Nên có thêm hình phạt
Tin vui đầu năm mới dành cho các nhà khoa học, theo lời Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, là việc thông tư khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhà khoa học chỉ cần cam kết có sản phẩm cuối cùng thì việc thanh quyết toán sẽ rất đơn giản. Tin này chắc hẳn cũng làm ông vui?
Thực ra đây không phải là điều gì mới. Từ đầu những năm 2000, tôi cùng đoàn nhà khoa học có nhận lời mời sang tham quan của Viện Hàn lâm Khoa học Quảng Châu (Trung Quốc). Ở đó họ đã thực hiện khoán đến sản phẩm cuối cùng. Nhà khoa học không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu phải trả lại tiền cho Nhà nước và vĩnh viễn không được đăng ký đề tài khác nữa. Họ làm rất khắt khe. Khi đó các nhà khoa học phải suy nghĩ, cẩn trọng, làm nghiêm túc, nếu không cả đời sẽ chỉ là người đi làm thuê cho các nhóm khác thôi.
|
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói về thông tư "cởi trói" cho các nhà khoa học. |
Theo quy định mới thì nếu thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng mà không thực hiện được thì phải bồi hoàn từ 40 - 100% ngân sách?
Thực ra quy định này cũng là hình thức xử phạt nhưng khó khả thi và phát sinh nhiều vấn đề. Với những nhà khoa học không có tiền để trả lại thì tính thế nào? Trong khi đó, khoa học là mạo hiểm, hiếm ai khẳng định mình chắc chắn thành công.
Từ trước đến nay thì có tình trạng đề tài khoa học bị bỏ ngang giữa chừng không?
Tôi vừa ngồi trong một hội đồng khoa học nghiệm thu một dự án tổng hợp chất chống ung thư từ cây thông đỏ. Nhóm đề tài có nhiều đơn vị, trong đó có một công ty hợp tác để làm, tiền Nhà nước đầu tư tương đối lớn. Nhưng đến giữa chừng thì phía công ty bỏ dở. Đề tài sụp đổ. Khoản tiền Nhà nước đã cấp không biết phải lấy để lâu để trả. Chỉ còn cách họ viết ra các chuyên đề để tính vào đó, nhưng nó chỉ được một khoản mà không giải quyết vấn đề gì. Kết luận là nếu dừng lại ở đây thì phải trả lại cho Nhà nước. Thế là các nhà khoa học vò đầu bứt tai không biết là sẽ lấy tiền ở đâu.
Vậy thì đúng là bế tắc quá?
Thì các nhà khoa học đâu phải là doanh nhân, họ lấy đâu tiền mà trả trong khi chỉ hưởng lương của Nhà nước. Nhưng lại rất cần có hình phạt để những người không có năng lực phải trả giá, không dám nhận bừa. Giả sử như có hình phạt cấm làm chủ đề tài thì suốt đời người đó đi làm thuê cho nhóm khác. Đây sẽ là hình phạt đánh vào danh dự, lòng tự trong, uy tín khoa học của nhà khoa học, nên rất có sức nặng. Còn đánh vào kinh tế thì khó, nếu không trả được thì cưỡng chế như thế nào?
Vậy nên chăng chúng ta bổ sung thêm hình phạt nếu nhà khoa học không hoàn thành đề tài nghiên cứu?
Tôi nghĩ là nên, có thể chỉ hạn chế trong thời gian 5 năm người đó không được nhận các đề tài khoa học. Như thế thì họ phải rất thận trọng, nếu không làm được thì họ sẽ không dám đứng ra nhận đề tài, khi đó có sự chọn lọc rất tốt.
Cuối năm tất bật thanh toán
Theo ông thì quy định này có tạo ra luồng gió mới trong nghiên cứu khoa học?
Chắc chắn là những người có tài năng, có sự tự tin họ sẽ dám dũng cảm đứng ra làm, đảm nhận các đề tài nghiên cứu. Còn như hiện nay, tôi được biết là có không ít trường hợp mà các cơ quan chủ quản không thu được tiền về do người thực hiện đề tài không thực hiện được. Có những đề tài, dự án dở dang, Nhà nước đòi lại tiền mà không đòi được, ngay cả đơn vị tôi cũng có. Thậm chí có những người đã về hưu rồi thì cơ chế như thế nào? Hệ thống xử phạt còn rất khó. Doanh nghiệp có nợ khó đòi thì nhà khoa học cũng có thể có “nợ xấu”.
Ông thực hiện nhiều đề tài thì vấn đề thanh quyết toán thời gian qua có gì khó khăn không?
