Ngày 15/8, luật Nghĩa vụ
quân sự (sửa đổi) được đưa ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Thu hẹp diện đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển cán bộ, công chức, viên chức để nhập ngũ… là những nội dung mới được đề cập. Theo đó, từ năm 2015 sẽ tập trung tuyển cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các tổ chức chính trị - xã hội đi thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo đảm được sự công bằng và giúp chất lượng quân đội được nâng lên. Thời gian nhập ngũ cần thống nhất là 24 tháng chứ không phải là 18-24 tháng như hiện hành.
Dù luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi này được đa số ý kiến đồng tình, song bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề khiến nhiều người băn khoăn và cảm thấy không hợp lý, như việc sinh viên đại học chính quy lại được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự...
|
Người háo hức, kẻ lo âu trong ngày nhập ngũ. |
GS Văn Như Cương, người thành lập ra trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, cho rằng: “Không nên phân biệt trường đại học chính quy hay dân lập trong việc tuyển người nhập ngũ. Như vậy là phân biệt giữa trường công và trường tư.
Nước ta đang xã hội hóa khu vực giáo dục ngoài công lập, bình đẳng hóa các trường chính quy và dân lập, vậy tại sao lại có việc phân biệt giữa đại học chính quy và đại học dân lập trong việc điều người nhập ngũ. Tại sao chỉ sinh viện đại học chính quy được tạm hoãn nhập ngũ trong khi sinh viên các trường đại học ngoài công lập lại không được tạm hoãn? Vấn đề tôi muốn nói ở đây không phải là tạm hoãn nhập ngũ hay không tạm hoãn, mà vấn đề là đã ra chính sách như thế nào thì cần áp dụng công bằng với các trường học, ngành nghề. Nếu chỉ tạm hoãn nghĩa vụ quân sự cho sinh viên đại học chính quy thì có khác nào đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Việt Nam đã đề ra và đang nỗ lực thực hiện? Như vậy, các chính sách lại “đá nhau chan chát”.
Còn về vấn đề từ năm 2015 sẽ tuyển cán bộ, công chức, viên chức nhập ngũ thì tôi hoàn toàn ủng hộ, bởi điều này sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ quân đội. Giờ chúng ta miễn giảm chứ tôi nhớ trước đây những năm 70 - 80, cán bộ, công nhân viên chức đi nghĩa vụ quân sự rất nhiều. Tôi còn nhớ những năm trước 1975, khi đó tôi đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), chưa chuyển ra Đại học Sư phạm I
Hà Nội, mỗi năm trường có hàng nghìn sinh viên và
giảng viên trẻ đi nghĩa vụ quân sự. Sau này luật mới thì cán bộ công chức mới được miễn giảm.
Tuy nhiên, tôi nghĩ ngoài việc tuyển cán bộ công chức làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội thì chúng ta cũng nên tuyển cả những người làm ở các công ty tư nhân, liên doanh... Có như vậy thì mới đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các ngành nghề, các doanh nghiệp, cơ quan...”
Đồng tình với quan điểm của GS Văn Như Cương, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, tất cả công dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự như nhau, dù học trường gì, làm ở đâu miễn là cứ đến tuổi thì đều phải nhập ngũ, trừ một số trường hợp đặc biệt thì mới được xem xét miễn hoặc tạm hoãn nhập ngũ.
Tuy nhiên, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ quân đội về lâu dài, thì việc tuyển cán bộ, công chức nhập ngũ mới chỉ là giải pháp ban đầu. Bởi vì thông thường thời gian nhập ngũ chỉ 18 – 24 tháng, sau đó họ sẽ được về. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách để thu hút những cán bộ, công chức trên sau thời gian nghĩa vụ quân sự sẽ tự nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội, nhất là những người giỏi, có trình độ học vấn cao, chuyên môn kỹ thuật tốt...
Minh Hiếu