Mùa xuân năm nay, cán bộ, chiến sỹ của Cục Cảnh sát kinh tế (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) lại thêm niềm vui mới.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, đơn vị vinh dự được Chính phủ tặng "Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013".
Phấn đấu được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu ở một đơn vị chuyên đấu tranh mảng án thuộc diện "nhạy cảm" như Cục Cảnh sát kinh tế còn khó hơn. Nhưng một năm qua, từ lãnh đạo đến cán bộ chiến, sỹ của đơn vị đã nỗ lực không ngừng, đoàn kết chiến đấu, đặc biệt nhân lên lòng tự trọng nghề nghiệp của mỗi cá nhân để tạo nên sức mạnh tập thể. Các anh đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tiếp tục điều tra, khám phá nhiều chuyên án về tội phạm kinh tế lớn và cực lớn ở các lĩnh vực thuộc diện "khó chạm đến", được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đánh giá cao, nhân dân ghi nhận.
1. Trong năm 2013, một lần nữa, Cục Cảnh sát kinh tế lại khẳng định được vai trò và năng lực của mình khi tiếp tục phát hiện và điều tra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 3 trong 10 vụ án trọng điểm về tham nhũng do Trung ương chỉ đạo. Vụ án Nguyễn Đức Kiên được phát hiện từ năm 2012, nhưng hành trình điều tra để kết luận một cách chính xác và thuyết phục vụ án cực kỳ phức tạp này đã "ngốn" hết hơn nửa năm 2013 nỗ lực của các điều tra viên.
Trong ngày 7/2, bức ảnh chụp bầu Kiên khá tàn tạ khi đang ở trong trại giam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng. Hàng trăm lượt share và bình luận dành cho bức hình này.
Nhiều ý kiến hả hê cho rằng tình trạng tàn tạ của bầu Kiên hiện nay là kết quả mà ông này xứng đáng được nhận sau những gì mình gây ra. Thậm chí, một cư dân mạng còn thẳng thừng nhận xét: Kẻ tham lam vô độ thì phải trả giá là tất nhiên thôi, công mà rụng đuôi thì sao đẹp bằng gà.
Tuy nhiên cũng khá nhiều người tỏ ra thương xót và cảm thông cho người đàn ông từng oanh liệt một thời này. Thành viên NgocQuang cảm thán: Một ngày tù ngàn thu ở ngoài. Người không tàn mới lạ.
|
Các điều tra viên Cục Cảnh sát kinh tế đang hướng dẫn bị can Nguyễn Đức Kiên khai báo. Bức ảnh chụp bầu Kiên đang lan truyền trên mạng xã hội cùng nhiều ý kiến bình luận khác nhau. |
Rồi điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, quyền Trưởng phòng giao dịch VietinBank chi nhánh Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh lừa đảo chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng của 4 ngân hàng và 33 tổ chức, cá nhân để kết luận vào giữa năm 2013. Vụ thứ 3 được ghi danh trong 10 "đại án" tham nhũng là vụ bắt giữ Nguyễn Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Nam Hà Nội, vi phạm các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng. Đây là vụ án được đánh giá là rất khó, đã được một số đơn vị phát hiện điều tra từ cách đây 6 năm nhưng không xác định được hành vi phạm tội.
Từ tháng 9/2012, sau khi tiếp nhận vụ án trên, với tinh thần khẩn trương, với kinh nghiệm và nghiệp vụ sắc sảo trong lĩnh vực điều tra án kinh tế, chỉ sau 3 ngày, các trinh sát, điều tra viên của Cục Cảnh sát kinh tế đã bắt giữ được Nguyễn Thị Bích Lương, đối tượng chính của vụ án đang có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam gần 30 bị can… Ngoài ra, năm 2013, một số vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nhiều trăm tỷ đồng cũng đã được khám phá, mang "bản sắc" của Cục Cảnh sát kinh tế. Đó là vụ Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hà Nội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây thiệt hại 263 tỷ đồng… Tất cả các vụ án đều được điều tra nhanh, đảm bảo đúng luật pháp, được đoàn công tác số 3 của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TW kiểm tra, đánh giá cao.
