Sẽ tạc tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Google News

Ngoài con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, PGS.TS. Đặng Văn Bài cho rằng nên tạc tượng nhân vật huyền thoại này.

Chiều 7/10, chia sẻ với phóng viên VTC News, PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục di sản, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, có nhiều hình thức để tưởng niệm Đại tướng và đặt tên đường phố là một trong số đó.
“Xây dựng di tích – những di tích gắn với Đại tướng ở khắp mọi miền Tổ quốc cũng là một cách nữa. Ở các bảo tàng, nhà lưu niệm cũng có thể tạc tượng Đại tướng. Việc tạc tượng Đại tướng và đặt ở ngoài trời thì có lẽ mới chỉ có Bác Hồ thôi, chuyện đó ta sẽ tính sau.
Ngoài ra, nên giữ ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) làm nhà bảo tàng, lưu niệm về danh nhân đó. Đó là nơi gắn bó lâu đời nhất với Đại tướng”, PGS. TS Đặng Văn Bài nói.
Tạc tượng và đặt tên đường mang tên Đại tướng theo phương án nào?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Internet).
Nói về việc chọn con đường đặt theo tên Đại tướng, PGS. TS Đặng Văn Bài khẳng định: “Con đường nào đàng hoàng nhất, to nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất, dài nhất hiện nay ở Hà Nội thì ta nên chọn để đặt theo tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Giờ tôi không ở trong hội đồng bình chọn, không có bản đồ trong tay để mà biết con đường nào to đẹp nhất, dài nhất, xứng tầm nhất được. Với trường hợp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng và Nhà nước đã “đặc cách” để tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang thế nên tất cả những việc khác cũng phải “đặc cách” theo hướng đó”.
Bình luận về hình ảnh đẹp: Mặc trời nắng chói chang, cả biển người vẫn lặng lẽ xếp hàng đợi đến lượt được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày vừa qua, PGS. TS Đặng Văn Bài cho biết: “Dân là công bằng nhất. Không ai đánh giá một nhân vật lịch sử chính xác bằng dân. Ai có công lớn thì sẽ được dân quý trọng, biết ơn, tưởng nhớ... Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một minh chứng hùng hồn cho điều đó”.
Tạc tượng và đặt tên đường mang tên Đại tướng theo phương án nào?
Chưa có đề xuất cụ thể
PGS. TS Đặng Văn Bài.
Trong khi đó, cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho hay: “Hiện chúng tôi đang khảo sát, nghiên cứu chứ chưa có đề xuất cụ thể về con đường sẽ mang tên Đại tướng.
Chủ trương của thành phố Hà Nội là trong quy hoạch có dành một con đường to đẹp, xứng đáng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đặt tên Đại tướng ngay từ khi bác chưa mất.
Thế nhưng, phải tới sau khi Đại tướng qua đời, chúng tôi mới được phép tiến hành khảo sát, nghiên cứu về vấn đề này. Theo Nghị định, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm mới xem xét đặt tên đường. Với trường hợp của Đại tướng thì rất đặc biệt nên Hà Nội đã có quy hoạch, tính trước việc đó”.
Với phương án đặt tên đường Nhật Tân - Nội Bài mà GS sử học Phan Huy Lê đề xuất, lãnh đạo Sở Văn hóa cho biết, đây cũng là một trong những phương án sẽ được cơ quan này trình lãnh đạo Hà Nội quyết định.
Hà Nội có một số tuyến đường lớn sắp hoàn thành vào cuối năm 2013 như Trần Phú - Kim Mã, vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái; tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, quốc lộ 5 kéo dài dự kiến hoàn thành vào năm 2015...
Tuy nhiên, đúng như lời nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói, cần chọn con đường nào xứng tầm, khang trang tiêu biểu cho công lao cống hiến của Đại tướng đối với đất nước, thủ đô. Con đường phải có vị trí quan trọng, có quy mô hạ tầng.
Hơn thế nữa, không chỉ Hà Nội, các tỉnh khác gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Thái Nguyên, Quảng Bình cũng nên đặt tên ông cho đường phố.
Theo VTC