Ngày 20/6, Báo Người cao tuổi nhận được đơn kiến nghị của một số cựu chiến binh về việc bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", nhưng vẫn được giới thiệu ra ứng cử và trúng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Sau khi xác minh cẩn trọng, tìm tư liệu và bằng chứng, Báo Người cao tuổi thấy nội dung đơn tố cáo là có cơ sở và nhằm thực hiện tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài điều tra về bà Phạm Khánh Phong Lan đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thoái hóa, vi phạm đạo đức, lối sống như thế nào.
Phó Giám đốc Sở Y tế huy động tiền tổ chức đi du lịch
Để chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lí thị trường thuốc trị bệnh, ngày 24/1/2007 Bộ Y tế ra quyết định số 11/2007/QĐ-BYT và 12/2007/QĐ-BYT về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" (GPP). Sau đó, Cục Quản lí dược Việt Nam ban hành Danh mục kiểm tra thực hành tốt nhà thuốc (GPP) và thực hành tốt phân phối thuốc (GDP). Bà Phạm Khánh Phong Lan đã lợi dụng hai quyết định của Bộ và công văn của Cục rồi để biến thành "thương vụ buôn bán giấy chứng nhận GPP" cho các công ty dược.
Để triển khai các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc và danh mục kiểm tra thực hành tốt nhà thuốc và phân phối thuốc, cuối năm 2007, bà Phạm Khánh Phong Lan giả vờ chỉ đạo hai phòng Quản lí Dược và Quản lí Dịch vụ Y tế phối hợp với Hội Dược học tổ chức tập huấn cho những người hành nghề dược. Tuy nhiên bà chỉ trao đổi miệng với 2 phòng nói trên, chứ không có kế hoạch tổ chức và nội dung chương trình tập huấn bằng văn bản, không báo cáo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu.
Nắm được thông tin nội bộ về tập huấn, các hãng dược "đại gia" xung phong đề nghị bà Phong Lan được ưu tiên tập huấn cho nhân viên và trình dược viên của mình, các hãng dược tình nguyện tài trợ toàn bộ chi phí, thiết bị và nơi tập huấn, trả tiền giảng viên, in giấy chứng nhận.
Bà Lan quên rằng tiền tài trợ của các doanh nghiệp dược phải được hạch toán vào sổ sách kế toán của Sở Y tế như tiền của ngân sách Nhà nước cấp, bà coi đây là tiền "chùa" nên mới bày trò đi "du lịch tập huấn" bên ngoài Sở Y tế, trừ một lần tổ chức tại Sở Y tế vào ngày 6/5/2010 cho 100 học viên của Công ty Altrazeneca. Lí do, trước đó vào đầu tháng 4/2010, có nhiều bài báo phản ảnh bà Phong Lan kí khống giấy chứng nhận khóa tập huấn GPP.
Dấu hiệu tham nhũng
Ngày 17/4/2010 Thanh tra Bộ Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở làm rõ nội dung các bài báo. Ngày 18/5/2010 Giám đốc Sở Nguyễn Văn Châu mới kí quyết định thành lập tổ kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận tập huấn GPP. Trước đó, ngày 26/10/2010, bà Phong Lan cảnh cáo DS Lê Tuấn Anh, cán bộ Thanh tra Sở Y tế trước mặt mọi người:
"Lúc này, chị nghe nói em hăng đi kiểm tra nhà thuốc GPP lắm hả? Chị cảnh cáo tụi em nếu chị biết được đứa nào chống lại đường lối chủ trương (ý nói việc cấp giấy chứng nhận GPP của bà), bây giờ chị bận việc sau này chị sẽ xử từng đứa".
Nhận được quyết định của Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Minh Hùng mới dám ra tay vào cuộc.
