Vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường ở số 45 đường Giải Phóng (Hà Nội) trong lúc đang phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi trú tại 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì chị này tắt thở, liền mang xác ném xuống sông Hồng phi tang, đã gây chấn động dư luận.
Sau vụ việc này, nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao nhân viên và quản lý của Thẩm mỹ viện này lại “to gan”, liều lĩnh đến vậy, khi xảy ra sự cố không trình báo với cơ quan chức năng, người nhà nạn nhân mà lại mang xác đi phi tang.
Theo luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn Phòng Luật sư Trí Minh (Hà Nội), từ những thông tin ban đầu thì vụ việc này có thể quy vào 2 hành vi: Thứ nhất là gây chết người và thứ hai là mang xác đi phi tang.
|
Thẩm mỹ viện Cát Tường đã kinh doanh một số dịch vụ không đăng ký trong giấy phép. |
Về việc gây chết người, để xác định trách nhiệm hình sự cụ thể của Thẩm mỹ viện Cát Tường thì cần điều tra nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Ở đây, sẽ có các khả năng xảy ra:
Thứ nhất là nạn nhân chết không phải do thẩm mỹ viện, mà do một nguyên nhân nào khác như trước đó ăn uống phải một chất gì đó gây đột tử… thì các nhân viên này không có lỗi và không bị truy cứu về cái chết của nạn nhân.
Thứ hai là nạn nhân chết là do lỗi của thẩm mỹ viện. Nếu nạn nhân chết do lỗi của thẩm mỹ viện thì cần xem nhân viên thẩm mỹ viện có cố ý giết người không, hay do thiếu hiểu biết, thiếu tay nghề, trách nhiệm nên gây ra chết người. Tất nhiên trong trường hợp này, khả năng cố ý giết người có thể bị loại bỏ. Bởi hai bên không có thù hằn gì, hơn nữa không ai dại gì cố ý giết người trong hoàn cảnh như thế này vì sẽ bị bại lộ, không giấu diếm được. Vậy nếu nạn nhân chết là do lỗi của thẩm mỹ viện, thì thẩm mỹ này đã phạm tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" theo quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt cao nhât có thể lên đến 06 năm tù đối với trường hợp làm chết một người, nếu 2 người chết thì phạt tù 12 năm… Ngoài ra, họ còn phải chịu thêm các hình phạt phụ khác như cấm hành nghề trong vòng 1 - 5 năm…
Về hành vi phi tang xác, thẩm mỹ viện và nhân viên mang xác đi phi tang đã phạm tội xâm phạm thi thể. Với tội danh này, mức phạt tù cao nhất là 5 năm theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự.
Bên cạnh đó, theo giấy phép kinh doanh, Thẩm mỹ viện Cát Tường không được cấp phép thực hiện các dịch vụ như bơm ngực, cắt mí mắt, hút mỡ bụng, mỡ chi… nhưng họ vẫn thực hiện các dịch vụ này thì họ đã phạm tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất có thể lên đến 02 năm tù. Nếu chưa đủ mức độ để xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực thương mại (được sửa đổi bởi Nghị định 112/2010/NĐ-CP).
Như vậy, theo như báo chí đưa tin, người phẫu thuật thẩm mỹ cho nạn nhân và mang xác đi phi tang cũng chính là chủ của cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, nếu nguyên nhân cái chết của nạn nhân là do thẩm mỹ viện, thì tổng hình phạt cao nhất ông Tường có thể nhận được là 13 năm tù (bao gồm 6 năm tù tội vô ý làm chết người do vi do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, 5 năm tù tội xâm phạm thi thể và 2 năm tù tội kinh doanh trái phép).
“Theo quan điểm của tôi, nếu đã phạm vào tội giết người hoặc vô ý làm chết người rồi thì khi ném xác phi tang sẽ không bị truy tố thêm về tội xâm phạm thi thể nữa. Vì lúc này đây là hành vi che giấu tội phạm của người phạm tội, chứ không phải là tội phạm độc lập. Thế nên chỉ truy tố tội xâm phạm thi thể này nếu họ không phạm một trong hai tội kia”, luật sư Thạch nói.
Đông Nhiên