Khoảng 2h sáng ngày 26/7, vụ cháy tiệm vàng Đức Anh ở tổ 10, khu 3, phường Hồng Gai, trên đường 25/4, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khiến 5 người thiệt mạng, 5 người bị thương.
|
Căn nhà 6 tầng bị cháy. |
Khi xẩy ra cháy, người bố vợ ở tầng 1 nghe tiếng con la hét ở tầng 3 nên mở cửa chạy thoát ra ngoài. Chủ tiệm vàng ôm con nhỏ cùng vợ nhảy từ tầng 3 qua biển lửa xuống chiếc giường gấp dưới đất do bố vợ mang ra. Đứa bé bình an vô sự nhưng vợ chồng chủ tiệm vàng bị chấn thương nặng.
Khi vợ chồng chủ tiệm vàng được đưa đi cấp cứu thì 5 người (mẹ vợ, 3 đứa con và 1 cháu họ của chủ tiệm vàng) vẫn mắc kẹt trên tầng 4. Vụ cháy xảy ra giữa đêm khuya, khói đặc kín các phòng ngủ ở tầng 4 nên tất cả đã bị ngạt mà chết.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ cháy là do chập điện từ biển quảng cáo bằng Led trước mặt tiền hoặc cửa cuốn điện.
|
Mặt tiền căn nhà bị cháy. |
Để tránh những lỗi trong phòng cháy, xử lý sự cố cháy gây tổn thất lớn về người và của, PV Kiến Thức đã có trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, người nhiều năm nghiên cứu về xây dựng và phòng cháy chữa cháy.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng tư vấn: Khi xây nhà phải có sự chuẩn bị các phương tiện PCCC về cháy nổ bình gas, chập điện trong căn nhà. Để ngăn ngừa việc này, mỗi căn nhà phải có hệ thống cảnh báo PCCC như: chuông báo cháy (ở mỗi phòng), hệ thống phun nước từ các bức tường khi có khói và lửa, và hệ thống thoát hiểm.
Đường điện trong các bức tường phải kiểm tra xem có đảm bảo an toàn không, đồng thời không được đấu nối điện bất hợp lý để ngăn sự cố cháy. Sau một thời gian sử dụng đường điện ngầm trong các bức tường, nếu thấy không an toàn cần thay ngay đường điện cũ.
Phương tiện chữa cháy trong nhà phải đảm bảo. Bình chữa cháy mini phải đủ chất lượng và đảm bảo để dập lửa.
|
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng trao đổi với PV Kiến Thức.
|
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, khi xảy ra sự cố cháy mà tòa nhà mình ở quá kín, để cứu được người thân trong gia đình, nên đập các cánh cửa sổ và cửa chính để không khí bay vào, nhằm tránh ngạt thở cho người ở trong phòng. Người trong phòng cần có khăn nước đặt ở vùng miệng và mũi để chạy thoát ra ngoài hoặc chờ người khác đến cứu.
Quan trọng hơn, trước khi xây nhà, đặc biệt là nhà cao tầng, các gia chủ cần chú ý đến thiết kế phòng cháy chữa cháy. Xây nhà có ban công nhô ra ngoài khoảng 1m là chưa đủ. Nếu xây như vậy mà không thiết kế dây dọc, kiểu mái che dốc, để trượt xuống đất là không an toàn trong công tác PCCC.
Bên cạnh đó cũng cần có đường ống thoát hiểm dọc theo phương thẳng đứng của ngôi nhà, khi xảy ra cháy bám vào đó trượt xuống đất. Ngoài ra, khi xây cũng cần chú ý đến việc tạo lối thoát hiểm sang nhà hàng xóm.
Ông Hùng lưu ý thêm: “Khi xảy ra cháy cần bình tĩnh gọi ngay lực lượng PCCC, để làm được điều này bản thân những người trong ngôi nhà phải phòng trước. Trường hợp nhà quá cao, ngõ quá hẹp, xe cứu hỏa đến hiện trường dập lửa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tình huống này, người xây nhà phải tính trước, không nên cháy rồi mới nghĩ tới thì quá muộn.
Ở Việt Nam, do diện tích xây dựng còn chật hẹp, lồng cầu thang thường hẹp. Tại sao chúng ta không làm lồng thang rộng nhất có thể, bởi cầu thang rộng cũng tạo lối thoát hiểm rất nhanh, đồng thời lượng khói cũng tuôn theo hướng cầu thang để tránh ngạt cho mọi người trong các phòng ở nhà.
Bên cạnh đó, khi các gia chủ xây nhà cao tầng nên nghĩ đến cách phòng cháy lan sang nhà bên cạnh”
"Nên chăng các nhà quản lý đô thị khi cấp phép xây dựng cần yêu cầu ngoài thiết kế kiến trúc, kết cấu phải có thiết kế PCCC, điều mà hiện nay chỉ mới áp dụng với nhà cao tầng trong khi hỏa hoạn thì có thể xảy ra với mọi công trình”, PGS TS Nguyễn Văn Hùng kiến nghị.
Tiến Dũng