Nghi vấn bất ngờ về vụ sóng lạ ở Tân Sơn Nhất

Google News

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc nhận định, "nguồn sóng lạ" đè lên sóng điều khiển không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất có thể do hành động cố tình phá hoại.

Từ 6h47 đến 7h05 sáng 16/6, đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất bị nhiễu sóng điều hành trên tất cả các kênh do bị một "nguồn sóng lạ" đè. "Theo đánh giá ban đầu, đây là nguồn sóng tương đối mạnh, phủ sóng trên các tần số điều hành của đài kiểm soát”, thông cáo từ Cục hàng không Việt Nam cho hay. 
Trao đổi về sự cố trên, tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI cho rằng, còn quá sớm để phân tích nguyên nhân. "Chúng ta cần chờ kết luận từ cơ quan chức năng, đặc biệt là từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông)", tiến sĩ Phúc nói. 
Nghi van bat ngo ve vu song la o Tan Son Nhat
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc nêu khả năng nguồn sóng lạ khiến. Ảnh: Ngọc Châu.  
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, tiến sĩ Phúc nhận định, các dải tần số vô tuyến điện đã được Cục Tần số vô tuyến điện phân chia khoa học và rất chặt chẽ. 
"Khoảng cách giữa dải tần số của hai ứng dụng khác nhau đủ lớn để khó xảy ra sự cố chồng chéo. Sự phân chia này có hiệu lực pháp luật. Khi nói 'bị một nguồn sóng lạ đè' lên, người nghe có thể hiểu một trong hai khả năng là ngẫu nhiên hoặc cố ý", tiến sĩ Phúc phân tích. 
Với trường hợp "nguồn sóng lạ" là ngẫu nhiên, có thể sự cố nghiêm trọng xảy ra ở các thiết bị, năng lượng, hoặc các máy phát sóng của một ứng dụng khác đang hoạt động trong khu vực. Cũng có thể, nguyên nhân bắt nguồn chính tại nguồn phát sóng của điều khiển không lưu - máy phát phát ra một nguồn sóng lạ, khác với bình thường. 
"Tuy nhiên, cách giải thích này không có sức thuyết phục, bởi vì sóng lạ chỉ đè có 18 phút. Chẳng lẽ máy phát sóng của điều khiển không lưu chỉ gặp sự cố trong khoảng thời gian ấy rồi lại tự khôi phục được?", ông Phúc nêu vấn đề. 
Với giả thuyết, "nguồn sóng lạ" là do cố ý, tiến sĩ Phúc khẳng định, đây là hành động phá hoại và Cục Tần số vô tuyến điện, lực lượng an ninh hoàn toàn có khả năng phát hiện chính xác nguồn gốc. "Dù Cục Hàng không đã lập tức thực hiện phương án dự phòng nhưng việc nguồn sóng lạ uy hiếp khiến nhiều máy bay không thể cất cánh và hạ cánh trong 18 phút là sự cố hàng không nghiêm trọng", ông Phúc nói. 
Nghi van bat ngo ve vu song la o Tan Son Nhat-Hinh-2
Sự cố được tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đánh giá là "nghiêm trọng". Ảnh: GTVT.  
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, sự cố không uy hiếp trực tiếp đến an ninh hàng không. Đây cũng không phải là lần đầu tiên.
Theo ông Thanh, từng xảy ra việc can nhiễu tần số trên kiểm soát bay đường dài với thời gian lâu hơn sự cố ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không uy hiếp đến an toàn bay. Các cơ quan chức năng của ngành hàng không đang phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và truyền thông) để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Theo Khánh An/Zing

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn phi hùng -

Nếu không điều tra được thì cực kỳ nguy hiểm. An ninh hàng không, an ninh mạng...có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chúng ta không thể chủ quan.

Hiển thị thêm bình luận