Dự báo mới nhất của cơ quan khí tượng Nhật Bản, đường đi của bão sẽ hướng vào phía Bắc Thanh Hóa và có ảnh hưởng tới các tỉnh phía Bắc. Sau đó, đường đi của tâm bão Haiyan sẽ cập bờ Nam Định.
Tại Nam Định, theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, siêu bão Haiyan ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này từ chiều và đêm nay (10/11), gây mưa, sau mưa to đến rất to; lượng mưa cả đợt phổ biến từ 200 - 300mm; trong đất liền có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; vùng ven biển cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 - 4m.
Tại Thanh Hóa, sáng nay (10/11), ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã quyết định di dời khẩn cấp 10.023 hộ với 44.620 người ở các vùng cách mép nước biển 200m thuộc 6 huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa đến nơi an toàn. Theo ông Quyền, việc di dời phải được hoàn tất trước 18h ngày 10/11.
|
Chòi ở ven biển xã Quảng Cư, Thanh Hóa đổ sụp, xiêu vẹo trước những trận gió lớn.
|
Như vậy, trong khi các tỉnh miền Trung đã thực hiện xong việc chằng chống nhà cửa và di dân từ hôm qua 9/11 thì tới sáng nay, nhiều khu vực ở Thanh Hóa mới bắt đầu hối hả phòng chống bão khi biết tin siêu bão Haiyan chuyển hướng ra phía Bắc. Tại khu vực Sầm Sơn, Thanh Hóa, sáng 10/11, người người nhà nhà cấp tập đi xúc cát vào bao tải để chèn chống nhà cửa đón bão. Các căn chòi của nhiều xã ven biển đã xiêu vẹo, đổ sập dù bão chưa đổ bộ.
Tại Ninh Bình, từ 7h sáng nay, tỉnh đã thực hiện cấm biển, các tuyến đò trên sông phải tạm ngừng hoạt động vận tải kể từ 10h ngày 10/11 cho đến khi bão tan.
Theo Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 10/11, biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.969 phương tiện và 389.253 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
|
Nhiều địa phương khu vực phía Bắc tới sáng nay mới cấp tập xúc cát vào bao tải lo chằng chống nhà cửa. |
Một số tỉnh miền Bắc sáng nay mới họp chống bão và quyết định phương án di dời dân, trong đó có Hải Phòng.
Hiện nay, diện tích gieo trồng tại các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu là cây vụ Đông. Các địa phương đã tranh thủ tiêu nước đệm trong các hệ thống kênh tiêu để chủ động phòng chống úng và chuẩn bị phương tiện, máy móc sẵn sàng bơm tiêu khi có yêu cầu. Mực nước trong hầu hết các hệ thống kênh tiêu hiện đang ở mức thấp.
Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nội đã gửi công điện khẩn đề nghị các Phòng GD - ĐT, trường học, trung tâm theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, ngập sau bão để tích cực chủ động chằng chống nhà cửa, lớp học, phòng học bộ môn. Đặc biệt, bảo vệ chặt chẽ các hệ thống máy móc, máy vi tính, thiết bị điện…, đề phòng nước ngập, chập điện hoặc kẻ gian lợi dụng lấy cắp. Thực hiện thường trực chống bão lụt 24/24h trong ngày. Có kế hoạch phối hợp, ứng cứu đề phòng bão to, diễn biến phức tạp. Hướng dẫn học sinh khi lưu thông trên đường, cần tránh các ao hồ, nắp cống, hố ga ven đường giao thông. Các trường có lớp bán trú phải đảm bảo đầy đủ chế độ ăn uống hợp vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh.
Tại Quảng Ninh,
trước diễn biến của cơn bão Haiyan, UBND tỉnh đã có công điện nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra khơi hoạt động từ 7h sáng nay, các tàu đang hoạt động ngoài khơi khẩn trương về các nơi trú tránh an toàn. Rà soát kiểm tra và triển khai ngay các phương án đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất đá và ngập lụt các khu dân cư, khu mỏ. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động đối phó và xử lý kịp thời các tình huống.
Tính đến 7h sáng, toàn bộ 10.579 phương tiện tàu, thuyền lắp máy hoạt động khai thác thuỷ sản trong toàn tỉnh đã nhận được thông tin về bão số 14 và đang khẩn trương về nơi neo đậu, tránh trú bão. Trong đó có 185 phương tiện tàu công suất trên 90 CV đang hoạt động khai thác tuyến khơi đã về nơi tránh trú bão. Không có tàu nào của tỉnh nằm trên đường di chuyển và vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão. 10.407 phương tiện tàu thuyền công suất dưới 90 CV cũng đã đang về nơi neo đậu. Không có tàu nào tiếp tục ra khơi.
Tại Hà Nội, lúc 10h ngày 10/11 đã chính thức chịu ảnh hưởng của bão Haiyan khi mưa lớn xuất hiện tại nhiều khu vực. Trên một số tuyến phố lớn thường xuyên xảy ra ngập úng như Thái Hà, Trường Chinh…, công nhân thoát nước đã ra đường làm nhiệm vụ.
Trước đó, nghe dự báo siêu bão Haiyan sẽ chuyển hướng vào miền Bắc và ảnh hưởng mạnh tới nhiều tỉnh thành trong đó có Hà Nội, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố Hà Nội đã yêu cầu Công ty thủy lợi, Công ty thoát nước rà soát các hồ đập, công trình chống úng ngập, tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Đặc biệt, phải có giải pháp cụ thể đối với từng điểm thường xuyên xảy ra úng ngập cục bộ. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội phải đảm bảo cung cấp điện ổn định, đủ phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng, đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố…
Hiện, Hà Nội có 20 điểm đen dễ ngập lụt nặng, gồm: các điểm giao cắt Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Tôn Đản - Lê Lai, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, Điện Biên - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Thái Hà - Tây Sơn, Bà Triệu - Nguyễn Du, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Xiển; các phố Lê Duẩn (trước cửa ga Hà Nội), Đội Cấn, Trương Định (ngõ 521 đến cầu Sét), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Khuyến, Quán Thánh, Ngọc Khánh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng.
Minh Hiếu