Theo anh Trần Văn Thọ (số 24C, phố Bá Liễu, khu 5, phường Hải Tân, TP Hải Dương) cho biết, ngày 21/7, tại cây đa cổ thụ thuộc xã Tân Phong (huyện Ninh Giang, Hải Dương) anh đã hái được 2 cây nấm linh chi cổ có cân nặng khủng lên đến 3,6 kg/cây.
Thân nấm cổ đã hóa gỗ, hóa sừng, trên bề mặt có những rãnh sâu chạy thành những đường tròn đồng tâm, hai cây nấm này được phát hiện trên thân cây đa cách mặt đất chừng 5 mét. Dù không phải có trọng lượng và đường kính lớn nhất trong các loại nấm linh chi từng được phát hiện ở Việt Nam, tuy nhiên, ở vùng đồng bằng, nhất là sống trên thân cây đa, thì việc phát hiện hai cây nấm này là chuyện lạ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân hiếu kỳ.
|
Anh Trần Văn Thọ và 2 cây nấm linh chi được phát hiện trên cây đa.
|
Anh Trần Văn Thọ cho biết: “Gia đình tôi hầu hết đều có thời gian tiếp xúc với các loại nấm linh chi Hàn Quốc nên khá am hiểu về nấm. Trước đây anh em tôi từng có thời gian sống ở xứ Kim Chi nên thường xuyên mua nấm linh chi gửi về cho mẹ uống.
Cách đây một tuần, trong một lần đi đến nhà một khách hàng, khi đi qua cây đa thuộc xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tình cờ ngước nhìn lên, tôi đã thấy hai cây nấm linh chi trên. Khi đó bận việc nên tôi phải đi gấp. Đến ngày 20/7, tôi và bố vợ đi xe từ Hải Dương về vị trí cây đa để hái nấm. Do hai cây nấm ở khá cao nên tôi mượn liềm của người dân, buộc vào thân chiếc cần để giật xuống.
Ở trên thân cây đa có một gốc linh chi nữa đã bị ai đó giật trước đó. Có thể là trẻ con nghịch ngợm lên làm rớt mất cây nấm to hơn hai cây tôi hái được”.
|
Hai cây nấm này có tuổi thọ từ vài chục năm đến trăm năm.
|
Nhiều người dân ở xã Tân Phong, khu vực cây đa (nơi có 2 cây nấm linh chi) tọa lạc, cho biết, cây đa dù đường kính chỉ khoảng 3 người ôm nhưng tuổi đời đã lên tới vài trăm năm. Vì thế anh Thọ và nhiều người dân cho rằng, hai cây nấm linh chi này cũng có tuổi đời từ vài chục đến vài trăm năm.
“Thủa nhỏ, tôi đã thấy ba cây nấm này nhưng không nghĩ đó là nấm linh chi. Hơn nữa, cây đa cổ thụ được người dân đồn đoán có nhiều vong ngự. Thời gian trước, mới có người trong làng bị vong nhập nên cả làng không ai dám trèo lên thân cây đa. Hơn nữa, ở vùng quê này mấy ai được thấy nấm linh chi nên nhìn thấy 3 cây lạ tầm gửi trên cây đa, mọi người nghĩ là nấm độc nên không ai dám hái”, ông Nguyễn Thanh Hồng, người dân xã Tân Phong cho biết.
Vốn là dân kinh doanh nên anh Trần Văn Thọ cũng rất tin vào chuyện tâm linh. Trước khi hái hai cây nấm, anh cẩn thận mua đồ về cúng bái, "xin phép" các vong rồi mới hái nấm.
|
Việc phát hiện hai cây nấm linh chi trên cây đa ở đồng bằng là chuyện lạ với người dân địa phương.
|
“Cây đa cổ thụ mọc vệ đường, người dân giáp ranh với cây đa cho biết, ở cây đa này còn có vong của anh Nguyễn Văn Hồng, người dân địa phương đã mất vì tai nạn giao thông. Sở dĩ người dân biết vong có tên Nguyễn Văn Hồng, bởi vong này đã từng nhập vào vài người để xin ăn. Vì thế, trước khi hái hai cây nấm, tôi đã làm đồ cúng, khấn thổ công, thổ địa, vong ngự…xin phù du trên cây đa”.
Theo sách Nấm lớn ở Việt Nam của giáo sư Trịnh Tam Kiệt, nấm cổ linh chi có tên khoa học Ganoderma applanaium, còn gọi là linh chi đa niên nhiều tầng. Linh chi là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Thần nông bản thảo cách đây hơn 2.000 năm và Bản thảo cương mục (của danh y Trung Quốc Lý Thời Trân) thế kỷ thứ 16. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng viết: "Linh chi là nguồn sản vật quý hiếm của đất rừng Đại Nam".
Tuy nhiên, việc phát hiện linh chi hoang dại trên tại vùng đồng bằng của anh Trần Văn Thọ lại là chuyện lạ lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học và quản lý cần vào cuộc để bảo tồn nguồn gene quý hiếm này.
Hải Ninh