Vụ việc
trực thăng UH-1 rơi tại huyện Bình Chánh (TP HCM) sáng 28/1 làm 4 chiến sĩ trong tổ lái tử nạn cùng với hàng loạt vụ tai nạn trực thăng trước đó đã khiến dư luận không khỏi xót xa, hoang mang. Từ
sự việc này, nhiều người đã đặt ra vấn đề làm thế nào để thoát hiểm, sống sót khi
trực thăng, máy bay gặp nạn?
Cựu phi công Lê Đăng Kiểm, SN 1942, hiện sinh sống cùng gia đình trong một ngôi nhà nhỏ ở phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, từng công tác tại Trung đoàn không quân vận tải 919 những năm 64 của thế kỷ trước. Ông Kiểm cũng là người đã lái chiếc trực thăng Mi – 4 bị tai nạn do trúng đạn của địch vào ngày 28/4/1966, nhưng ông may mắn thoát chết.
|
Cựu phi công Lê Đăng Kiểm. Ảnh: Pháp luật và Xã hội. |
Bằng kinh nghiệm từng nhiều năm lái trực thăng của mình, chia sẻ với báo chí, cựu phi công Lê Đăng Kiểm cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trực thăng gặp nạn như nổ động cơ, chim lọt vào làm chết máy, động cơ bị cháy hỏng... Ở trường hợp trực thăng chỉ hỏng động cơ thì cách thoát hiểm khá đơn giản, bởi vì còn một động cơ, phi công vẫn có thể hạ cánh an toàn. Còn trong trường hợp xấu hơn, nếu thấy trực thăng đạt độ cao cần thiết thì những người ngồi trong trực thăng có thể bung dù để nhảy ra ngoài thoát thân trước khi trực thăng tiếp đất và phát nổ.
“Tâm lý phi công bao giờ cũng phải tìm khu đất trống để hạ cánh, việc làm này khiến mức độ an toàn cao hơn nhiều khi tiếp đất. Khi máy bay, trực thăng gặp nạn ở trên không, điều quan trọng nhất với phi công là giữ bình tĩnh để xử lý tình huống”, phi công Lê Đăng Kiểm nói.
Trong ký ức của người lính già, chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng sự tàn khốc, ác liệt, những giây phút đấu trí vẫn vẹn nguyên. Ông Kiểm bồi hồi nhớ lại: “Vào lúc 23h30 ngày 28/4/1966, khi chi bộ Đảng đang họp thì có báo động, phải đi cứu đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, ở Bắc Cạn (ông Nhị sau này là Tổng GĐ đầu tiên của Hãng hàng không dân dụng Vietnam Airline). Thời điểm đó, tôi lái trực thăng Mi – 4, chưa có ra đa. Tổ bay gồm có tôi lái chính, một lái phụ, một cơ giới, một dẫn đường và một phụ nữ là bác sĩ. Tôi đưa trực thăng cất cánh từ sân bay Gia Lâm bám theo QL 3. Đến khu vực tỉnh Thái Nguyên thì đưa trực thăng lên độ cao 600m, khi địa hình xung quanh là núi đồi, rừng cây rậm rạp. Nếu địch dùng đạn 14 li 5, 12 li 7 hoặc súng AK bắn thì mình cũng không lường trước được nên tôi luôn phải đề phòng”.
Nắm bắt được tình hình thực tế, ông Kiểm đưa trực thăng từ độ cao 600m tới 950m thì bất ngờ trực thăng bị địch bắn trúng, khiến động cơ trực thăng cháy, khói tràn đầy buồng lái. Biết rằng, trực thăng đang trong tình trạng mất kiểm soát, nếu không xử lý nhanh nhạy, trực thăng sẽ nổ tung, tính mạng của mọi người cũng không được đảm bảo.
