Chứng tỏ đẳng cấp
Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng - giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm đào tạo ở quận Long Biên số lượng học viên dưới 20 tuổi đến trung tâm đăng ký theo học lấy bằng lái xe loại B2 (xe dưới 9 chỗ) thời gian gần đây tăng đáng kể. Nhiều bạn cho biết, có bằng lái xe ô tô và biết lái xe thành thạo cũng là một lợi thế khi đi xin việc.
|
Ảnh minh họa: Phú khánh. |
Có mặt tại một số cổng trường ĐH, chúng tôi nhận thấy có không ít bạn sinh viên lái “xế hộp” đến trường. Trong số đó, nhiều em cho rằng đây là cách thể hiện đẳng cấp và đương nhiên họ cũng chỉ kết bạn với những người có cùng đẳng cấp như mình. Phương Lan- sinh viên một trường ĐH ở quận Thanh Xuân cười tươi cho biết: “Trước khi thi ĐH em được bố mẹ giao hẹn nếu thi đỗ em sẽ nhận được phần thưởng là một chiếc xe Honda Civic đời mới. Gần một năm nay em thường xuyên lái xe ô tô đến trường. Nhóm bạn của em có 5 người, ai cũng có xe ô tô riêng, thậm chí xe của em là loại “bình dân” nhất. Em đang “gạ” bố mẹ đổi cho mình chiếc Mazda 6 đời mới để đỡ tủi thân với hội bạn…”. Mặc dù nhà Trang ở đường Đê La Thành, không cách xa trường học, chỉ mất 20 phút đi xe máy đến trường nhưng vì muốn thể hiện đẳng cấp nên Trang rất thích được tự mình lái xe ô tô đi học. Trang cho rằng cô cảm thấy tự tin hơn mỗi khi nhìn thấy ánh mắt ngưỡng mộ của các bạn. Song, cũng bởi lý do này các bạn trong lớp rất ngại kết bạn, thậm chí xa cách Trang bởi khoảng cách quá xa từ cuộc sống đầy đủ về vật chất mà Trang đang hưởng thụ.
Mặc dù việc sinh viên lái xe sang đến trường không còn là chuyện hiếm gặp tại một số trường ĐH, song theo nhiều bậc phụ huynh, nó có thể gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường học tập và tiếp thu kiến thức của các em sinh viên khác. Bởi lẽ, môi trường ĐH tập trung một lượng lớn sinh viên ở tỉnh ngoài đến học tập, chưa kể mỗi sinh viên có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Mặc dù, những gia đình có điều kiện kinh tế có quyền sắm xe ô tô cho con em mình, song việc các em lái xe đến trường có thể tạo khoảng cách giàu- nghèo, khiến những em có hoàn cảnh khó khăn dễ mặc cảm, khó xây dựng tình bạn gần gũi, hoà đồng giữa các sinh viên.
Không nói lên tư cách con người
Tuy nhiên, có không ít sinh viên chỉ coi xe ô tô như phương tiện đi lại thông thường và họ cũng không hề tạo khoảng cách với các bạn khác. Do lớn lên ở nước ngoài từ nhỏ nên ngay khi đủ 16 tuổi, Mai Anh đã có bằng lái xe. Sau khi về nước theo học tại trường ĐH Ngoại thương, Mai Anh đã có 4 năm kinh nghiệm lái “xế hộp”. Do nhà ở khá xa trường nên Mai Anh được bố mẹ mua cho xe riêng để giúp cô đến trường an toàn và tiện lợi hơn. Mai Anh tâm sự, khi lái xe ô tô trên đường cô đã học được tính điềm đạm, kiên nhẫn hơn. Mặc dù ở trường, cũng có một số bạn lái ô tô đi học và Mai Anh cũng nghe nhiều người nói rằng đang là sinh viên mà lái ô tô đi học là không phù hợp. Nhưng Mai Anh khẳng định, ô tô không phải là cái khẳng định đẳng cấp và nói lên tư cách cá nhân của con người.
Ngoài lý do nhà xa, tránh sự khắc nghiệt của thời tiết, thuận tiện và an toàn hơn khi di chuyển, một số bạn cũng cho rằng nếu môi trường, hoàn cảnh và điều kiện cho phép thì việc đi ô tô khi đã đủ tuổi không có gì sai cả. Hiện có nhiều sinh viên thay vì mua một chiếc xe tay ga “xịn” thì xin bố mẹ mua xe ô tô của các hãng bình dân hoặc xe cũ để đi lại. Bởi, theo các bạn với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, ô tô dần dần sẽ trở thành phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đang theo học ở các lớp đào tạo lái xe cho biết, việc học lái xe ở Việt Nam với chi phí từ 10 - 12 triệu đồng như hiện nay được xem là giá rẻ so với học lái xe ở nước ngoài. Bởi vậy, nhiều sinh viên có ý định du học, ngoài việc trau dồi vốn ngoại ngữ thì cũng tranh thủ học lái xe ở Việt Nam luôn. Trung bình chi phí học lái xe ở Đức xấp xỉ 1.400 euro (hơn 30 triệu đồng), ở Pháp là 1.300 euro, ở Úc là 2.000 đô la Úc... so với số tiền phải đóng khi học bài bản ở Việt Nam chỉ trên dưới 10 triệu đồng tiết kiệm được một khoản không nhỏ.
Tiến sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng đưa ra lời khuyên, mọi công dân đủ 18 tuổi có quyền lái xe ô tô nhưng nếu thấy không thật sự cần thiết, các bậc phụ huynh cũng không nên chiều theo ý thích của con em mình bằng cách sắm cho các em những chiếc “xế hộp” có giá trị lớn. Bởi nếu các bậc phụ huynh sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con cái một cách mù quáng sẽ khiến các em không hiểu giá trị thực của cuộc sống. Cần giáo dục cho các em rằng, tất cả những gì mà các em có được phải được tạo dựng từ chính sức lao động của mình. Hơn nữa, các bạn sinh viên có tuổi đời còn rất trẻ, các em rất dễ ảo tưởng về bản thân nếu thấy mọi thứ họ có được một cách dễ dàng. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến nhân cách của các em.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo An Ninh Thủ Đô