Biến tướng chính sách
Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư “Hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao”, theo đó thì công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Là người đã từng trải qua nhiều vị trí liên quan đến giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân, ông đánh giá thế nào về giải pháp này, thưa nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương?
Để giải quyết điều này phải giải quyết từ gốc, chứ đi từ ngọn thì khó mà triệt để. Từ Đại hội X, Đảng đã nói Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Hiểu từ “làm chủ” như thế nào? Người lãnh đạo phải làm gì để đảm bảo điều đó? Những sai sót trong lãnh đạo chính là vì người ta không tôn trọng quyền làm chủ ấy của dân.
Vậy theo ông, quyền làm chủ của người dân được hiểu thế nào?
Nghe thì nó có vẻ mênh mông lắm nhưng thực chất là những quyền lợi bị xâm phạm thôi. Ví dụ như xây dựng một trường học, một con đường, một trạm xá... mà cán bộ xà xẻo, ăn cắp nguyên vật liệu, ăn bớt đến 60-70% thì người dân cảm thấy bất bình, chính là vi phạm quyền làm chủ của dân. Nói cách khác, quyền làm chủ của người dân đa phần là bắt nguồn từ những vụ bê bối hiện nay của cán bộ. Hoặc chủ trương chính sách là thế, nhưng khi áp dụng ở địa phương thì cán bộ lại áp dụng không đúng, vô trách nhiệm, làm người dân bất bình, không đồng tình.
Nghĩa là người dân không phản đối chính sách bao giờ, chỉ phản ứng với những sai phạm, biến tướng của chính sách?
Đúng thế, cán bộ làm không đến nơi đến chốn, tự ý làm mà không thảo luận với người dân. Đến khi báo cáo lên cấp trên thì bảo là em đã làm tốt lắm rồi, họp hàng trăm lần rồi. Vừa rồi trong Đồng Nai có vụ việc quy hoạch treo khiến người dân phản ứng dữ dội. Chính quyền thu hồi đất, dân muốn xây dựng không được, muốn sản xuất không được, đất thì cứ bỏ không đó. Không ai phản đối việc thu hồi cả, nhưng cứ làm thế thì thử hỏi sao người ta không phản ứng được. Đó là biến tướng chính sách, là vi phạm quyền làm chủ.
|
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói về việc công dân có quyền yêu cầu nhà nước giải trình. |
Cán bộ ít khi nhận mình sai trong quản lý lắm!
Ông vừa nói cán bộ tiêu cực là gốc rễ của mọi kiện cáo, vậy vai trò quản lý nhà nước ở đâu mà lại để cán bộ tiêu cực?
Cách quản lý nhà nước có nhiều cái không trúng. Ví dụ như thông tư bắt người dân không được bán thịt lợn sau 7 tiếng giết mổ, rồi quy định về xe chính chủ chẳng hạn... Vụ việc về ông Đoàn Văn Vươn năm trước cũng thế, trong quản lý có những cái sai, không phù hợp với thực tế mới dẫn đến hệ quả đó. Rồi tôi biết có những nơi, một thôn có đến 5 cái nhà văn hóa cho 5 đội sản xuất, mỗi năm chỉ sử dụng một đôi lần. Nếu để cho người dân tham gia thì chắc người dân sẽ đồng tình chỉ nên làm 1 cái thôi. Thế nhưng cán bộ cứ làm lấy thành tích, chưa kể đến tiêu cực. Những người có quan hệ, có cương vị nhất định có thể kiếm chác được, dân không đồng tình và không thể tha thứ được.
Mấu chốt là con người hay chính sách chưa phù hợp?
Tôi nghĩ cả hai. Xu hướng quản lý chung hiện nay tôi thấy cứ không quản được thì cấm, cấm không được thì phạt, phạt không được thì phạt nặng hơn nữa. Quản lý cách đó không đủ sức răn đe đâu, chỉ làm dân thấy nản hơn. Lương của người lao động thấp lè tè, động vi phạm một cái là bị phạt. Thế nên phải có cách quản lý làm sao để người dân cảm thấy thỏa đáng. Trong quản lý, chính sách nào sai thì phải nhận, phải thay đổi. Chứ tôi thấy giờ cán bộ ít khi nhận mình sai lắm, đặc biệt là sai trong quản lý lãnh đạo. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn cũng là biểu hiện của việc sai sót trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Người ta không có tội mà bảo người ta có tội.