Ông Kiểm nhanh chóng làm động tác chuyển động cơ, tách động cơ với cánh quạt. Khi đó cánh quạt không nâng lên được nữa mà phải hạ xuống. Sau đó, ông Kiểm mới tắt động cơ. Động cơ không còn hoạt động, khói cũng không còn nhả ra.
“Quan sát nhanh khu vực sông Cầu, tôi phát hiện có khe hở. Khi cho trực thăng vào khu đất đó khoảng 50 đến 70m, tôi phát hiện có bãi đất trồng sắn đã dỡ, rộng khoảng 15m, dài khoảng 25m. Tôi tiếp đất và kéo cánh quạt ra. Tất cả diễn ra rất nhanh chóng. Vừa đưa được mọi người thoát ra khỏi trực thăng thì cũng là lúc chiếc trực thăng phát tiếng nổ lớn và bốc cháy”, ông Kiểm nhớ lại.
Sau vụ việc đó, tổ bay được tặng bằng khen, còn bản thân ông Kiểm được tặng Huân chương Chiến công hạng 3.
Ở một độ cao nhất định, việc bung dù nhảy ra ngoài khi máy bay,
trực thăng gặp nạn cũng là một cách để tổ lái và những hành khách bên trong thoát hiểm.
Hôm 25/1/2015, một đoạn video của lực lượng tuần tra bờ biển Mỹ cho thấy động cơ chiếc máy bay trực thăng Cirrus SR-22 hết nhiên liệu cách đảo Maui, Hawaii hơn 407 km. Tuy nhiên, phi công đã kịp thời bung dù khẩn cấp giúp máy bay "lượn xuống" mặt biển một cách an toàn.
Ngay khi ra khỏi chiếc trực thăng, người phi công này lại được tàu tuần tra Holland America giải cứu sau khi con tàu này nhận được tín hiệu khẩn cấp từ lực lượng tuần tra bờ biển. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy ngay khi bung dù, mũi máy bay chúi xuống trước và máy bay rơi xuống biển.
Người phi công đã thoát ra từ phía trên máy bay và trôi cùng chiếc bè nhỏ được trang bị sẵn trên máy bay. Hiện sức khỏe người này trong tình trạng khá tốt.
Dưới đây là những chỉ dẫn giúp bạn tăng khả năng sống sót khi máy bay, trực thăng gặp sự cố nghiêm trọng:
Giữ tâm lý bình tĩnh
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng cần bình tĩnh và tỉnh táo để xử lý các tình huống xảy ra. Đôi khi sự sợ hãi và hoảng loạn có thể khiến bạn mất an toàn ngay cả ở những trường hợp bình thường như máy bay rung lắc hoặc rơi tự do trong vùng nhiễu động. Một phi công cũng đã chia sẻ kinh nghiệm sống sót của mình trong vụ máy bay rơi vì rụng cánh ở Anh vừa qua, đó là giữ bình tĩnh ngay cả trong những tình huống nguy hiểm nhất.
Thắt dây an toàn
Điều này không chỉ giúp bạn hạn chế những va đập dẫn đến bất tỉnh khi máy bay rung lắc mà còn nâng cao tỷ lệ sống sót nếu máy bay rơi, ngay cả trong lúc ngủ. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn thắt dây an toàn và đúng cách khi ngồi trên máy bay. Đó là khi dây đai ở vị trí dễ với tay tới nhất, thấp hơn vùng xương chậu, nơi có cấu trúc cứng cáp nhất để nâng đỡ lực.
Đọc kỹ hướng dẫn về cách thoát hiểm
Khi lên máy bay, các tiếp viên sẽ hướng dẫn bạn cách thoát hiểm cũng như tờ rơi sau ghế. Thường du khách sẽ bỏ qua khâu này nhưng chỉ cần chú ý lắng nghe và ghi nhớ, cơ hội sống sót của bạn có thể sẽ cao hơn. Đó là vị trí đặt và cách sử dụng mặt nạ dưỡng khí, áo pháo, cửa thoát hiểm...
