|
Ảnh minh họa. |
TS Trần Mạnh Hùng, nguyên cán bộ Viện Năng lượng cho biết, hiện ở Khánh Hòa, nơi có tiềm năng để phát triển điện gió, Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các tua bin gió phát điện, nhưng đến nay, mơ ước được sử dụng điện năng từ gió vẫn chỉ là ước mơ. Ai có dịp vào Khánh Hòa, nhìn những tua bin này đứng trơ ra mới thấy tiếc tiền. Chi phí cao, giá bán thấp, thiếu chính sách hỗ trợ nhất quán từ phía Chính phủ đã khiến doanh nghiệp ngày càng ít mặn mà với năng lượng gió. Thi thoảng có tua bin cũng hoạt động nhưng điện sản xuất ra cũng không bán được, doanh nghiệp không mua điện với giá cao, dù là điện sạch. Vì bản chất của họ là kinh doanh, phải có lời.
Nguồn năng lượng tái tạo điện gió, cao hơn nhiều so với suất đầu tư thủy điện hay nhiệt điện. Trong khi điện gió hiện nay đã có cơ chế hỗ trợ giá, cũng như được hỗ trợ đầu ra. Dự án điện gió nào sản xuất ra điện bao nhiêu thì Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua lại với giá 7,8 cent/kWh. Điện từ nguồn sinh khối được mua chỉ với giá khoảng 4 cent/kWh. Nhiều dự án không thương thảo được giá bán nên chỉ mới dừng lại ở dự án. Nghĩa là có cơ chế đấy, nhưng doanh nghiệp không thực hiện, Nhà nước cũng bó tay. Mấy chục tỷ đồng bỏ không, phơi nắng phơi sương, cũng chịu. Và vì mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, tiền vẫn cứ đổ vào đầu tư. Cũng không ai đứng lên bảo rằng, đừng đầu tư nữa, phải đầu tư khác đi, nếu không thì không hiệu quả đâu.
Theo quy hoạch của tổng sơ đồ điện 7 được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tổng công suất điện đạt 75.000MW (hiện đạt 28.000MW). Trong đó, ngoài việc khai thác các nguồn thủy điện, nhiệt điện thì ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ 3,5% (năm 2010) lên 4,5% năm 2020 và 6% vào năm 2030 (tương đương công suất 500MW đến năm 2020 và 2.000MW năm 2030). Với thực trạng này, mục tiêu chắc chắn không thực hiện được. Ai phải chịu trách nhiệm?
Hà Bình