2. "Khám phá những vụ án kinh tế lớn, không chỉ đơn thuần là bắt các đối tượng vi phạm đền tội trước pháp luật. Quan trọng hơn, từ các vụ án này, Cục Cảnh sát kinh tế đã phát hiện ra những "lỗ hổng" trong quản lý của các lĩnh vực kinh tế, từ đó làm tốt công tác tham mưu chiến lược, kịp thời tham mưu cho Tổng cục báo cáo Bộ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, không để các đối tượng tiếp tục lợi dụng phạm tội. Đồng thời, Cục đã xây dựng nhiều kế hoạch, biện pháp và giải pháp mang tính vĩ mô để tham mưu cho Tổng cục, lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, khoáng sản, buôn lậu… góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô của đất nước" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế đã chia sẻ với chúng tôi như thế.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế đang chỉ đạo CBCS điều tra án. |
Điển hình như, khi tình hình tỷ giá ngoại tệ biến động sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục trình lãnh đạo Bộ ký Điện số 133/HT ngày 29/3/2013 chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng và các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoại tệ, góp phần ổn định thị trường. Sau khi khám phá một loạt các vụ án liên quan đến ngân hàng, Cục Cảnh sát kinh tế đã tham mưu cho Tổng cục báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính rà soát tất cả các quy trình, quy chế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có quy định về trái phiếu doanh nghiệp, sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu…
Trên cơ sở đó, ngày 5/12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 211/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu.
3. Tôi thực sự bất ngờ khi đọc được dòng này trong báo cáo tổng kết năm 2013 của Cục Cảnh sát kinh tế: Không có cán bộ chiến sỹ nào vi phạm phải xử lý kỷ luật, không có đơn thư khiếu nại về việc bị xử lý oan sai. Ở các đơn vị khác thì đành nhẽ, ở đơn vị như Cục Cảnh sát kinh tế, giữ được nội bộ đoàn kết, trong sạch, không ai vi phạm kỷ luật, đặc biệt là trong quy trình công tác là không hề đơn giản. Ai cũng có những nhu cầu về vật chất, nhưng cán bộ, chiến sỹ của Cục Cảnh sát kinh tế luôn ý thức được rằng, họ đang chiến đấu vì danh dự của lực lượng Cảnh sát Việt Nam và cái giá họ sẽ phải trả nếu sa ngã. Hơn ai hết, các lãnh đạo của Cục Cảnh sát kinh tế đã tiên lượng được những thử thách của "đạn bọc đường" đối với các cán bộ của họ.
Từ nhiều năm nay, Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã xây dựng những quy chế, quy trình làm việc hết sức chặt chẽ, mỗi cán bộ, chiến sỹ khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt việc báo cáo các cấp lãnh đạo. Nhưng theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Lãnh đạo đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, khen chê dân chủ, minh bạch. Và trước hết, lãnh đạo Cục phải là "đầu tàu gương mẫu", có tâm và có tầm trong công việc, dân chủ, công khai mọi lĩnh vực, kể cả việc quản lý tài chính của đơn vị…
Năm 2013, Cục Cảnh sát kinh tế đã thụ lý điều tra 46 vụ với 165 bị can, trong đó khởi tố mới 25 vụ án lớn gồm 107 bị can; thu hồi, tạm giữ, kê biên tiền, tài sản gần 1.500 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2012); kết luận chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 21 vụ với 65 bị can. Trong năm, đơn vị có 6 tập thể được Bộ Công an tặng Bằng khen; 10 tập thể được Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm tặng giấy khen; 11 cá nhân được Bộ Công an và các Bộ, ngành khác tặng bằng khen; 29 cá nhân được Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm tặng giấy khen.
Theo Cảnh sát toàn cầu, VTC News