Chiều qua (13/3), GS Ngô Bảo Châu đã có buổi nói chuyện về “Học như thế nào?” tại ĐH Bách Khoa.
Không giải thích “khái niệm” một cách máy móc, công thức, GS Ngô Bảo Châu đã kể những câu chuyện về bản thân mình để người nghe tự đưa ra những câu trả lời. Theo cách nói của thầy Châu “đây chỉ là những suy nghĩ tản mạn của mình”.
Chủ nhân giải thưởng fields cho biết: “Ngày nào tôi cũng đến cơ quan đúng giờ. Tôi rất tôn trọng kỷ luật, đi học hay đi làm đều phải đúng giờ, mặc dù không ai kiểm soát tôi đi - đến giờ nào. Tôi quy định những người làm việc với tôi, kể cả trong trường hợp bạn có hay không có ý tưởng mới, cứ đúng giờ là phải đến gặp tôi. Nếu không có nguyên tắc đó thì chúng ta sẽ nhanh chóng sa lầy. Phải hết sức tôn trọng kỷ luật. Nhiều khi rất khó chịu khi phải gặp nhau vì không có gì để nói nhưng chính sự khó chịu đó làm cho bạn phải phấn đấu, cố gắng tìm ra cái gì đó để lần gặp sau đỡ ngượng.”
|
Giáo sư Ngô Bảo Châu "giảng" về học như thế nào? |
Trả lời câu hỏi học như thế nào? Thầy Châu cho rằng, ngày xửa ngày xưa học chữ thánh hiền thì quan trọng nhất phải có chí, nó thể hiện từ việc đi bắt đom đóm làm đèn đọc sách thâu đêm. Nhưng ngày nay, có chí thôi không đủ.
Theo giáo sư Châu, trong một trò chơi, ít người chơi một mình, để trò chơi thực sự cuốn hút, người chơi thực sự triển khai tiềm năng tư duy của mình để đi đến bất ngờ, tìm ra sự sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn chơi, trọng tài.
Ngày nay, nhờ vào internet, ta có thể tìm thấy nhiều tài liệu và học tập miễn phí trên mạng theo chương trình của một số đại học tên tuổi. Vậy, tại sao sinh viên không tự tổ chức cùng học với nhau theo giáo trình, bài giảng, tư liệu học tập trên mạng. Thầy giáo cũng có thể sử dụng tài liệu miễn phí thành tài liệu học chính khóa. Trên lớp các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi mà có thể cho sinh viên xem trước bài giảng trên mạng, dành thời gian để giải thích thêm, trả lời những câu hỏi, thậm chí quay lại bài cũ nếu sinh viên chưa hiểu rõ một số khái niệm và hướng dẫn các em làm bài tập. Song khâu cuối cùng vẫn là tổ chức thi cử nghiêm túc.
Nói tới những bất cập của nền giáo dục nước nhà, GS Châu cho rằng, đã có nhiều người chỉ ra và theo ông, vấn đề lớn nhất là mức độ tha hóa của cả một hệ thống.
Vụ Đồi Ngô, học sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Đây là câu chuyện buồn, là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống. Khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, cá nhân, mà suy nghĩ về việc xảy ra sẽ thấy rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi.
Kết quả của kì thi tốt nghiệp đáng ra phải mang tính thiêng liêng trong đời học sinh lại trở thành một trò đùa - trò đùa muốn khóc. Các trường đại học ở Mỹ, như ĐH Chicago - nơi tôi làm việc, họ thành công không phải vì họ giàu, có nhiều giáo sư xuất sắc hay cơ sở vật chất đầy đủ, mà đó là vì tinh thần fairplay. Ở đó, mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị nghiêm khắc”, GS Châu dẫn chứng, so sánh.
Theo đó, GS Châu khẳng định, sự trung thực là một trong những điểm quan trọng nhất cho câu hỏi học như thế nào? Trung thực khó học trong sách vở, để trẻ trung thực, bố mẹ phải làm gương. Ngoài tính trung thực, kỉ luật, người học cần phải có niềm say mê và giữ được nó để làm động cơ cho việc học tập.
“Giữ niềm đam mê rất quan trọng bởi nó là động cơ của sự học tập đích thực. Tuy nhiên, niềm đam mê không bao giờ ổn định, vì thế học cần tập thể, khi không còn đam mê vẫn phải cố hoàn thành bổn phận của mình. Phải có lòng tin rằng niềm đam mê có thể ra đi thì cũng có thể quay lại. Kỷ luật và tập thể sẽ giúp nó, bạn cần xác định rằng nếu bỏ cuộc nó sẽ ảnh hưởng đến bạn thì bạn phải cố gắng tiếp tục”, GS Ngô Bảo Châu trả lời cho câu hỏi của một sinh viên ĐH Bách Khoa về làm thế nào để giữ được đam mê trong học tập, nghiên cứu.
Thuần Lương