Như Kiến Thức đưa tin, gần đây tại khu vực sản xuất miến tại xã Dương Liễu – huyện Hoài Đức – Hà Nội sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể là việc một số hộ dân phơi miến ở những địa điểm “nhạy cảm” như bãi phân trâu, rãnh nước hay cạnh cả hố nước phân đen ngòm…, nhưng thực tế khảo sát thị trường cho thấy, lượng tiêu thụ miến không hề giảm, một phần đây là loại thực phẩm đã quá quen thuộc với người dân, người khác lại cho rằng “thôi thì khuất mắt trông coi”.
Chỉ biết bán, không biết nơi sản xuất
Theo khảo sát của Kiến Thức, rất nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội như Đồng Xuân, Cầu Giấy, Quan Hoa, Đồng Xa…, lượng miến tiêu thụ hàng ngày rất lớn.
|
Tại chợ Đồng Xuân, tất cả những hàng bán đồ khô đều xuất hiện những loại miến có màu bắt mắt như thế này. |
Tại chợ Đồng Xuân, trong khu vực bán đồ khô, hầu như tất cả các sạp hàng đều bán mặt hàng này. Tuy bày ra sạp rất ít, nhưng khi phóng viên hỏi mua với một số lượng lớn thì chủ cửa hàng cho biết: “Chị bày ra đây cốt là để mọi người biết là mình có bán miến thôi, còn khách hàng muốn mua bao nhiêu chị cũng có”.
Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc miến được nhập từ đâu thì người bán hàng nói: “Miến này chắc là họ lấy từ khu vực ngoại thành vào, nghe nói là lấy ở Hoài Đức hay Thanh Oai gì đó. Chị không đến tận nơi lấy hàng mà có người phân phối đến đây. Nhưng em yên tâm, đây đều là miến dong hết”.
Thắc mắc về việc, miến nhiều màu sắc liệu có chất hoá học hay không thì đa số đều trả lời, đó là do nơi sản xuất nhuộm sẵn bằng phẩm màu thực phẩm. Để tạo niềm tin cho khách hàng, một chủ quán cho biết: “Em yên tâm, ở đây các bác thị trường đi kiểm tra suốt, không sợ hàng rởm đâu”.
|
Đa số các loại miến được bán đều không nhãn mác, không ghi nơi sản xuất, nhiều loại còn không được bọc túi, che đậy. |
Về giá thành tại các chợ, miến được bán mỗi nơi một giá, tuỳ vào đối tượng khách hàng, cùng một loại miến màu vàng, có chỗ bán 23.000 đồng/kg, nhưng có cửa hàng lại bán 60 ngàn đồng/kg. Còn nơi thực tế sản xuất như làng miến Dương Liễu, những loại miến được hỏi chỉ bán với giá 10.000 đồng/kg, còn loại đắt nhất chỉ 25.000 đồng/kg.
Như vậy, những người bán miến tại thị trường Hà Nội không chỉ không biết rõ nguồn gốc sản phẩm, mà còn bán đội giá lên rất nhiều lần.
Đường đi của miến bẩn... tới quán miến trộn, miến ngan
Phóng viên tiếp tục truy đường đi của miến sau khi rời chợ sẽ đến đâu. Không nằm ngoài suy đoán, miến được phục vụ tại các quán miến trộn, miến ngan trên địa bàn Hà Nội.
|
Một điểm bán miến trộn tại chợ Thành Công luôn tấp nập khách ra vào. |
Tại chợ Thành Công (Ba Đình – Hà Nội), một tụ điểm bán miến trộn khá nổi tiếng đông nghịt khách đến ăn. Theo những “thượng đế” đang ăn miến trộn ở đây, muốn không độc thì nên chọn những quán nào không dùng miến có màu bắt mắt, như thế độ an toàn sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, khi được hỏi rằng, có biết miến được phơi ở những nơi không đủ điều kiện vệ sinh, thì đa số khách hàng đều biết nhưng “thôi thì khuất mắt trông coi”.
|
Miến trộn là món ăn ưa thích của không ít bạn trẻ. |
Trong khi đó, tại những quán ăn đêm ở khu vực Nghĩa Tân, Chùa Hà (Cầu Giấy), rất nhiều khách hàng ăn miến lại tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về thông tin miến có sử dụng phẩm màu.
“Miến cũng dùng phẩm màu à, nhưng bát miến tôi ăn có màu gì đâu, miến có màu đen đen như thế này mà”, chị Lan, một khác hàng ăn miến tại Chùa Hà cho biết.
|
Nhiều người tuy biết thông tin miến "bẩn" nhưng vẫn vô tư sử dụng ngay tại các vỉa hè.
|
Đối với nhiều khách hàng khác, việc sử dụng phẩm màu trong miến với họ chỉ là chuyện bình thường. “Giờ cái gì chẳng phẩm màu, chất bảo quản, nhưng quan trọng là khi chế biến thành món ăn họ phải đun chín, nấu sôi là được. Tôi thấy, các quán này họ đều chần miến trong nồi nước sôi nên chắc cũng không vấn đề gì”, một khách hàng vừa ăn miến vừa nói.
Vậy thực hư sự việc miến bẩn ra sao, người làm miến sử dụng loại phẩm màu nào khi chế biến, Kiến Thức sẽ cung cấp tới bạn đọc để có cái nhìn đa chiều nhất về sự việc này.
Lê Phương - Tuyết Phượng