Ngồi ở tư thế an toàn
Tưởng chừng như không giúp ích được nhiều nhưng với một tư thế ngồi an toàn, bạn sẽ tránh được những chấn thương không mong muốn khi tai nạn xảy ra. Một trong số đó là tư thế gập người sát đầu gối. Trong trường hợp ghế bạn ngồi không đủ rộng, hãy bám và dựa sát vào thành sau của ghế trước, đặt chân thẳng trên sàn máy bay và hành lý xách tay phía dưới ghế ngồi phía trước để tạo thành một cái đệm giảm va đập chân với ghế.
Nếu có thể bạn hãy thực hiện những biện pháp bảo vệ bổ sung cho phần đầu của mình như sử dụng một chiếc gối. Đồng thời đảm bảo rằng không có những vật cứng và nhọn trong người bạn như bút chì, và giữ vững tư thế an toàn cho đến khi máy bay ổn định.
Tránh ngạt khói
Không phải ngẫu nhiên mà mặt nạ dưỡng khí được trang bị trên hầu hết máy bay. Bởi khi tai nạn xảy ra, bạn chỉ cần hít phải khói trong vòng 15 giây cũng có thể bị bất tỉnh. Do đó, hãy với ngay lấy mặt nạ dưỡng khí khi có thể và đeo lên mặt. Trong trường hợp xấu nhất, hãy tìm mọi thứ có thể tẩm ướt để che mũi và miệng của mình, như khăn mù xoa hoặc miếng vải lót ghế phía sau đầu.
Không cố mang theo hành lý
Có thể trong túi xách tay của bạn có nhiều đồ quan trọng và giá trị nhưng trong tình huống cấp bách này, đồ đạc mang theo chỉ khiến bạn chậm chạp và cản đường người khác. Do đó, hãy chấp nhận từ bỏ chúng để đổi lấy sinh mạng đang phải giành giật với tử thần từng giây từng phút.
Không chen lấn, xô đẩy
Xô đẩy, chen lấn sẽ không giúp bạn thoát thân nhanh hơn khỏi máy bay gặp nạn mà thậm chí còn có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn. Nên nhớ rằng trong những tình huống khẩn cấp giữa sự sống và cái chết thì người ta thường rất khỏe và hành động xô đẩy có thể khiến bạn bị người khác hạ đo ván.
Tận dụng thời gian vàng
Đây là quãng thời gian ngay sau khi máy bay bị rơi hoặc tai nạn. Tuy chỉ kéo dài khoảng 2 phút nhưng đây cũng là thời gian bạn dễ dàng sống sót nhất nếu thoát được khỏi máy bay. Vì vậy hãy luôn sẵn sàng và thật nhanh nhẹn khi được các tiếp viên yêu cầu di chuyển.
Chọn chỗ đáp khôn ngoan
Khi rơi từ trên cao xuống, nước là một chỗ đáp tuyệt vời. Tuy nhiên chiều sâu của nước phải đạt ít nhất 4m và bạn cần tránh lao ở tư thế úp mặt hoặc nằm ngửa. Nếu không thể tìm thấy khối nước nào xung quanh, hãy nhắm đến những tán cây hoặc mái nhà tôn hay thùng xe tải lớn. Điều này sẽ làm cho lực rơi phân bố ra những cấu trúc không quá cứng ở xung quanh, giúp bạn tránh được những tổn thương nghiêm trọng. Ngay sau đó hãy cố gắng tránh xa đống đổ nát khoảng 150 m để tránh trường hợp máy bay phát nổ và chờ cứu hộ.
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy bất an khi sử dụng hàng không làm phương thức di chuyển sau những vụ tai nạn dồn dập như trên nhưng những thống kê đã chỉ ra rằng hàng không vẫn là một phương thức vận chuyển an toàn nhất.
Minh Hiếu (Tổng hợp)