Luật nghiêm, giao thông hết hỗn loạn!

Google News

(Kiến Thức) - Theo LS Chu Văn Tiến, đề xuất tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc của Bộ GTVT mới đây được coi là bước đột phá...

Theo LS Chu Văn Tiến, đề xuất tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc của Bộ GTVT mới đây được coi là bước đột phá nâng cao tính răn đe các hành vi vi phạm bằng các chế tài xử lý nghiêm. Chỉ có thể bằng các chế tài xử lý nghiêm thì mới lập lại được trật tự, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông.
Điều chỉnh luật cho sát thực tế
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang soạn thảo đề xuất áp dụng biện pháp tịch thu xe máy nếu người tham gia giao thông cố tình đi vào đường cao tốc. Những chiếc xe vi phạm sau khi bị tịch thu sẽ được bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo. Ông có đồng tình với giải pháp này?
Một nguyên tắc khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là không được trái với Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ. Nếu ta tịch thu và bán đấu giá thì đó là tài sản riêng của người dân và điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu, trong đó có quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong Luật Dân sự. Tài sản sử dụng hợp pháp muốn bán thì phải được sự đồng ý của họ. Nếu họ vi phạm giao thông thông thường thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe. Chỉ có thể tịch thu khi họ vi phạm pháp luật mà thôi.
Liệu có “ngoại lệ” khi đưa ra các quy định để thiết lập trật tự giao thông?
Có và ở góc độ nào đó thì lại cần phải có những chế tài đủ mạnh để xử lý mang tính răn đe, khiến người tham gia giao thông không dám vi phạm. Thực tế phát sinh cái trong luật chưa có thì có thể bổ sung được. Cái này phải nghiên cứu và tùy các cơ quan chức năng đưa ra quyết định. Khi đã thành quy định thống nhất, người tham gia giao thông chỉ có cách buộc phải tuân thủ.
Vậy ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Đây là giải pháp cần thiết, nhưng chưa thực sự đầy đủ. Đề xuất này chưa đánh giá hết được thực trạng của giao thông đường bộ, cũng như thực tế tình trạng vi phạm giao thông đường bộ nói chung và vi phạm trên đường cao tốc nói riêng ở nước ta. Bởi trên thực tế cho thấy, không chỉ có hành vi vi phạm của những người đi xe máy vào đường cao tốc mà có nhiều hành vi khác như người đi bộ, các phương tiện xe thô sơ khác... cũng đi vào đường cao tốc thì xử lý thế nào cho triệt để, mang tính răn đe buộc người dân không dám vi phạm cũng cần được tính đến.
Đúng là có tình trạng người tham gia giao thông đi bộ, đi xe thô sơ rất ngang nhiên vi phạm, vì nghĩ mình chẳng có gì để bị bắt, bị phạt. Nếu xây dựng một luật thật nghiêm thì phải tính hết các đối tượng?
Đúng thế, không chỉ tịch thu xe máy, mà đối với những người tham gia giao thông khác cũng phải bị phạt rất nặng để không thể bất chấp luật vi phạm. Còn nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì rất khó, tình trạng lộn xộn vẫn cứ diễn ra, không chỉ ở đường cao tốc.
Luat nghiem, giao thong het hon loan!
LS Chu Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
Ngăn chặn sự “nhờn luật” 
Theo ông đánh giá, trong lĩnh vực giao thông, vì sao có luật có quy định tình trạng nhờn luật, không chấp hành luật vẫn diễn ra?
Bởi nhiều lý do, đầu tiên trong chính các quy định của luật cũng có những lỗ hổng. Trong cách xét xử, thực thi luật, tính răn đe chưa cao. Rồi chính các cơ quan thực thi pháp luật, vẫn còn những nơi không thực sự khách quan, nghiêm túc xử lý, vẫn còn tình trạng bao che cho người nhà, người quen, tình trạng nể sợ... mà không dám xử lý. Rồi chính ý thức của người dân khi tham gia giao thông cũng chưa cao, chưa tốt, chưa nghiêm.
Rõ ràng, một quy định thực sự nghiêm là cần thiết, nếu chỉ quy định chung chung thì tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến?
