Ngày 5/7, trong cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật mới, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, so với Luật KH&CN năm 2000, Luật KH&CN lần này có nhiều nội dung mới.
Một số điểm mới đó là: Luật quy định các doanh nhiệp nhà nước, đặc biệt các tập đoàn kinh tế nhà nước phải quan tâm đầu tư cho phát triển KH&CN bằng cách dành phần lợi nhuận trước thuế với tỉ lệ tối thiểu để đầu tư cho quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
|
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nói về Luật KH&CN mới trong buổi họp báo ngày 5/7. |
Đề tài, dự án được phê duyệt lúc nào thì được cấp kinh phí ngay thời điểm đó, không quyết toán đề tài dự án theo năm tài chính hay theo thời hạn hợp đồng của đề tài, dự án; kinh phí không sử dụng hết trong năm thì được cơ động chuyển nguồn sang năm sau.
Đề tài, dự án có sản phẩm được xác định rõ trong quá trình thẩm định, phê duyệt của hội đồng KH&CN các cấp được áp dụng phương thức khoán chi, sau khi hoàn thành, nhà khoa học bàn giao sản phẩm đúng yêu cầu, đúng cam kết cho Nhà nước thì toàn bộ kinh phí đã được phê duyệt cho đề tài được giao cho nhà khoa học mà không đòi hỏi quá trình thanh quyết toán hóa đơn chứng từ...
Trao đổi với
Kiến Thức, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, vẫn có những điểm ông chưa hài lòng với Luật mới.
Ông nói: ""Có một số nội dung chúng tôi muốn được thể hiện trong Luật nhưng không được. Ví dụ các ưu đãi về thuế và tài chính đối với hoạt động KH&CN, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải đưa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân và Thuế giá trị gia tăng để đảm bảo tính thống nhất luật pháp.
Hay chúng tôi rất mong muốn đầu tư cho một số trường đại học trọng điểm trở thành đại học nghiên cứu. Muốn thế các trường phải có biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp nhưng do ràng buộc về hệ thống luật cán bộ công chức, viên chức nên chỉ quy định chung chung là Nhà nước giao biên chế cho các tổ chức KH&CN công lập, trong đó có trường Đại học."
Phóng viên: Điều 62 của Luật có quy định: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật”. Vậy những ai sẽ được thành lập quỹ? Nhà nước sẽ làm gì để khuyến khích tổ chức, cá nhân lập quỹ này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong nghị định hướng dẫn luật thì mọi tổ chức, cá nhân đều được thành lập quỹ này theo hướng dẫn của Chính phủ. Khi lập quỹ thì được hưởng các chế độ ưu đãi của luật thuế thu nhập doanh nhiệp, thuế thu nhập cá nhân cũng như các chính sách ưu đãi khác.
Thứ hai, căn cứ mức độ đóng góp của quỹ này được sử dụng cho KH&CN thì tổ chức, cá nhân sẽ được khen thưởng, hoặc được nhận những ưu đãi khác của Nhà nước khi họ có dự án đầu tư hay có nguyện vọng mở rộng cơ sở, được ưu đãi về thuê đất...
Khi Luật KH&CN mới có hiệu lực từ 1/1/2014, chúng ta sẽ có Quỹ phát triển KH&CN quốc gia; quỹ của bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành trực thuộc trung ương; quỹ của doanh nghiệp, cá nhân... Liệu các quỹ này có bị chồng lấn?
Các quỹ có tên giống nhau là phát triển KH&CN nhưng hoạt động trong phạm vi của từng đối tượng. Chắc chắn có những phần chồng lấn nhưng là tích cực, vì một đề tài, dự án có thể lấy nhiều nguồn kinh phí khác nhau như Nhà nước, tư nhân cùng hỗ trợ hoặc các tỉnh cùng sử dụng một giống lúa thì có thể cùng đầu tư vào giống lúa đó.
Trong Luật quy định các doanh nghiệp nhà nước phải lập quỹ phát triển KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp ngoài nhà nước lập quỹ. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của nguồn quỹ này?
Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển KH&CN của một quốc gia. Hy vọng với quy định này, chúng ta sẽ có nguồn đầu tư từ doanh nghiệp lớp gấp 2, 3 lần đầu tư từ Nhà nước. Như vậy, chúng ta có nguồn lực để phát triển. Thêm nữa, đầu tư của doanh nghiệp thì chắc chắn việc giải ngân đơn giản hơn rất nhiều so với đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các nhà khoa học chắc chắn sẽ được tạo điều kiện để có thể phát huy được sức sáng tạo của mình.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Thủy