Những tâm nguyện cuối đời của ông Nguyễn Bá Thanh

Google News

(Kiến Thức) - Khi ở vị trí "chức cao vọng trọng" hay lúc lâm bệnh hiểm nghèo, ông Nguyễn Bá Thanh luôn có tâm nguyện hướng tới dân nghèo và quê hương Đà Nẵng. 

Ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng là người cương trực, thẳng thắn, làm gì cũng luôn nghĩ cho dân. Khi còn là một cán bộ bình thường cho đến lúc đảm nhận vị trí “chức cao vọng trọng” hay lúc lâm bệnh hiểm nghèo, những tâm nguyện của ông Thanh cũng luôn hướng đến người dân, đặc biệt là dân nghèo và hướng về quê hương Đà Nẵng.
Nhắc đến Bệnh viện ung thư Đà Nẵng, ai ai cũng biết đây là công trình tâm huyết của ông Nguyễn Bá Thanh dành cho bệnh nhân nghèo bị ung thư.
Theo một cán bộ của Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, ông Thanh ấp ủ xây bệnh viện ung thư từ năm 2002. Ông là chủ tịch hội nên đề nghị hội đứng ra vận động các nhà hảo tâm quyên góp xây dựng chứ không dùng tiền ngân sách. “Theo ông Thanh thì không dùng tiền ngân sách mới miễn phí cho dân nghèo được. Khi có tâm nguyện xây dựng bệnh viện này, ông Thanh còn mong muốn mỗi cán bộ, người dân Đà Nẵng đều được tầm soát ung thư miễn phí một năm một lần”, nữ cán bộ này nói.
Nhung tam nguyen cuoi doi cua ong Nguyen Ba Thanh
 Những tâm nguyện của ông Nguyễn Bá Thanh luôn hướng về dân nghèo và quê hương Đà Nẵng. 
Theo ông Nguyễn Bá Thanh, trải qua mấy đời Thủ tướng rồi Bộ trưởng Y tế, ông đã nhiều lần đề nghị xây dựng cho miền Trung – Tây Nguyên một BV ung thư vì đây là khu vực chiến tranh ác liệt, hy sinh chịu đựng nhiều nhất, chất độc hoá học rải xuống đây ghê gớm nhất khiến tỉ lệ ung thư ở khu vực này cũng cao nhất nước. Nhưng chờ mãi không thấy nên Đà Nẵng phải tự đứng ra vận động quyên góp ủng hộ để làm. Đến khi nhảy vô cuộc rồi ông mới thấy trước đây “người ta không làm cũng có cái lý”.
Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết: “Xây dựng tốn kém đã đành nhưng nuôi bộ máy, nuôi BV cũng tốn kém ghê gớm. Tiền đâu để trang thiết bị trên 500 tỉ đồng, tiền đâu nuôi bộ máy 500 – 600 bác sĩ, y tá, hộ lý, tiền điện, tiền nước. Rồi tiền đâu mua thuốc cho bệnh nhân nghèo. Bệnh ung thư sau khi mổ tách khối u còn phải uống thuốc từ 3 – 5 năm, mỗi ngày một viên từ 40.000 – 80.000 đồng, tiền đâu người nghèo uống. Không uống là tái phát, nổi u tiếp, lại phải phẫu thuật tiếp, tốn kém tiếp. Khó như thế nhưng lo cho dân thì không thể sợ tốn kém, chúng ta làm và chúng ta tự tin!”.
Ngày 19/1/2013, khi BV Ung thư Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động, trở thành bệnh viện khám chữa bệnh từ thiện, miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo đầu tiên tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thanh tâm sự với báo chí: “Cả cái dự án to thế này mà mình toàn hô cái mồm chứ có đồng nào đâu, chỉ là vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp rồi dần dần cũng có được BV Ung thư lớn nhất nước chữa trị cho bệnh nhân ở miền Trung – Tây Nguyên!”.
So với hai BV ung thư ở Hà Nội và TP HCM thì chỉ riêng tại BV Ung thư Đà Nẵng mới có hai khu nhà dành cho người nhà đến chăm sóc bệnh nhân có chỗ ngủ qua đêm.
Theo khẳng định của ông Nguyễn Bá Thanh, BV Ung thư Đà Nẵng hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, không có chuyện tư nhân nhảy vô tham gia chung chạ máy móc rồi chia chác. Người nghèo được miễn phí hoàn toàn, người nào khá thì vẫn phải thu tiền, lấy của người khá để bù đắp cho người nghèo.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng (ngày 8/11/2012), ông Nguyễn Bá Thanh từng nói ra nguyện vọng của mình: “Có thể tôi còn ở Đà Nẵng công tác 3 năm nữa kết thúc nhiệm kỳ rồi nghỉ hưu, mà cũng có thể ở trên điều động ra Hà Nội công tác. Nhưng dù đi hay ở thì tôi vẫn là Chủ tịch Hội và tinh thần là sẽ làm việc lâu dài. Biết đâu lên TƯ, gần đơn vị này, đơn vị kia mình lại xin tiền về cho dân mình dễ hơn. Nghỉ hưu rồi tôi vẫn sẽ tiếp tục làm Hội này, tiếp tục làm chương trình này. Ước mơ của tôi là làm sao cán bộ, rồi đến người dân Đà Nẵng cứ mỗi năm tới BV Ung thư một lần để tầm soát, có cái gì là xử lý ngay. 10 năm tới mà làm được điều này là đáng phấn khởi lắm rồi!”.
Cách đây vài tháng, báo Giáo dục Việt Nam đăng một bức thư của một độc giả là một người em thân thiết của ông Nguyễn Bá Thanh kể về cuộc đời và những tâm tư của ông. Theo độc giả này, ông Thanh mồ côi cha từ rất sớm (cha ông hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ). Vì lẽ đó, ông rất yêu thương mẹ. Có một thời gian mẹ ông ốm thập tử nhất sinh, phải nằm viện. Khi đó, ông rất lo lắng và tâm sự: “Anh chỉ có một nguyện vọng duy nhất, đó là cứu mẹ anh sống thêm”.
Ông Nguyễn Bá Thanh là một người luôn hướng về quê hương Đà Nẵng. Khi đã về Trung ương đảm nhận vị trí Trưởng Ban Nội chính trung ương, ông Thanh vẫn hay đi lại giữa Hà Nội và Đà Nẵng, vẫn kiêm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng. Khi lâm bệnh hiểm nghèo, ông luôn có mong muốn được về sống tại quê hương Đà Nẵng của mình.
Trong một buổi thông tin báo chí về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh khi ông sắp từ Mỹ về nước điều trị bệnh của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, nhiều người thắc mắc vì sao không đưa ông Thanh về Hà Nội, nơi có nhiều bệnh viện lớn, phương tiện, thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ y, bác sỹ đầu ngành mà lại đưa về Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Triệu, trưởng ban, cho biết: “Việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng chữa trị tiếp là nguyện vọng của ông và gia đình và đã được các cấp đồng ý. Ông Thanh muốn về Đà Nẵng điều trị cho gần nhà, gần quê hương".
Minh Hiếu (Tổng hợp)