Kiss Cam: Biến tướng thành cưỡng hôn bệnh hoạn

Google News

Từ một trào lưu ý nghĩa và nhân văn ở phương Tây, khi du nhập vào Việt Nam, Kiss Cam biến tướng thành trò cưỡng hôn bệnh hoạn.

Từ ý nghĩa nhân văn
Lấy cảm hứng từ clip First Kiss được sản xuất năm 2014 của đạo diễn Tatia Plleva, trào lưu Kiss Cam ra đời với mong muốn ghi lại cảm xúc chân thật của các cặp đôi không quen biết ngay trong lần gặp đầu tiên thông qua một nụ hôn.
Nhưng thay vì ngỏ lời “xin phép” được hôn như trong First Kiss, những người thực hiện trào lưu này phải chủ động “cưỡng hôn” người lạ mặt một cách bất ngờ nhất.
Kiss Cam: Bien tuong thanh cuong hon benh hoan
 Đa số ý kiến cho rằng Kiss Cam chưa phù hợp với văn hóa Việt. (Ảnh minh họa)
Với mong muốn truyền đi thông điệp về tình cảm không biên giới giữa con người với con người, Kiss Cam ngay lập tức tạo thành cơn sốt ở một số nước như Mỹ, Canada.
Với sự nhạy bén của người trẻ, trào lưu Kiss Cam cũng nhanh chóng du nhập vào Việt Nam và “bùng phát” trong giới trẻ. Người mở đầu trào lưu này là một hot girl, với những màn khóa môi người lạ táo bạo trên phố.
Ngay sau đó, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, trào lưu Kiss Cam được lan rộng trên đường phố, với những màn hôn môi bất ngờ dành cho người lạ.
Biến tướng bệnh hoạn
Thay vì ý nghĩa nhân văn ban đầu, Kiss Cam khá biến tướng khi du nhập vào Việt Nam.
Sự khác biệt lớn về văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, cũng như cách thức thể hiện thô bạo, thiếu lịch sự, khiến hầu hết những người sau khi “được” hôn đã phản ứng khá dữ dội.
Có không ít tình huống dở khóc dở cười khi nhân vật thực hiện trào lưu Kiss Cam “cưỡng hôn” cô gái, trong khi bạn trai của họ ngồi ngay bên cạnh. Hoặc cách “cưỡng hôn” thô thiển đến phản cảm, sau đó đứng cười thiếu lịch sự thay vì giải thích cho người vừa đón nhận nụ hôn hiểu ý nghĩa của trào lưu. Thậm chí không ít người mượn Kiss Cam để lợi dụng việc hôn người lạ một cách bệnh hoạn.
Đại đa số ý kiến cho rằng, Kiss Cam chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Chính hot girl mở đầu trào lưu cũng phải nhanh chóng gỡ clip và đưa ra lời giải thích, không phải cô muốn gây sốc, mà chỉ muốn được vui và làm theo những gì người khác đang làm.
Giới hạn của sự bắt chước
Cũng là sự du nhập của một trào lưu, cách đây vài năm, Free Hugs – cái ôm miễn phí – truyền đi thông điệp về những cái ôm lan tỏa khắp thế giới nhanh chóng nhận được sự yêu mến của người trẻ Việt
Bắt nguồn từ một trào lưu ở phương Tây, về những cái ôm tử tế, vị tha, giúp những người xung quanh cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, Free Hugs giữ được nguyên vẹn ý nghĩa nhân văn ban đầu khi lan tỏa đến khắp nơi trên thế giới.
Kiss Cam: Bien tuong thanh cuong hon benh hoan-Hinh-2
Juan Mann (cha đẻ của Free Hugs) và tấm biển Free Hugs mang tính biểu tượng do anh tạo ra 
Nhưng với Kiss Cam thì khác, ngay từ đầu, nó đã mất đi ít nhiều ý nghĩa và biến tướng dưới nhiều hình thức.
Có thể thấy, người trẻ Việt đang có một sự tỉnh táo khi đón nhận các trào lưu du nhập, và họ biết giới hạn của sự bắt chước, để không bước qua ranh giới giữa văn hóa và phản văn hóa.
Theo VTC