Đầu tháng 5/2015, TAND Hà Nội xử phúc thẩm vụ án ly hôn xảy ra tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Phiên xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Tình. Ông Tình (58 tuổi) kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại việc chia tài sản ly hôn giữa hai vợ chồng.
Bà Mận và ông Tình sống như vợ chồng từ năm 1979, có một con gái. Do mâu thuẫn gia đình, sau Tết Nguyên đán 2015, bà gửi đơn ra toà xin ly hôn. TAND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) khi xét xử đã chấp nhận yêu cầu này, phán quyết nguyên đơn được hưởng hơn 80m2 cùng với giá trị nửa bộ bàn ghế (khoảng 4 triệu đồng). Ông Tình không đồng tình với quyết định phân chia tài sản này, cho rằng mảnh đất do cha ông để lại nên “bất khả xâm phạm” cũng như không chia chác cho bất cứ ai.
|
Ảnh minh họa.
|
Tại phiên phúc thẩm, nguyên đơn nghẹn ngào trình bày: “Thử hỏi nếu không có tôi thì ông ấy còn giữ được mảnh đất đó hay không”. Bà cho hay gần 40 năm sống chung đã một tay vun vén, làm lụng vất vả để gánh vác gia đình. Có những thời điểm khó khăn, chồng bà đã định chia năm xẻ bảy mảnh đất hơn 400m2 để bán song bà đã một mực ngăn cản.
“Tôi không có của nhưng cũng đổ nhiều công sức để giữ mảnh đất đó. Ông ấy phải “thanh toán” cho tôi công lao bỏ ra từng đó năm”, bà trình bày. Bà cho rằng ông Tình không có tiền để chia khi ly hôn nên toà sơ thẩm mới quyết định chia hơn 80m2 đất cho mình. Nếu ông đưa tiền bà sẽ ra đi không cần suy nghĩ.
Trần tình trước tòa, bà cho hay từ ngày sinh con gái, sức khoẻ yếu, nhiều bệnh tật nên không có cơ hội "cho chồng mụn con trai nối dõi tông đường". Dù tình cảm với chồng còn sâu đậm nhưng nghĩ sau này không có người thờ tự, bà quyết định cưới vợ hai cho chồng.
“Có người đàn bà nào muốn san sẻ chồng cho người phụ nữ khác”, bà thở dài. Quyết định cưới vợ hai cho chồng của bà được anh em họ tộc bên nội hưởng ứng. Năm 1997, vợ hai của chồng về sống chung trong căn nhà 3 gian cấp bốn. Cuộc sống một ông hai bà cũng trôi chảy trong nhiều năm. Bà vợ hai sinh cho ông Tình được hai trai một gái. “Thấy chồng có người nối dõi, tôi cũng cảm thấy ấm lòng”, bà tâm sự.
Một thời gian sau, tình cảm chung cũng dần có những rạn nứt. “Ông ấy kiếm cớ bảo tôi ngoại tình để lạnh nhạt và hắt hủi khiến mẹ con tôi phải về bên ngoại tá túc một thời gian", bà nói. Ngày sát Tết Nguyên đán 2015, mẹ con bà về nhà thì bị ông Tình cùng ba con riêng chặn lối, giăng dây không cho vào. Nén tủi nhục, bà phải quay lại ở nhờ các em ruột rồi gửi đơn ly dị. Bà nghẹn ngào khiến việc trình bày đôi lúc bị ngắt quãng.
Trình bày tại toà, ông Tình tiếp tục “bảo lưu” quan điểm muốn đòi lại phần diện tích đất mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Theo ông, mảnh đất hiện nhiều người sở hữu dù giấy tờ đứng tên ông. Ông cũng kháng cáo đòi lại toàn bộ giá trị của bộ ghế trị giá 8 triệu đồng mà bà Mận đã bán trước đó, không đồng ý “cưa đôi” tài sản này.
Một thành viên HĐXX phân tích: “Bị đơn sống cũng phải có tình chứ. Bà ấy đã vun đắp cho gia đình gần 40 năm trời mà vẫn muốn người ta ra đi tay trắng”. Người giữ quyền công tố tại toà cũng giải thích, theo luật Hôn nhân và gia đình, dù bà Mận không có đăng ký kết hôn nhưng công nhận là vợ hợp pháp. Mọi tài sản trước và sau khi sống chung đều được chia đều. Trong khi đó, những người bị đơn đưa ra để chứng minh cùng sở hữu mảnh đất lại không có căn cứ để xác định quyền.
Công tố viên cũng cho hay khi bản án có hiệu lực, ông Tình nếu vẫn còn cấm đoán, đánh gây thương tích cho bà Mận thì sẽ vướng lao lý, thậm chí phải ngồi tù. Lúc này, ông Tình ngồi lặng im, còn bà Mận gương mặt như được giãn ra, nhẹ nhõm.
Theo VOV, sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ việc, HĐXX bác kháng cáo của ông Tình. Tòa cho rằng, thực tế bà Mận phải nhận được ít nhất 140m2 đất, nhưng do bà không kháng cáo nên tòa không xem xét.
Về địa giới phân chia phần đất, HĐXX quyết định sửa một phần, bà Mận được nhận toàn bộ diện tích 5 gian nhà, còn ông Tình chỉ sở hữu phần vườn, sân, tường, chiếc giếng và một số vật dụng trong gia đình.
Theo Kim Thành/Đời sống và pháp luật