Thường vụ QH lo ngại tình trạng tự xử trong dân

Google News

Nhiều ý kiến tại phiên họp ngày 17/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình trạng manh động tự xử trong xã hội như giết người trộm chó, chống đối chính quyền...

Báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình tội phạm có xu hướng giảm so với năm 2012. Dù vậy, nhiều ý kiến tại phiên họp ngày 17/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình trạng manh động tự xử trong xã hội như giết người trộm chó, băng nhóm đòi nợ thuê lộng hành, chống đối chính quyền...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, những nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của lực lượng chức năng là rất đáng ghi nhận, tội phạm và vi phạm trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông... có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thuế, buôn bán nội tạng gia cầm gia súc, buôn lậu, tội phạm ma túy... diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt có tình trạng tự xử trong xã hội, bất chấp pháp luật.
“Mạng người không bằng mạng chó”
“Từ năm ngoái đến giờ có việc người dân tự xử, nên báo chí mới ví mạng người không bằng mạng chó khi người trộm chó bị đánh chết, thậm chí cha của người trộm chó đến van xin cũng không được tha” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng than phiền: “Coi thường tính mạng người khác, bất chấp pháp luật. Ăn trộm chó thì dù sao cũng là một con người, vậy mà bắt giữ, không thả, đánh đến chết. Mà chuyện đâu chỉ xảy ra ở một nơi”. 
Theo ông Sơn, tình hình còn phức tạp hơn với những vụ người dân chống đối chính quyền, như vụ kích động giáo dân ở Nghi Lộc (Nghệ An) bao vây trụ sở chính quyền, bắt giữ cả công an; sau vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vừa qua lại có vụ ở Thái Bình tự cầm súng vào cơ quan nhà nước bắn người rồi tự sát... “Tình hình rất nghiêm trọng. Tại sao lại có tình trạng như vậy?” - ông Sơn hỏi.
 Xe của 2 nghi phạm trộm chó ngày 10/6 ở Yên Thành, Nghệ An bị đốt. Một trong hai nghi phạm đã bị người dân đánh chết. 
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho biết các băng nhóm đòi nợ thuê có mặt ở mọi nơi, có chuyện bức xúc dân không đưa ra cơ quan chức năng giải quyết mà lại nhờ vào “lực lượng” này. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói bà rất đau lòng khi nghe tin những vụ xử nhau vì những lý do lảng xẹt. Chồng giết vợ, vợ thuê người bắt giữ chồng, nam sinh đâm nhau vì “mày quá đẹp trai”, nữ sinh đánh nhau chưa từng có... “Đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động” - bà Doan bình luận. “Có tuần bốn vụ giết người thì ba vụ chồng giết vợ, một vụ vợ giết chồng” - thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết. 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa nhắc lại tình trạng cướp giật lộng hành ở các TP lớn, đặc biệt là TP.HCM, khiến Bộ Công an phải điều lực lượng vào hỗ trợ thì tình hình mới lắng xuống. Rồi các vụ đánh bạc lớn bị phát giác ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình. “Tôi băn khoăn là vì sao xã, huyện đều có bộ máy, có lực lượng được tổ chức, trang bị mà có khi vẫn cần sự chi viện lớn của Bộ Công an xuống mới ra vấn đề?” - ông Khoa hỏi.
“Giảm sút lòng tin”
Ông Ksor Phước cho rằng những con số thống kê vi phạm, tội phạm mới chỉ là phần nổi, còn những việc xã hội biết nhưng không tố giác còn nhiều lắm. “Ví dụ con số 5,5 triệu vụ vi phạm giao thông thì chỉ là thống kê, thực tế thì nhiều lắm, đi đường thấy không có chỗ nào là không vi phạm giao thông” - ông Ksor Phước phân tích. Theo ông, tình hình vi phạm và tội phạm xảy ra như vậy có nguyên nhân từ ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; có nguyên nhân từ năng lực yếu của các cơ quan có chức năng phòng chống vi phạm và tội phạm; có nguyên nhân từ việc xử lý thiếu nghiêm minh, bao che vi phạm, làm mất lòng tin của nhân dân.
“Công ty Nicotex chôn thuốc sâu độc hại ở Thanh Hóa, nhiều năm vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường như vậy nhưng đến nay mới phát hiện. Các cuộc kiểm tra, thanh tra thế nào, phát hiện vi phạm ra sao?” - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ví dụ. 
“Cờ bạc, karaoke, xây nhà trái phép... diễn ra trước mắt chính quyền nhưng lại không bị xử lý, đến khi báo chí, dư luận lên tiếng mới vào cuộc. Đây là biểu hiện cụ thể của tình trạng bảo kê, bao che cho vi phạm” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng thêm.  Ông Đỗ Văn Đương đặt vấn đề “trong những vụ việc như vậy thì chính quyền ở đâu?”. Theo bà Nga, “cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu ngay tại địa phương đó”.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phân tích thêm: “Một trong những nguyên nhân của tội phạm là đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động. Vậy nguyên nhân tại sao, do các chương trình giảng dạy đạo đức trong nhà trường không được coi trọng, hay do tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên xuống cấp nên nó tác động xấu đến xã hội? Tôi nghĩ ở đây có chuyện niềm tin của nhân dân giảm sút vì một bộ phận cán bộ, đảng viên kém phẩm chất”. Phó chủ tịch nước đồng ý với quan điểm phải xử lý triệt để trách nhiệm người đứng đầu tại các địa phương nếu để tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra nghiêm trọng.
"Phải xem chỗ nào là yếu năng lực, yếu trình độ dẫn đến xử lý chưa đúng, chưa đến nơi. Nhưng nói ở chỗ bao che, bảo kê thì đâu phải yếu trình độ? Tôi cho rằng phải trình độ cao lắm mới bảo kê được chứ. Vậy nguyên nhân chính là ở sự nghiêm chỉnh của các đồng chí. Vi phạm xảy ra ngay tại địa bàn, tại sao lực lượng ngay tại địa bàn không phát hiện được, mà lực lượng của bộ phải bí mật mới xuống bắt được? Nhân dân mất niềm tin đến mức người ta không thèm tố giác vi phạm, tội phạm nữa"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Theo Tuổi Trẻ