Các lực lượng thực thi pháp luật của ta trên biển phát hiện có tới 7 lần máy bay hoạt động, trong đó có 4 lần máy bay trinh sát (Y-8) từ Lạc Đông qua Du Lâm, Trung Quốc tới khu vực giàn khoan Hải Dương 981, sau đó quay về Lạc Đông; 3 chiếc máy bay tiêm kích từ Toại Khê ra khu vực giàn khoan, sau đó về Toại Khê. Ngày hôm nay Trung Quốc vẫn duy trì số lượng tàu lớn, 118 tàu xung quanh khu vực giàn khoan trái phép 981.
Lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 với khoảng cách 11 hải lý về phía Tây Tây Nam. Quan sát tại hiện trường và nhận định về thế trận của ngày hôm nay thì phía Trung Quốc đã cho tàu tập trung đội hình co cụm hai bên cánh gà và để một khoảng trống chính giữa giàn khoan tạo thế mở cửa để đánh lạc hướng tàu lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Và với tình huống như thế này thì các tàu của Việt Nam không để mắc mưu và đấu tranh tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc sớm rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc sử dụng 118 tàu bảo vệ giàn khoan, 6 tàu chiến. Trong buổi sáng và buổi chiều, nhận lệnh, các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư cơ động, tiếp cận giàn khoan tổ chức tuyên truyền, khẳng định chủ quyền.
Khi các tàu Cảnh sát Biển cơ động tiếp cận cách giàn khoan từ 8,1 - 11 hải lý, các tàu bảo vệ Trung Quốc tổ chức thành các nhóm tàu (mỗi nhóm có từ 8 - 9 tàu các loại) bật còi uy hiếp, sẵn sàng đâm va, ngăn cản các tàu của ta trên các hướng ở khoảng cách gần nhất từ 100-200m, không cho lực lượng tàu của ta tiếp cận gần giàn khoan.
Các tàu đánh cá của ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn đánh bắt ở Tây Tây Nam cách giàn khoan 40 – 43 hải lý. Xung quanh khu vực tàu cá của ta vẫn có khoảng 40 tàu vỏ sắt và 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản không cho ngư dân của ta khai thác hải sản. Dưới sự hỗ trợ của các tàu kiểm ngư Việt Nam, tàu cá của ta vẫn bám sát ngư trường và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
V.L