Theo tôi cần có những giải pháp bổ sung quy định thật nghiêm khắc thì mới tạo được tính răn đe. Những giải pháp cần phải áp dụng được trong thực tế và phải được tuyên truyền phổ biến rộng rãi trực tiếp hoặc gián tiếp đến tận từng người dân, người tham gia giao thông. Còn nhớ trước đây quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, lúc lấy ý kiến bị rất nhiều người phản đối, thậm chí cả nhà khoa học. Nhưng rồi khi trở thành luật, buộc phải chấp hành thì nó lại trở thành thói quen của người tham gia giao thông, đã đi ra đường, ngồi lên xe máy là phải đội mũ. 
Có người cho rằng để ngăn chặn vượt đèn đỏ, xe quá tải, quá số người quy định, cứ tịch thu xe là chấp hành nghiêm hết, theo ông có nên làm thế?
Tôi nghĩ là không nên bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến đời sống cho người dân nếu như đó là phương tiện kiếm sống của họ. Nếu như tịch thu phương tiện còn kéo theo những thủ tục hành chính khác như cần phải có bãi để chứa các phương tiện đó, rồi việc làm thủ tục tịch thu xe trên đường có thể gây ùn tắc giao thông gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác... Tuy nhiên, có thể áp dụng các biện pháp xử lý mạnh hơn, nghiêm hơn, công bằng hơn, không có ưu tiên hay bao che cho bất kỳ người nào. Khi đó, luật sẽ tự nhiên trở nên nghiêm minh.
Còn đề xuất tịch thu xe nếu lái xe có nồng độ cồn cao cũng của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới đây, ông nghĩ sao?
Ở góc độ nào thì cái thiếu nhất hiện nay trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tính răn đe của luật. Càng thắt chặt, luật càng nghiêm.
Giao thông tốt còn do văn hóa
Ở góc độ cá nhân tôi nghĩ, việc chấp hành luật chưa nghiêm một phần cũng là do văn hóa nữa, ông có nghĩ vậy?
Nói đến câu chuyện đó tôi lại nhớ đến cái băng rôn “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”. Nhưng ở góc độ nào đó, văn hóa, văn minh chung góp phần rất quan trọng vào ý thức chấp hành luật. Ở những nước phát triển, ý thức chấp hành luật của người dân cao hơn, một phần vì luật của họ rất kín kẽ, thực thi luật nghiêm minh, nhưng ý thức của người dân cũng cao hơn, nền tảng giáo dục của họ cũng tốt hơn. Một đứa trẻ từ nhỏ đã được dạy dỗ rằng vượt đèn đỏ là hành vi nguy hiểm đến tính mạng và đe dọa tính mạng người khác, ra đường chúng không bao giờ nhìn thấy người vượt đèn đỏ, thì chắc hẳn khi lớn lên, chúng sẽ có hành động tương ứng.
Ông vừa nói nhiều đến góc độ “thân quen”, “người nhà” trong thực thi luật, ông có bao giờ là người trực tiếp trong cuộc, vì thân quen nên dễ, vì xa lạ nên khó?
Tôi chắc là bất cứ ai cũng gặp hoặc nghe nói đến những tình huống này, nói đến là hiểu. Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm lâu nay vẫn là nỗi nhức nhối của nhiều người. Nhiều khi xe vi phạm, chỉ cần chủ xe alo một tiếng là được cho qua. Tôi cho là chính cảnh sát giao thông, người thực thi luật cũng không thoải mái với tiền lệ đó, nhưng nó vẫn cứ tồn tại bao lâu nay rồi.
Theo ông, phải làm gì để hạn chế được tình trạng nhiều nơi giao thông hỗn loạn, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, đi lên vỉa hè lòng đường, chạy quá tốc độ, chở quá tải... như hiện nay?
Tôi nghĩ mấu chốt vấn đề ở đây là luật. Cần xây dựng những chế tài đủ mạnh để người tham gia giao thông buộc phải chấp hành, không có lựa chọn khác. Còn ở góc độ thực thi luật, phải thực sự công minh, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng nể nang, người nhà thì bỏ qua, người ngoài thì phạt nặng, đưa tiền là xong việc... Cuối cùng mới là đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân, nâng cao nhận thức chung cho cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
Tại các tuyến đường cao tốc được thiết kế và khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc đều cấm xe máy lưu hành. Tuy nhiên, tình trạng xe máy đi vào các tuyến đường cao tốc như: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đại lộ Thăng Long, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường vành đai 3 Hà Nội đoạn đi trên cao vẫn thường xảy ra. Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, cả nước đã có hơn 7.000 xe máy bị tạm giữ vì vi phạm an toàn giao thông.
Tô Hội (Thực hiện)