Khi phát hiện chiếc xe ô tô “không cánh mà bay”, ông Phan Văn Triều (SN 1968, ngụ tổ dân phố Quyết Thắng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) viết đơn trình báo mất tài sản, gửi đến cơ quan điều tra. Nào ngờ, thủ phạm lại chính là đứa con trai mà ông hết mực nuông chiều.
Vụ án hi hữu xảy ra khi nhân cơ hội này, ông Triều tính “hù dọa” cho con sợ mà tu tỉnh, và hy vọng cơ quan điều tra sẽ xử lý cả những đối tượng lêu lổng đã “xài ké” con ông số tiền 150 triệu cầm cố xe. Nào ngờ sau khi xét xử, chỉ có con trai và cháu ruột của ông bị nhốt tù.
Cha kiện con vào tù
Vào ngày 21/9/2013, Phan Văn Trường (SN 1993, con trai ông Triều) đang phục vụ tại quán cà phê của gia đình thì bị cha đánh vì “tội” ngang bướng. Giận cha, lại không có tiền tiêu xài nên sáng hôm sau, Trường lén lấy xe ô tô Toyota Innova BKS 47L-6780 của cha mẹ đem lên TP.Buôn Ma Thuột cầm cố lấy 150 triệu. Toàn bộ số tiền cầm xe, Trường cùng bạn bè đem tiêu xài hết.
Sau khi mất xe, ông Triều nghi ngờ con trai nhưng không liên lạc được, đành viết đơn trình báo đến công an huyện Cư M’gar. Không lâu sau, lực lượng công an tìm ra thủ phạm chính là Trường.
Tại cơ quan điều tra, Trường khai đã cùng bạn bè chia tiền cầm cố xe rồi ăn chơi ở TP.Buôn Ma Thuột và TP.HCM đến hết. Theo kết quả định giá, chiếc xe mà Trường lấy trộm của gia đình có trị giá 450 triệu.
Trong quá trình điều tra vụ án, công an xác định thêm đối tượng Hoàng Hữu Trọng (SN 1990, em con dì của Trường) là đồng phạm. Trọng đã biết trước xe ô tô là của cha mẹ Trường, việc Trường tự ý lấy đi cầm đồ là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên đứa em vẫn giúp anh họ đưa xe đi cầm cố.
Đến tháng 6/2014, công an huyện ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trường về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS, khởi tố Trọng về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác trộm cắp mà có” theo Điều 250 BLHS.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/5/2015, Trường khai, do có hai người bạn là Lê Chí Nhật cùng Trọng gọi điện, gạ gẫm cầm cố xe để lấy tiền đánh, cá độ bi da nên Trường “nổi hứng” làm theo. Khi trộm được xe, Trường đưa lên TP.Buôn Ma Thuột.
Ban đầu đi khắp các quán cầm đồ mà không nơi nào nhận. Trường cùng Trọng và Nhật hẹn nhau ra quán cà phê bàn tính. Trong khi Trường và Trọng nói chuyện, Nhật biết chiếc ô tô đó là Trường lấy trộm cha mẹ, nhưng Nhật không tham gia bàn bạc.
Một lát sau, một người bạn gọi cho ba thanh niên lạ mặt tới, đưa Trường đi cầm xe được 150 triệu. Trừ luôn tiền lãi của tháng đầu tiên, Trường nhận được 122 triệu từ chủ tiệm.
|
Người cha buồn rầu không ngờ con trai phải chịu bản án dài như thế. |
Số tiền này, tên trộm “chịu chơi” chia búa xua cho bạn bè. Trường đưa cho ba thanh niên lạ ba triệu, Nhật bảy triệu, Trọng 23 triệu, Trần Quốc Bảo 9,5 triệu. Số tiền còn lại, Trường cùng Nhật, Trọng ăn chơi hết.
Người bị hại yêu cầu cơ quan tố tụng truy tố những đối tượng cùng tham gia tiêu xài số tiền phạm pháp nói trên. Tuy nhiên trong phiên sơ thẩm, sau khi thẩm định hồ sơ, đối chất tại phiên tòa, HĐXX nhận định, trong số những người nhận tiền của bị cáo, chỉ có Trọng biết Trường lấy trộm ô tô, những người khác không hề biết, nên không có căn cứ xử lý hình sự. Cuối cùng tòa tuyên phạt bị cáo Trường 8 năm 6 tháng tù giam, Trọng 7 năm tù giam.
Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Cho rằng tòa xử nặng tay với con cháu mình, nhưng lại bỏ lọt tội phạm với các đối tượng khác, người cha bị hại cùng đứa con bị cáo đã làm đơn kháng án, xin giảm nhẹ hình phạt, đòi xử lý hình sự những người đã cùng tiêu xài số tiền cầm cố xe.
Ngày 30/9 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trước tòa, bị cáo khai ra tình tiết mới, cho rằng mình không phạm tội “trộm cắp tài sản” vì bà nội đã lấy chìa khóa, mở cổng cho đi.
Nếu sự thật đúng như lời bị cáo khai, thì chiếu theo pháp luật, thậm chí đến bà lão là mẹ của bị hại cũng… đồng phạm tội trộm. Kết thúc phiên xử, HĐXX vẫn tuyên y án sơ thẩm 8,5 năm tù.
Cha bị cáo Trường, cũng là bị hại, không chấp nhận bản án trên, giữ nguyên quan điểm cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm, tòa xử nặng con mình. Người cha buồn rầu:
“Con tôi sai, vi phạm pháp luật, tôi đã cắn răng chịu đau, viết đơn gửi đến cơ quan chức năng, mong muốn làm sáng tỏ mọi việc, vừa răn đe con mình, vừa xử lý những thanh niên hư hỏng. Nào ngờ con tôi lại chịu tội nặng, đứa cháu cũng bị kết án, còn những người khác cùng “xẻ thịt” số tiền phạm pháp đó lại bình an vô sự”.
Ông kể, sau khi mất xe, gọi cho con không được, ông hỏi thăm khắp nơi cũng chẳng ai biết. Mãi sau này mới biết bà nội đã đưa chìa khóa cho cháu. Bà biết mọi chuyện, nhưng phần vì thương cháu, phần lại sợ liên lụy nên giấu con.
Hơn 10 ngày sau, Trường mới mò về nhà, khai nhận sự việc, kể lại tường tận việc mình cầm cố xe, ăn chơi cho cha nghe. Sau thời gian ăn chơi ở TP.Buôn Ma Thuột, Trường xuống TP.HCM xài đến hết tiền, phải xin vào phụ quán cà phê. Làm việc được hai ngày, Trường hối hận nhớ nhà, ôm mặt khóc. Ông chủ quán thấy lạ, tới hỏi chuyện, cho một triệu đồng để đón xe về.
Trao đổi với PL&TĐ về vụ án trên, luật sư Hàn Lâm, văn phòng luật sư Hàn Lâm, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk nhận xét: “Theo ý kiến của tôi, cơ quan điều tra chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của một số người liên quan gồm Nhật và ba người thanh niên lạ mặt, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm”.
Theo Mộ Văn/Pháp luật