Trầm Bê lần đầu về quê, sau “sự cố” treo ảnh ở chùa

Google News

Đại gia Trầm Bê đã trở về quê hương, đến 1 trong 7 ngôi chùa mà ông phát tâm xây dựng - chùa Cà Hom (tọa lạc tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).


Gần 6 tháng qua, ông Trầm Bê đã buồn chán, chưa 1 lần về quê, sau sự cố một số thông tin sai lệch về chuyện treo hình, bảng công đức của ông và các thành viên gia đình ông giữa....chánh điện.

Đại gia Trầm Bê đã tạm gác công việc lãnh đạo ngân hàng Sacombank, để về quê tham dự lễ giỗ lần thứ 4 của Hòa thượng Trần Dạnh - nguyên là: Thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Truởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Trà Vinh, Viện chủ chùa Cà Hom, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Theo nhiều người dân Khmer sinh sống ở đây: Lúc còn tại thế, Hòa thượng Trần Dạnh được ông Trầm Bê rất mực kính trọng và xem Hòa thượng như người cha thứ 2 của mình. Từ khi Hòa thượng Trần Dạnh viên tịch đến nay, vì trọng tình nghĩa, trong  4 lần giỗ, chưa bao giờ vắng mặt ông Trầm Bê.

Vì quý trọng Hòa thượng Trần Dạnh, ông Trầm Bê đã bỏ gần 20 tỷ đồng ra xây dựng ngôi chánh điện đang mục nát, có thể sập bất cứ lúc nào của chùa Cà Hom, nơi Hòa thượng Trần Dạnh đang trụ trì.

Sau đó, ông Trầm Bê tiếp tục bỏ ra gần 200 trăm tỷ đồng, xây dựng chánh điện 5 ngôi chùa ở địa phận tỉnh Trà Vinh và chánh điện một ngôi chùa thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long, như: Vàm Ray, Giồng Lớn, Ba Sát, Hạnh Phúc Tăng...

Trước lúc viên tịch vào năm 2009, lúc đã 84 tuổi, Hòa thượng Trần Dạnh, với tư cách là Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, đã căn dặn: "Thí chủ Trầm Bê có công đức xây dựng chánh điện nhiều ngôi chùa, giúp đỡ bà con nghèo có chỗ bái lạy Phật. Để ghi nhớ ơn, tôi mong muốn, cũng như bà con Phật tử Khmer mong muốn, là treo bảng công đức của thí chủ xung quanh chánh điện các ngôi chùa mà thí chủ đã phát tâm xây dựng. Đó mới hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Khmer...".

 Đại gia Trầm Bê đang chuẩn bị làm lễ bưng bát hương ra tháp cốt của cố Hòa thượng Trần Dạnh.

Và sau khi Hòa thương Trần Dạnh viên tịch, theo nguyện vọng của Ban quản trị chùa và bà con Phật tử, bảng công đức đã được treo ở 7 ngôi chùa mà ông Trầm Bê phát tâm xây dựng.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên: Bảng công đức của cha mẹ ruột, mẹ lớn (ông Dương Quơ, bà Trầm Thị Sinh, Thạch Thị Đôn) của ông Trầm Bê được treo bên ngoài, lối vào cổng phải của chánh điện. Ba bảng công đức các con ông Trầm Bê gồm: Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa, được treo bên ngoài, lối vào cổng trái chánh điện. Riêng hình ông Trầm Bê và các thành viên gia đình ông, được treo ở bên ngoài, lối vào cổng sau của chánh điện.

 Tại chùa Cà Hom, có rất nhiều vật dụng mang dấu ấn của ông Trầm Bê. Phía sau lưng ông Trầm Bê là tấm phản gỗ trang trọng đề bảng công đức của vị đại gia này.

Nhưng có một số thông tin sai lệch, mập mờ cho rằng hình ảnh, bảng công đức của ông Trầm Bê được treo...giữa chánh điện, ngang hàng với Phật, nghĩa là vào chùa xá lạy phật phải lạy luôn...đại gia Trầm Bê. Chính những thông tin này đã làm vị đại gia buồn lòng, không muốn về quê và đang cho tạm ngưng nhiều công trình từ thiện, công trình công ích khác.

Hình ảnh ông Trầm Bê về dự lễ giỗ cố Hòa thượng Trần Dạnh tại chùa Cà Hom, ngôi chùa mà ông phát tâm xây dựng. Vị đại gia được các sư sãi, bà con Phật tử Khmer đón tiếp nồng hậu và trang trọng, hoàn toàn không có một ánh mắt không "thiện cảm" nào dành cho ông, như một số thông tin đã đồn thổi.

Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên đã ghi lại:

 Ông Trầm Bê nhận bát hương từ vị sư....

 Có nhiều Phật tử giúp đại gia Trầm Bê bưng bát hương nặng bằng đồng. Bìa trái là ông Sơn Song Sơn, nguyên UV BCH TW Đảng, Đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa X - Phó chủ nhiệm các vấn đề về dân tộc, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

 Phật tử, sư sãi dàn hai hàng, chào đón ông Trầm Bê sắp bước ra từ giảng đường chùa Cà Hom.

 Ông Trầm Bê bưng bát hương tiến ra sân.

 Vị đại gia đi vòng qua cổng sau  ngôi chùa Cà Hom, tiến ra tháp cốt cố Hòa thượng Trần Dạnh.

 Tiếng nhạc dân tộc Khmer vang lên rộn ràng, theo nhịp bước của vị đại gia.

 Sư sãi quý mến ông Trầm Bê, cầm ô che nắng cho ông.

 Nhiều sư sãi đã nhường bước, đi phía sau vị đại gia.

 Trong khi mọi người đứng, ông Trầm Bê đã tỏ lòng kính trọng cố Hòa thượng Trần Dạnh bằng cách quỳ. Ông cùng các chức sắc tôn giáo tỉnh Trà Vinh, trong đó có Hòa thượng Thạch Sok Xane (bìa phải), đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn cố hòa thượng Trần Dạnh.

 Sau khi làm lễ xong, ông Trầm Bê đã đi thăm chùa Cà Hom. Thấy con đường dẫn ra tháp cốt của  cố Hòa thượng Trần Dạnh lầy lội, ông Trầm Bê đã nói với một người "lính" của ông: "Tiến hành đổ bêtông con đường này, chứ để ầy lội, bất tiện cho bà con. Chi phí bao nhiêu lên kế hoạch ngay". Trong ảnh: Ông Trầm Bê đang đứng trước tấm bảng công đức của ông và vợ- bà Viên Đông Anh ở trước cổng chính chánh điện chùa Cà Hom.

 Ngôi chùa Cà Hom mà  đại gia Trầm Bê bỏ tiền xây dựng lộng lẫy dưới ánh nắng sớm.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo Giáo Dục Việt Nam