“Các cậu có biết không, người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết sẹo chiến tranh nặng nề nhất”, một cựu binh và cũng là thương binh nặng nói với tôi điều ấy.
Người cựu binh ấy là ai? Chúng tôi xin nói danh tính cuối bài báo. Nhưng trước hết, nhân kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, người làm báo như tôi và cũng là một công dân của đất nước xin thắp nén nhang của lòng mình, tri ân những cống hiến của các bậc tiền bối đã ngã xuống vì nền độc lập – tự do của Tổ quốc.
Trong những ngày này, trên khắp đất nước ta, ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ đều nghi ngút khói hương. Thế hệ trẻ ngày nay và mai sau không bao giờ quên công lao của cha anh, cũng không bao giờ cho phép mình quên đi những cuộc chiến.
Quan điểm “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của chúng ta thể hiện tính nhân văn trong cách đối nhân xử. Nhưng, chúng ta cũng có quyền nhìn lại quá khứ để không quên những gì đã xảy ra với Tổ quốc.
Và riêng ngày hôm nay, chúng tôi cũng xin quý độc giả nán lại với những người cựu binh – những người thương binh, mà theo cách nói của họ là “chẳng may còn sống”. Nhưng cũng chính bởi thế mà họ sống với thái độ như chưa bao giờ được sống. Sống không phải cho mình mà sống vì đồng đội, sống cho những người đã nằm xuống sau một cuộc trường chinh.
|
Suốt 31 năm nay, ông Phạm Văn Quỹ chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ như một hành động nhớ đến đồng đội. |
Muốn sống bên đồng đội
Câu chuyện đầu tiên tôi muốn kể là về một ông già đã bước sang tuổi 84. Đó là ông Phạm Văn Quỹ ở xã Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) vẫn ngày ngày ra nghĩa trang liệt sĩ để chăm sóc từng ngôi mộ. Công việc không lương ấy, ông đã làm 31 năm nay.
Từng tham gia cướp chính quyền năm 1945 và tham gia chống thực dân Pháp ngay từ những đầu có cách mạng. Đầu năm 1954, ông Quỹ và đồng đội tổ chức đánh thực dân Pháp ở đường 10 Nam Định. Do quân địch còn mạnh nên chúng phản công, nã đạn pháo vào quân ta. Trận ấy, ông Quỹ bị thương khá nặng, cụt ngón tay cái bên trái, một mảnh pháo xuyên vào vai và một mảnh xuyên vào chân.
Sau các trận đánh, nhiều lần ông Quỹ bị thương, trên người lão chiến binh ấy chi chít những sẹo. Ông cởi áo chỉ cho tôi xem những vết thương cũ. Cái này bị đạn xuyên qua, cái kia bị mảnh pháo găm vào. Mỗi vết sẹo, ông đều nhớ “tiểu sử” của nó và đặt cho mỗi vết sẹo một cái tên kỷ niệm: Sẹo Nam Định, sẹo Ninh Bình, sẹo quốc lộ...
“Người ta cứ nói chúng tôi may mắn sống sót trở về. Chúng tôi thì hay đùa với nhau là “chẳng may sống sót”. Trên chiến trường, chúng tôi không sợ cái chết, nhưng cuộc sống thường ngày lại sợ cô đơn, sợ cả những thờ ơ của ai đó đối với đất nước này”, ông Quỹ tâm sự.
Suốt 31 năm qua, ông Quỹ làm công việc mà chẳng ai coi trọng. Chỉ những người cựu binh mới hiểu ông làm thế để làm gì. Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ – một công việc mà ông coi là quan trọng nhất: “Tôi muốn sống gần gũi đồng đội mình. Khi ra chiến trường, chúng tôi chia nhau từng điếu thuốc. Khi họ đã ngã xuống, hà cớ gì tôi không đến bên họ, thắp cho họ nén nhang”.
|
Ông Ngô Ngọc Dậu bán tất cả để có tiền đi khắp nơi tìm mộ đồng đội. |
“Ông bán tất cả”
Câu chuyện thứ hai là về ông Ngô Ngọc Dậu, 71 tuổi ở thôn Mộ Thượng, phường Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Ông là người được mệnh danh là “ông bán tất cả”, tức là ông Dậu có thể bán bất cứ cái gì trong nhà chỉ để có tiền trong tay.
Nói đến đây, dễ để bạn đọc hiểu lầm ông Dậu là người ăn chơi. Nhưng không phải vậy, ông bán tất cả để có tiền, để mang số tiền ấy đi tìm mộ các đồng đội và chu cấp tiền cho gia đình những đồng đội nghèo khó.
