Chưa có quy hoạch vì... tốn kém!
Đúng vào đỉnh điểm của trận lũ lịch sử đang hoàng hành tại các tỉnh nam miền Trung, chúng tôi tìm đến Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh.
Đề cập về vấn đề quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn, anh Thái Hoàng Nhất, chuyên viên Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương khẳng định: Cho đến thời điểm này Hà Tĩnh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển thủy điện, bởi đây là công việc “tốn kém” nên chỉ tiến hành quy hoạch từng dự án mà thôi.
|
Lũ làm ngập nhiều nhà dân và làm nhiều người chết tại Hà Tĩnh trong trận lũ tháng 10/2013. Ảnh Thanh Niên. |
Theo đó, cả tỉnh có 12 công trình dự án thủy điện đã được quy hoạch, có 3 công trình đã xây dựng xong là Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, Nhà máy Thủy điện Hố Hô và Nhà máy Thủy điện Kẻ Gỗ.
Riêng Nhà máy Thủy điện Hố Hô sau sự cố lũ lụt tháng 10/2010 hiện vẫn chưa được đưa vào vận hành khai thác. Có lẽ cũng một phần do “thảm họa” mà Nhà máy này suýt nữa gây ra nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét, đánh giá khách quan và toàn diện hơn đối với việc phát triển thủy điện trên địa bàn.
Nên ngày 15/8/2013, tỉnh đã ra Công văn số 2910 về rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện gửi Bộ Công Thương, đề nghị đưa dự án Thủy điện Trại Hội và dự án Thủy điện Đá Mồng ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc. Lý do vì 2 dự án này tính khả thi không cao, vùng ảnh hưởng lớn và diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều.
Xuất phát từ những kiến nghị của chính quyền cơ sở, cùng với việc nhà đầu tư chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND Hà Tĩnh cũng tạm dừng việc nghiên cứu và chưa có kế hoạch triển khai dự án Thủy điện Giao An I và Giao An II (gồm Giao An IIA, IIB).
Còn dự án Thủy điện Sông Rác do công suất lắp máy nhỏ (chỉ vẻn vẹn 1 MW), nguồn nước dùng phụ thuộc vào sự cấp nước tưới cho nông nghiệp nên vẫn chưa có nhà đầu tư. Riêng dự án Thủy điện Đá Hàn công suất lắp máy tối đa 3 MW, hiện đang triển khai việc chuyển đổi chủ đầu tư.
Đặc biệt, trong số 3 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành, có 2 dự án Thủy điện Hương Sơn và Hố Hô đều nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, thuộc vùng đệm và cạnh vùng đệm Vườn quốc gia Vũ Quang, nên sự tác động nhiều mặt đến môi trường và xã hội là điều khó tránh khỏi.
Quả bom nước
Thủy điện Hố Hô có tổng mức đầu tư trên 392 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 1, thuộc Công ty Điện lực I làm chủ đầu tư theo hình thức BOO. Công trình gồm 2 tổ máy có tổng công suất 13 MW, dung tích 38 triệu m3, diện tích lưu vực lòng hồ trên 265 ha.
Điều khu biệt của dự án này là thân đập và nhà máy nằm trên đất của xã Tân Đức, huyện Hướng Hóa (Quảng Bình), song toàn bộ diện tích lòng hồ và hệ thống xả lũ lại nằm trên đất của xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Tháng 4/2010 Thủy điện Hố Hô được chính thức đưa vào vận hành, đến tháng 10 năm ấy xảy ra sự cố nước lũ tràn qua đỉnh đập 1,5 m, hình thành một quả “bom nước” khổng lồ treo trên đầu gần 20.000 dân nơi đây, làm các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đều bàng hoàng, còn người dân địa phương vùng hạ du cho đến nay vẫn còn kinh hãi.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê-người đã từng 10 năm tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nhớ lại: Ngày 4/10/2010, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về với cường độ cực lớn, nhưng cửa xả lũ của Nhà máy Hố Hô do mất điện trong khi không có nguồn điện dự phòng, nên chỉ mở được 1/3 cửa của 3 cửa xả dẫn đến có nguy cơ vỡ đập do khoảng 40 triệu m3 nước tích tụ lại. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ đã trực tiếp lên tận hiện trường để chỉ đạo, phương án xấu nhất được tính đến là dùng mìn phá cửa xả lũ để cứu hàng chục ngàn dân ở hạ du.
