Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam là một sai lầm chiến lược. Song, sự thật của dã tâm này là gì? Một số học giả khẳng định: Tất cả các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong suốt một thời gian dài không phải là ngẫu nhiên, mà là những tính toán kỹ lưỡng trong một chiến lược tổng thể đầy tham vọng, nhằm “độc chiếm Biển Đông” dưới cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” của Bắc Kinh.
Hạ đặt giàn khoan mang nhiều thâm ý
Thời gian hạ đặt giàn khoan HD981 của Trung Quốc gây khó hiểu với nhiều người, vì trong những năm gần đây, Trung Quốc và Việt Nam duy trì mối quan hệ khá tốt. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm tới Việt Nam năm 2013 và 2 bên đã đồng ý mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, quyết định triển khai giàn khoan HD981 của Trung Quốc không có gì quá ngạc nhiên. Trung Quốc đã mất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để phát triển giàn khoan có thể hoạt động ở biển sâu. Do đó đương nhiên, sẽ có một ngày Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này ra hoạt động và chắc chắn việc này sẽ gặp phải sự phản đối của một số nước khác.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhiều năm dưới góc độ luật quốc tế nhận định: Thời điểm Trung Quốc chọn lựa khi đưa giàn khoan HD981 vào Biển Đông có ý nghĩa cả trên bình diện quốc tế, lẫn nội địa Trung Quốc, cũng như tình hình khu vực và Việt Nam.
|
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Trên bình diện quốc tế, việc hạ đặt giàn khoan HD981 là phản ứng của Trung Quốc sau cuộc viếng thăm 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Obama. Qua hành động này, Trung Quốc muốn khẳng định vị trí “bá chủ” của họ tại khu vực châu Á và sẵn sàng phản ứng lại chính sách “Tái cân bằng quyền lực ở châu Á” của Washington, cũng như nhắc nhở các quốc gia châu Á, trong đó có cả các nước ASEAN trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông về “sức mạnh dưới áp lực đe dọa” của Trung Quốc.
Về mặt nội địa, sự phát triển “thần kỳ” của Trung Quốc đang bộc lộ những điểm yếu, các nhà nghiên cứu phương Tây đang nói tới những chỉ dấu cho cuộc “khủng hoảng kinh tế” ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội Trung Quốc đang có nguy cơ bùng phát, mà những cuộc va chạm giữa những người lao động với chính quyền, hay giữa những người thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với chính quyền là sự thể hiện rõ ràng nhất. Chính phủ Trung Quốc cũng muốn khỏa lấp những vấn đề nội địa ấy bằng việc gây căng thẳng trở lại ở biển Đông, kéo dư luận ra khỏi những vấn đề nội địa.
|
Tàu Hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoa Hải Dương 981 vào ngày 20/5. |
Ngoài ra, k
hi Trung Quốc lựa chọn hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nước này đã xác định phần nào phản ứng từ quốc tế. Ngoài ra, như nhiều quốc gia khác – khi phải chọn giữa lợi ích cốt lõi và hình ảnh quốc tế, chắc chắn Trung Quốc sẽ lựa chọn lợi ích cốt lõi. Cụm từ "Lợi ích Cốt lõi" của Trung Quốc bắt nguồn từ một tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Mỹ trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama cuối năm 2009. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đề xuất mỗi bên nên định nghĩa những lợi ích cốt lõi mà bên kia phải cam kết tôn trọng. Nhiều quan chức Trung Quốc cho rằng, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm cả Biển Đông và cả các tranh chấp chủ quyền khác.
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, chỉ việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì có thể nói là Trung Quốc đã đặt một thành công mở đầu có tính chất bước ngoặt trong dã tâm “độc chiếm biển Đông” của họ vì Việt Nam là một nước có truyền thống quân sự hùng mạnh trong khu vực, cũng như có thái độ rất cứng rắn với luận điệu “đường chín đoạn” cũng như “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ theo đó, làm điều tương tự với cả hải phận của Philippines, Indonesia, Malaysia…và từ đó, lấn chiếm dần biển Đông.
Trước một Biển Đông phong phú tài nguyên, thiệt hại từ những thứ như hình ảnh quốc tế sẽ chỉ là thiệt hại nhỏ, nên lợi ích cốt lỗi mới là sống còn. Do đó, thời gian hạ đặt giàn khoan có thể nói là chưa đầy thâm ý của Trung Quốc.
