Không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng những người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi giấy tờ, vô hình chung sẽ đẩy nhanh chuyển đổi giới tính dù Nhà nước không chấp nhận.
ĐB Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm xoay quanh quy định về chuyển đổi giới tính tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) sáng 10/6.
Khoản 2 Điều 36 lại quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
ĐB Trần Thanh Hải bình luận, quy định “kênh” nhau trong cùng một khoản của điều luật vô hình chung sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi giới tính trong xã hội. Nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân than khác theo giới tính mới. Theo ông, việc quy định thừa nhận hay không thừa nhận chuyển đổi giới tính liên quan rất nhiều đến quyền nhân than của một cá nhân và kèm theo đó là nhiều vấn đề xã hội phát sinh.
|
ĐBQH Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh): Quy định "kênh" nhau trong Điều 36 của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) về quyền chuyển đổi giới tính vô hình chung sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi giới trong xã hội nhanh hơn, dù Nhà nước không chấp nhận |
“Nếu không cho chuyển đổi thì cấm luôn, còn nếu chấp nhận thì quy định chặt chẽ trong luật, chứ không nên quy định chung chung và “vênh” nhau ngay trong một điều luật như dự thảo” – ĐB Trần Thanh Hải nói.
Cũng cho rằng đây là điều bất hợp lý, là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân than khác theo giới tính mới. “Nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Cần nghiên cứu thật kỹ để tránh những hệ luỵ xã hội phát sinh sau này”- Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Dẫn thực tế, ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (Hải Phòng) cho hay, hiện tỷ lệ những người có hộ khẩu là nam, hồ sơ, khai sinh là nam… nhưng thực tế họ lại sống là nữ. Còn ĐB Nguyễn Xuân Thuỷ (Phú Thọ) cũng nhìn nhận, mọi người dân đều được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, nếu pháp luật không quy định với đối tượng chuyển giới thì sẽ gây phức tạp xã hội. ĐB Thuỷ đề xuất, nên sửa cả Luật hôn nhân và gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới để thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành.
Khẳng định quyền xác định giới tính là quyền công dân cần được bảo vệ, nhưng ĐB Huỳnh Thành Lập đặt câu hỏi, “với những trường hợp “đã lỡ” chuyển đổi rồi thì sao? “Lỡ” rồi thì mình cũng cần phải tìm cách để gỡ cho họ, đảm bảo quyền sống của họ. chuyển rồi thì mình tìm cách gỡ cho người ta”. Ông kiến nghị, cần thiết quy định trong luật nhưng điều luật quy định về chuyển đổi giới cần phải được thiết kế lại thật chi tiết, tránh “vênh” nhau nhằm đảm bảo quyền sống của con người quy định trong Hiến pháp.
Theo Infornet