Thời trẻ, từng xung phong ra trận nhưng vì sức khoẻ yếu nên dăm lần bảy lượt bị từ chối. Ông Dậu liền cắn tay viết thư bằng máu, mãi sau mới được chấp nhận. Được phân vào đoàn vận tải 306 mặt trận Khe Sanh, người lính 42 cân đã có lúc gồng gánh trên người số lượng đạn pháo nặng gấp đôi cơ thể.
Năm 1968, ông Dậu được phân công sang Trung đoàn 28 bộ binh Tây Nguyên rồi được chọn học lớp đặc công tinh nhuệ thuộc Trung Đoàn 400 nổi tiếng. Sau rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, chiến binh Ngô Ngọc Dậu bị không ít thương tích, có những vết thương dài nửa gang tay từ mang tai xuống tận gáy.
Nhìn khắp bốn bức tường nhà ông Dậu, những huân huy chương được treo trang trọng. Nhưng ông bảo, đó là những phần thưởng mình nhìn thấy. Còn những đồng đội đã ngã xuống thì sao? Nếu mình không làm được điều gì cho các anh thì những huân huy chương kia là vô nghĩa.
Thế là ông bán tất cả, bán cả con bò là tài sản lớn nhất và duy nhất còn lại của người vợ tần tảo để có tiền đi tìm mộ đồng đội. Hàng trăm hài cốt liệt sĩ được ông Dậu quy tụ về địa phương, hàng ngàn ngôi mộ vô danh khác được ông tìm ra địa chỉ báo cho gia đình.
Cho đến bây giờ, không còn gì để bán được nữa, ông Dậu đành đi làm bảo vệ cho một công ty ở KCN Thụy Vân mong tích góp được chút tiền để làm những việc ý nghĩa cho đồng đội mình.
|
Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ. |
Người xin 2%
Câu chuyện thứ ba và cũng là câu chuyện đem lại cho tôi nhiều xúc động nhất, đó là thương binh Đoàn Quốc Việt sinh năm 1940 tại Nam Định. Hiện, ông Việt đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng Thương bệnh binh nặng Liêm Cần (Hà Nam).
Theo hồ sơ ghi chép lại, chàng trai Đoàn Quốc Việt nhập ngũ năm 1962 và chiến đấu tại các chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ. Cuối năm 1967, khi đang chiến đấu tại Huế thì ông bị trọng thương trong một trận phục kích. Đoàn Quốc Việt bị bắn vào đầu và nhiều vết thương nặng trên khắp cơ thể do trúng pháo của địch.
Những vết thương ấy (đặc biệt vết thương tại đầu) đã mấy lần quật ngã người lính can trường khiến các y bác sỹ trong quân đội buộc phải dùng Morphine để chữa trị và cắt cơn đau cho ông. Sau mỗi lần điều trị, ông Việt lúc mê lúc tỉnh, có khi không nhớ nổi mình là ai, quê quán nơi nào.
Thế rồi, những vết thương nặng đã khiến người cựu binh bị liệt 3 chi rưỡi, tức là chỉ còn tay trái là sử dụng được một cách yếu ớt. Thương binh hạng nặng như ông Việt đã mất hoàn toàn 100% sức khoẻ lại cộng thêm 3 lần mắc nghiện do phải dùng Morphine chữa trị.
Đến năm 1990, ông Việt cai nghiện thành công. Nhưng điều đáng tiếc do vết thương trên đầu đã khiến ông lâm vào những cơn mê sảng, mất đi trí nhớ. Năm nay ông Việt đã 75 tuổi, nhưng cứ lúc tỉnh thì lại: “Xin cán bộ cho tôi 2% sức khoẻ để còn được làm người. Tôi không muốn làm ma”.
Thưa bạn đọc, cũng chính trong lúc tỉnh tảo, người cựu binh – thương binh nặng Đoàn Quốc Việt đã nói với tôi: “Các cậu có biết không, người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết sẹo chiến tranh nặng nề nhất”.
Vâng! Câu nói ấy được thốt ra bởi một người đã trải qua chiến tranh, đã dìm cả cuộc đời trong khói lửa bom đạn. Họ có đủ niềm tin và hy vọng, nhưng cũng thừa những đau đớn và mất mát.
Đã đến lúc chúng ta phải làm gì đó để những công lao kia không bị quên lãng, để những mất mát hi sinh mãi mãi trường tồn, để xương máu cha anh đã đổ ra không bao giờ là vô ích.
“Các bạn không thể tưởng tượng được những cái chết trên chiến trường. Nó không giống như văn thơ miêu tả, tuy rất hùng tráng nhưng cũng lắm bi thương. Chiến tranh là tội ác và tôi cầu nguyện cho chiến tranh không bao giờ trở lại”.
Cựu binh – thương binh Đoàn Quốc Việt
Trần Hòa