Vào thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” thì mưa ngớt dần, nguồn điện cũng sớm được khắc phục nên toàn bộ 3 cửa tràn xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô được rộng mở, giải phóng cho khối lượng nước cực lớn trong hồ chứa đẩy lùi nguy cơ vỡ đập.
Song hậu quả của nó đã làm 2 người chết, hàng trăm trâu bò bị cuốn trôi, nhiều xã vùng hạ du như Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Thủy...thuộc huyện Hương Khê ngập chìm trong biển nước sâu từ 1-2 m, riêng trụ sở UBND huyện nước ngập cả bàn làm việc. “May mắn là đập bê tông trọng lực của Hố Hô được thiết kế và xây dựng tử tế. Nếu mà vỡ đập thì không thể nào tính đếm hết thiệt hại” - ông Việt nói.
Hậu quả khôn lường
Dù thoát khỏi “đại họa” đã hơn 3 năm, nhưng hậu quả do Thủy điện Hố Hô gây ra vẫn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Dọc theo sông Ngàn Sâu, thi thoảng lại hiện ra những cột đo lũ ghi lại ngấn nước của trận “đại hồng thủy’ tháng 10/2010.
Còn ở xã Hương Trạch kể từ sự kiện khủng khiếp đó đến nay tổng cộng có 10 hộ phải di dời, do sạt lở bờ sông đã “ăn” vào tận móng nhà. Đến thăm gia đình ông Trần Tiệp ở xóm Ngọc Bội có 2 sào vườn chuyên canh bưởi, hiện giờ đã bị sạt lở mất 50% diện tích. Ông ngậm ngùi: “Nếu Nhà nước không xây kè bờ sông thì 2 năm nữa không những vườn cây, mà nhà cửa của gia đình tôi cũng sẽ không còn!”.
Có "mục sở thị” những điểm sạt lở trên sông Ngàn Phố thuộc xã quản lý, mới thấu hết nỗi khổ của 280 hộ dân xóm Tân Dừa và Tân Thanh khi mùa bão lũ về. Bà Nguyễn Thị Cúc ở xóm Tân Dừa than: “Nhà tôi ở bên kia sông, trước kia mùa lũ cũng vài ba lần bị tắc cầu do nước dâng. Nhưng từ khi có Thủy điện Hô Hô thì cứ xả nước là cầu Tân Dừa bị ngập. Khổ nhất là bọn trẻ đi học bên này sông không muộn học thì cũng vạ vật chờ nước rút mới về nhà được”.
Cầu Tân Dừa là cầu tràn kết cấu bê tông đã được xây dựng cách đây gần 10 năm, hiện đã bị mưa lũ xói lở nghiêm trọng và cũng là cây cầu duy nhất của xã chắn ngang sông Ngàn Sâu đầy trắc trở này. Nhưng vẫn là điều mong ước đối với người dân xã Phúc Trạch kế bên, bởi người dân 5 xóm của xã muốn qua sông đều phải xắn quần lội bộ. Trong khi nguồn thu chính của họ là 800 ha đất bên hữu ngạn sông Ngàn Phố, bao gồm 42 ha lúa, 70 ha màu, số còn lại là rừng.
Bà Trần Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch bức xúc: “Cứ khoảng 9 giờ sáng và 6 giờ chiều là Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả nước, làm sản xuất của người dân bị đảo lộn. Không rõ khi Nhà máy hoạt động thường xuyên thì qua sông còn khó như thế nào?”. Địa phương cũng đã quy hoạch dãn 50 hộ dân sang bên kia sông để phát triển kinh tế trang trại và chăn nuôi tập trung, đồng thời xây dựng bãi chứa rác thải nhưng đành phải hoãn lại vô thời hạn vì ngập lụt bất thường và không có cầu.
Còn về phía các nhà đầu tư xây dựng Thủy điện Hố Hô cũng không thu được lợi lộc gì từ công trình này, vì đến thời điểm này Nhà máy vẫn chưa được vận hành trở lại. Từ tháng 10/2010 đến nay, riêng khắc phục sự cố “đại hồng thủy” các nhà đầu tư cũng đã mất đứt 78 tỷ đồng.
Chưa kể trong thời gian đó còn phải “nuôi” bộ máy quản lý của Nhà máy. Theo tính toán của anh Nguyễn Doãn Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật, với tuổi thọ 50 năm, ước tính phải mất trên 20 năm vận hành Nhà máy mới có lãi?
Theo Báo Hải Quan