Việt Nam làm gì để đập tan dã tâm của Trung Quốc?
Trao đổi với Kiến Thức, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - cho biết: Lấy Hoàng Sa làm “một đảo có người ở” để giành vùng đặc quyền kinh tế 200 km, để tự vỗ ngực “TQ có đủ bằng chứng để chứng minh quyền chủ quyền, quyền tài phán” là một toan tính chủ quan, sai lầm mà họ chưa lường hết hậu quả. Trung Quốc cậy thế nước lớn, dùng tàu quân sự làm càn, nhưng thực tế rất sợ bị kiện vì khi đó sẽ rất bẻ mặt. Đây chính là “gót chân Asin” của họ trên mặt trận pháp lý.
Theo TS Bá, Trung Quốc rất sợ kiện ra tòa quốc tế về Hoàng Sa vì họ không có gì cả, ngoài cái việc dựng nên chuyện khảo cổ ở Hoàng Sa có dấu tích người của họ nhưng bộ quy tắc Luật Biển có cơ chế phân tích, chứ không dễ dàng đánh lừa tài phán quốc tế.
"Khởi kiện kịp thời lúc này VN có đầy đủ bằng chứng, nhân chứng, vật chứng về cả không gian, thời gian về Hoàng Sa và tang vật hiện hữu xâm phạm là giàn khoan 1 tỷ USD. Chúng ta đang được toàn thế giới ủng hộ, ta được cả chính trị, ngoại giao chính trường, ngoại giao nhân dân, được minh oan và được tỏa sáng trước công lý quốc tế về một nước yêu hòa bình, tôn trọng và có trách nhiệm trước Công ước Luật Biển 1982. Vì thế, muốn có hòa bình bền vững, VN phải hành động ngay, khởi kiện Trung Quốc ra Tài phán UNCLOS và cả Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) bởi VN là thành viên của LHQ và UNCLOS được bảo hộ khi tài phán và LHQ có trách nhiệm để bảo vệ Hiến chương – Công ước UNCLOS không bị vẩn đục bởi sự kiện Hoàng Sa 1974 và vụ “Hài tặc – dầu tặc” Hải Dương 981 này", TS Bá nhấn mạnh.
Duy trì lượng tàu lớn bảo vệ giàn khoan trái phép
Theo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, trong ngày 20/5, Trung Quốc vẫn duy trì trên 90 chiếc tàu các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) và bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng. Các tàu này luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu của ta.
Trong ngày, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã cơ động gần nhóm tàu cá vỏ gỗ của các Ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ta.
Ngoài ra, một số tàu cá vỏ sắt có trọng tải trên 300 tấn hoạt động cùng các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc cũng tham gia ngăn cản hoạt động các tàu của ta.
Xét về số lượng thì Trung Quốc đã rút bớt các tàu bảo vệ so với tình hình ngày 18/5 – Trung Quốc huy động tổng cộng 134 tàu các loại, tăng thêm đáng kể số lượng tàu cá. Trung Quốc lại đưa vào sử dụng những chiến thuật mới cùng các kiểu tàu khác. Theo đó, trong ngày 19/5, Trung Quốc huy động thêm nhiều tàu bọc sắt có trọng tải rất lớn (từ 450 đến 500 tấn) bảo vệ giàn khoan trái phép Hải Dương 981. Nguy hiểm hơn, ở phần mũi tàu này đều được bọc thêm vỏ sắt dày và một trong những chiếc tàu này vừa áp sát, tấn công, khiêu khích tàu Vạn Hoa 797 của lực lượng Kiểm ngư vùng 3 Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên Biển Hoàng Sa.
Các Kiểm ngư viên còn cho biết, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, có tới 3 lớp tàu bảo vệ, được bố trí một cách chặt chẽ, ngăn cản không cho tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu Cảnh sát Biển Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp: trong cùng là các tàu hộ vệ tên lửa, khu trục hạm; lớp giữa là những tàu trọng tải loại lớn của các lực lượng hải giám, hải tuần. Các tàu có trọng tải từ 500 đến 2.500 tấn (thuộc tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc) được bố trí ở lớp ngoài cùng.
Lê Trang