơn: “Tao với mày là đồng đội với nhau, mày không bênh tao mà đi bênh người ngoài”. Nghe vậy thiếu tá Sơn nói “anh nó mà mày kêu bằng thằng thì nó đánh là phải rồi”. Vinh đấm vào cổ thiếu tá Sơn một cái nhưng được mọi người can ngăn rồi kéo cả 2 ra ngoài, sau đó Vinh bỏ về Trạm Suối Tre.
Khi về đến Trạm CSGT Suối Tre, Vinh lên phòng ở tập thể lấy khẩu súng K59 cầm trên tay rồi quay xuống tầng một, đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn đập cửa gọi. Lúc này anh Trương Học Lâm (là người giữ xe tại Trạm CSGT Suối Tre) đang ngủ trong phòng ra mở cửa thì thấy Vinh đang cầm trên tay một khẩu súng và nói với Lâm điện thoại kêu Sơn về gấp.
Biết có chuyện không hay nên anh Lâm giả vờ bấm số nhưng không gọi mà chỉ nhắn tin báo cho thiếu tá Sơn biết việc Vinh cầm súng tìm Sơn và khuyên vị Phó trạm không nên về đơn vị.
Đến khoảng 17h cùng ngày, thiếu tá Sơn về đến trạm CSGT Suối Tre và đi lên phòng gặp Vinh. Lúc này anh Lâm và Chí đi theo sau để can ngăn. Bước vào trong phòng, thiếu tá Sơn thấy Vinh đang nằm trên giường nên bước đến và hỏi: “Vinh đen, mày kiếm tao, mày ngon mày bắn tao đi?” đồng thời đấm vào mặt và đầu Vinh 3 cái làm chảy máu.
Bị đánh, Vinh lấy khẩu súng ra thì thiếu tá Sơn xông vào vật đánh và đè Vinh xuống để tước khẩu súng. Thượng úy Đoàn Thanh Phú ngồi giường kế bên nhảy vào can ngăn. Trong lúc thiếu tá Sơn giằng co để lấy khẩu súng trên tay Vinh làm súng nổ 2 phát (trong đó có 1 phát trúng vào hông thượng úy Phú). Lúc này, Sơn và Vinh vẫn giằng co khẩu súng. Vinh bắn thêm 4 phát (2 phát trúng trần nhà, 2 phát trúng vào người thiếu tá Sơn) làm thiếu tá Sơn gục xuống nền nhà. Anh Lâm xông vào chụp tay Vinh thì súng nổ thêm 2 phát nữa nhưng không trúng ai. Sau đó, Chí lấy khẩu súng rớt dưới nền nhà giao nộp cho cán bộ Trạm CSGT Suối Tre.
Mọi người đưa thiếu tá Sơn, thượng úy Phú và Vinh đi bệnh viện cấp cứu. Đến tối cùng ngày thiếu tá Sơn tử vong. Kết quả giám định cho thấy thượng úy Phú bị thương tật tỉ lệ 15%, Vinh bị 40%.
Vinh bị truy tố về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo khoản 1, điều 95 Bộ luật hình sự.
|
Tòa tuyên bố trả lại hồ sơ cho VKS để điều tra lại. |
Tranh luận gay gắt tại tòa
Sau khi hoàn thành các thủ tục xét các nhân chứng có liên quan đến vụ án, 16h chiều cùng ngày, tòa đã chuyển sang phần tranh luận.
Khi nghe đại diện VKS đề nghị mức án từ 24 tháng đến 30 tháng tù giam đối với bị cáo Ngô Văn Vinh. Luật sư Nguyễn Thị Bích Vân-người bào chữa cho gia đình bị hại đã phản bác lại ý kiến của VKS và đưa ra nhiều tình tiết của vụ án mà bà cho rằng cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai đã sai sót dẫn đến việc vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng. “Vật chứng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vụ án nhưng khẩu súng không được đưa ra tòa và cho bị cáo nhận dạng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng".
Vị luật sư này cho rằng, mã hiệu khẩu súng trong hồ sơ thể hiện 5694, kết luận giám định ghi 5694, sau đó biên bản khám nghiệm ghi 5894, kết luận điều tra ghi 5694, phần kết luận điều tra 5895, tiếp đó cáo trạng ghi số hiệu 5894. Theo luật sư, cần phải làm rõ, đây có phải khẩu súng gây án hay không.
Ngoài ra, luật sư còn phản ánh, gia đình nạn nhân không nhận được kết luận điều tra vụ án, cáo trạng; nhiều tình tiết, lời khai trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn nhưng chưa được làm sáng tỏ.
Điều quan trọng nhất, luật sư cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là không đúng. Bởi theo luật sư, Vinh đã có chủ ý từ trước nên chuẩn bị hung khí, đi tìm nạn nhân, lên đạn và để sẵn dưới gối.
Luật sư bảo vệ gia đình bị hại cũng nêu kết quả khám nghiệm hiện trường, trong đó ông Sơn bị hai vết đạn ở mạn sườn và một vết xuyên từ sau ra trước. Điều này cho thấy bị cáo phạm tội đến cùng, bắn nhiều lần, có thể giết nhiều người... Nhiều lời khai cho thấy anh Sơn chỉ đánh bằng tay, chân thì không thể gây chấn thương vỡ sọ cho bị cáo Vinh.
"Cáo trạng truy tố bị cáo tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động là sai. Hành vi của bị cáo là phạm vào tội Giết người. Đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra lại theo hướng này", luật sư nêu. Khi bà vừa dứt lời, cả khán phòng rộn lên tràng pháo tay dòn giã ủng hộ ý kiến của bà.
Tranh luận lại với luật sư của gia đình ông Sơn, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội. Ông cũng giữ nguyên quan điểm với những phần khác của cáo trạng.
Về việc số hiệu khẩu súng Vinh dùng gây án không thống nhất, VKS cho rằng, sau khi giám định súng đó là K59, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra sai sót về số hiệu. Công an Đồng Nai thừa nhận sơ suất trong quá trình khám nghiệm hiện trường, do trời tối, nên dẫn đến sai sót về số hiệu.
Kết thúc phần tranh luận gay gắt giữ VKS và luật sư đại diện cho người bị hại, HĐXX bước vào phòng nghị án.
Sau 10 phút nghị án, HĐXX cho rằng, căn cứ vào các chứng cứ và lời khai tại phiên tòa, có dấu hiệu cho thấy bị cáo Vinh phạm vào tội Giết người, theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. HĐXX quyết trả hồ sơ cho VKS điều tra lại từ đầu.
Thiên Dũng-Vũ Sơn