Kết quả xác minh của Thanh tra Sở đúng như kết quả sau này của Thanh tra TP Hồ Chí Minh và của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Cụ thể: Trong năm 2008, bà Phong Lan không lập kế hoạch và chương trình tập huấn kiến thức về GPP, không báo cáo và không được phê duyệt của Giám đốc Sở Y tế, tự ý thu của 8 công ty dược nước ngoài và trong nước 5.080.481.765 đồng, 411.482 Baht Thái Lan, 10 máy tính xách tay và 2 máy in xách tay để làm kinh phí và phương tiện tập huấn kiến thức GPP.
|
Bà Phạm Khánh Phong Lan. |
8 công ty dược đã xuất hàng chục phiếu chi cho Sở Y tế với tổng số tiền và thiết bị đó, nhưng bà Phong Lan không đem tiền và thiết bị nộp vào quỹ và danh mục tài sản của Sở Y tế. Mãi đến ngày 5.2.2009, khi dư luận lên tiếng, bà Phong Lan mới làm dự toán kinh phí cho mỗi lớp tập huấn trình Giám đốc Sở và nộp vào Quỹ Phúc lợi của Văn phòng Sở Y tế số tiền 373.348.800 đồng.
10 máy tính xách tay và 2 máy in xách tay bà Phong Lan lấy làm của riêng. Số tiền còn lại của 8 doanh nghiệp tài trợ là 4.707.132.965 đồng và 411.482 Baht bà Phong Lan dùng để đi du lịch cùng đoàn cán bộ Sở Y tế và các công ty dược ở Hồng Kông, Xinh-ga-po, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Nha Trang, Phú Quốc, Hà Nội, Cà Mau… dưới danh nghĩa là đi tập huấn kiến thức GPP (vì không có chương trình và không có danh sách học viên).
Sau đó, bà Phong Lan kí cấp 79 giấy chứng nhận giả tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên viên tư vấn về GPP và kí khống 271 giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn GPP cho nhân viên của 8 hãng dược nước ngoài và các đại lí phân phối thuốc của họ.
Bà Phong Lan không nộp vào quỹ 4.707.132.965 đồng và 411.482 Baht Thái Lan, 10 máy tính xách tay và 2 máy in xách tay vào Quỹ của Sở Y tế theo quy định tại quyết định 19/2006/QĐ-BTC, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã có báo cáo xác minh và kiến nghị: "Bà Phong Lan còn có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự".
Riêng số tiền đã nộp vào Sở, bà Phong Lan duyệt chi hết 267 triệu đồng cho thư kí của bà là ông Bùi Thanh Phong kí nhận, kèm danh sách người nhận tiền kí không đầy đủ.
Giả mạo giấy tờ
Việc cấp 79 giấy chứng nhận giả và kí khống 271 giấy chứng nhận mà chưa điền tên người hành nghề dược dẫn đến hệ quả có 133 giấy chứng nhận không rõ đã được điền tên và cấp cho ai?
Trong khi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh là cơ quan hành chính Nhà nước, không phải là đơn vị đào tạo và quyết định số 11/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về nguyên tắc, tiêu chuẩn "thực hành tốt nhà thuốc" không hề có quy định về "đào tạo chuyên viên tư vấn về thực hành tốt nhà thuốc (GPP), thì bà Phong Lan lại cấp 79 giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên viên tư vấn về GPP là lộng quyền, cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; coi Bộ và Giám đốc Sở chả ra gì.
Thanh tra Sở Y tế kết luận: "Như vậy việc một số nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh mặc dù được cấp giấy chứng nhận GPP, nhưng vẫn vi phạm các quy định về dược như bán thuốc quá đát, thuốc không rõ nguồn gốc, không có số đăng kí như các cơ quan chức năng phát hiện vừa qua là có nguyên nhân ngay từ khâu triển khai của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (tức bà Phong Lan) đối với quyết định 11/2007/QĐ-BYT".
Giám đốc Sở Nguyễn Văn Châu có công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra làm rõ việc bà Phong Lan kí giả và kí khống giấy chứng nhận, sau đó ông bị mất chức, còn bà Phong Lan phạm tội vẫn ngang nhiên tại vị?
Theo Người Cao Tuổi