Trong việc đó tôi nghĩ nó chỉ là sai sót của vài cá nhân chứ?
Thế vai trò lãnh đạo của các tổ chức trong đơn vị đó ở đâu, Đảng bộ đâu, đoàn thể đâu?
Khi chúng ta chưa thể thay đổi dịch chuyển cả một hệ thống thì hẳn là việc trao cho người dân cái quyền phản biện, yêu cầu được giải trình, cũng đã là một bước tiến?
Đúng thế, bởi để thay đổi cái gốc đâu phải dễ. Nhưng nếu chỉ giải trình không thôi mà không có kết luận, không giải quyết thỏa đáng thì người dân cũng sẽ chán, không muốn nghe thêm yêu cầu giải trình nữa đâu. Nên nếu thực hiện thì phải có một hệ thống, có cơ chế quy định trách nhiệm rõ ràng, xử lý sai phạm triệt để thì việc này mới có ý nghĩa.
Cần khẳng định vị thế trong lòng dân
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang lấy ý kiến về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội, theo đó thì lãnh đạo cấp cao nhà nước phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân. Hẳn là ông cũng rất quan tâm đến thông tin này?
Đây là những cá nhân có vai trò rất lớn trong bộ máy, có tính quyết định đến sinh mệnh quốc gia, dân tộc. Việc tuyên thệ trước toàn dân thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự tín nhiệm của người đó trước quốc dân đồng bào. Đây là việc làm rất quan trọng. Người tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân, trung thành với Hiến pháp sẽ được coi là lời khẳng định trách nhiệm của cá nhân đó với nhân dân. Qua đó nhân dân giám sát hoạt động, công việc và trách nhiệm của người đó.
Nghĩa là khi tuyên thệ thì trách nhiệm của lãnh đạo sẽ nặng nề hơn?
Đúng thế. Khi đã tuyên thệ như vậy thì ngay cả trong sinh hoạt cá nhân, trong gia đình làng xóm, cán bộ cũng phải rất cẩn trọng để người dân không nói được. Chứ có những cán bộ mà con cái hư hỏng, bê bối, gia đình lục đục... thì người dân cũng vẫn giám sát kỹ. Và những người bị vướng vào những điều đó thì phải chủ động mà từ chức. Gia đình mà không quản lý được, con cái không dạy bảo được thì làm sao nói được ai nữa.
Nếu cán bộ không tuyên thệ thì sao?
Thì tất nhiên vẫn thế, công việc và vị trí vẫn thế. Nhưng nếu tuyên thệ thì trách nhiệm và vị trí trong lòng dân sẽ khác. Đó là cách để xây dựng hình ảnh của lãnh đạo trong lòng dân, cách để khẳng định vị thế trong lòng dân. Tôi nghĩ không chỉ ở trung ương, kể cả địa phương, cán bộ cũng nên có những tuyên thệ kiểu này khi đảm nhận trách nhiệm, để nếu xảy ra tình trạng như vừa nêu thì cán bộ nên đủ tự trọng để mà từ chức.
Vậy lời tuyên thệ này giống như một lời hứa, khi đã hứa thì phải có trách nhiệm?
Đúng thế. Nó giống như việc cơ quan nhà nước giải trình với dân. Giải trình là làm cho dân hiểu rõ sự việc, đồng thời qua đó cũng phải hứa với dân sẽ giải quyết những tồn tại, khúc mắc đó. Nếu không nói, không hứa, thì dân khó mà giám sát.
Xin cảm ơn ông!
Trong Hiến pháp sửa đổi mới được thông qua, người dân có quyền phản biện lại các chính sách. Nếu làm được điều này thì tốt quá, người dân có quyền có ý kiến về các chính sách, chủ trương đường lối. Dân đồng tình thì áp dụng. Chứ giờ có những chính sách do vội vã, do thành tích, do nhiều lý do mà khi đưa ra bị người dân phản đối. Từ những điều không đúng đó mới dẫn đến bức xúc, kiện cáo. Kiện cáo bây giờ phức tạp hơn, đông người hơn, số lượng lớn hơn.
Tô Hội (Thực hiện)