Năm vừa rồi tôi thực hiện mấy đề tài, mà mãi đến cuối năm tiền mới chuyển về, tôi lại phải tìm cách để thanh quyết toán. Trong khi quy định của Viện là tất cả các hóa đơn mua hóa chất phải có trước ngày nghiệm thu. Mà nghiệm thu từ tháng 11, giờ mới có tiền đề tài thì kiếm đâu ra hóa đơn vào thời điểm ấy?
Thế là phải đi mua?
Chắc là phải thế, mà cũng không biết có mua được hay không. Những chuyện đó làm người ta nản, không muốn làm. Người quản lý phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước, nhà khoa học thì chỉ chăm chú vào làm chuyên môn thôi. Đáng lẽ từ tháng 1 phải được cấp ngân sách mà đến tháng 12 mới cấp thì còn mua được cái gì nữa.
Vậy là trước đó để thực hiện đề tài thì ông phải bỏ tiền túi?
Thì đúng là thế, bỏ tiền túi ra mà làm chứ. Mà làm thì không phải cái gì cũng có được hóa đơn chứng từ. Thế là làm thật, mà lại phải đi mua hóa đơn. Cái này tồn tại rất lâu rồi mà không khắc phục được. Cứ cuối năm là chạy cuống cuồng để thanh toán. Bây giờ thay đổi thì phải giải quyết khâu nếu nhà khoa học “nợ xấu” thì giải quyết thế nào.
Không khuyến khích mua rẻ
Với quy định mới này, ông có làm thêm nhiều đề tài nữa không?
Đến tuổi này rồi thì tôi chỉ mong muốn có kinh nghiệm gì thì đưa vào triển khai thành sản phẩm, giúp các đơn vị triển khai để có những sản phẩm tốt phục vụ đời sống. Tới đây tôi cũng có hàng loạt các sản phẩm khác như bổ gan, sâm cho phụ nữ giữ gìn sắc đẹp, thuốc chống ung thư từ nghệ, rồi đông trùng hạ thảo…
Chắc hẳn quy định mới sẽ khắc phục tình trạng đề tài nghiên cứu xong xếp vào ngăn kéo?
Tôi nghĩ quy định này sẽ “cởi trói” cho các nhà khoa học, khuyến khích họ làm nhiều hơn, không phải lo về thủ tục giấy tờ. Họ được toàn quyền chủ động chi tiêu sẽ là điều rất tốt bởi vì trước đây theo quy định, bất kỳ dự án đề tài nào khi đăng ký chi tiêu, ví dụ như mua thiết bị này 100.000đ thì có mua rẻ 60.000đ Nhà nước cũng không khuyến khích, mà mua đắt đến 120.000đ cũng không. Còn khi đã chủ động thì sử dụng đồng tiền tốt hơn, hiệu quả hơn. Rồi trách nhiệm của họ sẽ cao hơn, không thể chi tiêu bừa bãi được, khuyến khích lớp trẻ chịu khó làm việc hơn…
Tôi tưởng người trẻ thì luôn cần mẫn chứ?
Không, trong khoa học thì có đặc thù riêng. Có những người làm được mà không xin được đề tài, vì muốn xin được phải có chức vụ, bằng cấp, học vị. Một người trẻ dù là tiến sĩ nhưng chưa có kinh nghiệm, thì dù trong đầu có ý tưởng làm cũng không được, các “ông già” tranh hết rồi. Còn áp dụng thế này thì hạn chế những “ông già” lý thuyết suông, tranh giành hết của người trẻ. Đó là thực trạng đang diễn ra rồi.
Trở lại với hình phạt với trường hợp không cho ra sản phẩm cuối cùng, trước đây nếu nghiệm thu đề tài mà không đạt thì tính sao?
Thì hòa cả làng chứ sao, lại thành lập một hội đồng mời các thầy đến rồi thương lượng để cho nó qua đi. Tôi đã từng ngồi ở một hội đồng của một người làm về chiết xuất chất từ đương quy. Bản thân củ đương quy có nhiều hoạt tính, có chất hoạt huyết nhưng cũng có chất không hoạt huyết. Đề tài thất bại, chất chiết xuất ra cũng không bán được vì không có tác dụng. Dù thất bại nhưng rồi cũng phải cho qua thôi.
Vậy là quy định này có thể hạn chế tình trạng đăng ký đề tài cho có uy, có danh?
Đúng thế, nếu Nhà nước có quy định nhà khoa học thực hiện không thành công thì trong vòng 5 năm không được làm chủ đề tài, thì chắc chắn họ sẽ phải kín kẽ, cẩn trọng hơn, không dám liều. Nhà khoa học mà không có đề tài nào thì mang tiếng lắm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tư 27 cũng quy định tổ chức, cá nhân nhà khoa học có thể tạm ứng kinh phí theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển KH&CN; thanh toán tạm ứng căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện; Kho bạc Nhà nước sẽ không kiểm soát chứng từ chi tiết.
Tô Hội