Kinh hoàng cháy nổ xe đạp điện đe dọa tính mạng người dân

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi hình ảnh xe đạp điện HKBike phát nổ xuất hiện, đã có hàng loạt các vụ xe đạp điện cháy nổ khác gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Với tính năng sử dụng tiện lợi, gọn nhẹ, không tốn tiền xăng, hiện xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy vậy, loại phương tiện này cũng là nguồn nguy hiểm trên các tuyến đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Nhất là thời gian gần đây, xe đạp điện đang trở thành vấn đề khiến người dân lo ngại khi liên tục xuất hiện xe đạp điện phát nổ, ngay cả khi xe dựng trong nhà.
Xe đạp điện HKBike phát nổ khi đang sạc?
Vụ việc mới đây phải kể đến nghi án xe đạp điện HKBike phát nổ khi đang sạc. Cụ thể trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam vừa bất ngờ xuất hiện hình ảnh một chiếc xe đạp điện HKBike Zinger Extra bị cháy với chú thích "bị nổ khi đang sạc điện".
Hình ảnh chiếc xe đạp điện bị cháy bị cháy đen và chỉ còn trơ khung này đã khiến nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đang sử dụng xe đạp điện cảm thấy hoang mang. Hiện chưa rõ đây là một vụ cháy nổ do pin của xe đạp HKBike hay do vấn đề khác tác động lên chiếc xe đạp điện trên.
Kinh hoang chay no xe dap dien de doa tinh mang nguoi dan
Chiếc xe đạp điện HKBike Zinger Extra bị cháy với chú thích "bị nổ khi đang sạc điện". 
Ngay sau khi xuất hiện hình ảnh và thông tin trên, PV báo điện tử Kiến Thức đã liên lạc với đại diện phía HKBike thì được biết; "Hiện hãng cũng đã xác nhận có hình ảnh trên xuất hiện trên mạng xã hội và thông tin trên Internet nhưng chưa hề có bất kỳ một phản hồi nào từ phía khách hàng nào về cho HKBike. Đây là một mẫu xe cũ được sản xuất cách đây 2 năm và rất khó để xác minh liệu đây có phải là xe của HKBike hay không, do cháy từ pin hay từ một vấn đề nào khác từ bên ngoài tác động vào...?"
Sạc xe đạp điện gây cháy nhà, 1 trẻ 5 tháng tuổi ngạt khói
Một vụ khác xảy ra vào khoảng 21h tối ngày 5/1/2016 tại tòa nhà cao tầng 249A Thụy Khuê (Tây Hồ - Hà Nội). Theo Đại tá Nguyễn Hải Triều -Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Số 6, vào khoảng thời gian trên, tổng đài của Phòng nhận được thông báo về một vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà 22 tầng 249A Thụy Khuê.
Lực lượng PCCC đã huy động, 4 xe chữa cháy cùng nhiều chiến sĩ tới hiện trường để dập lửa. Rất may, quy mô đám cháy chỉ diễn ra trong 1 căn hộ nằm trên tầng 20 tòa nhà nên nhanh chóng được dập tắt.
Kinh hoang chay no xe dap dien de doa tinh mang nguoi dan-Hinh-2
 
Đại tá Triều cho hay, thời điểm xảy ra vụ cháy, bên trong căn hộ có 2 bố con, các chiến sỹ cứu hỏa đã nhanh chóng cứu hộ 2 người này khỏi đám cháy và đưa đi bệnh viện. Trong đó, bé trai 5 tháng tuổi có dấu hiệu ngạt khói đã nhanh chóng được cấp cứu sức khỏe đã bình thường. Ngoài ra, lửa đã thiêu rụi một căn bếp và một phần căn hộ.
Nguyên nhân vụ cháy được cho là do chủ căn hộ mang xe đạp điện lên nhà để sạc. Quá trình sạc đã xảy ra chập điện, nổ ắc quy dẫn đến hỏa hoạn.
Nổ ắc quy tại cửa hàng xe đạp điện, 3 nhà cháy lớn
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 15/12/2015, một vụ cháy nổ lớn đã xảy ra tại cửa hàng xe đạp điện 331 đường Trường Chinh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Ngọn lửa nhanh chóng lan sang 2 nhà liền kề. Một số người dân cho biết, vụ cháy nổ xảy ra khi chủ nhà sạc bình điện.
Kinh hoang chay no xe dap dien de doa tinh mang nguoi dan-Hinh-3
Hiện trường vụ việc
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy nổ, công an quận Kiến An và lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã phải phá cửa cuốn để cứu người, đồng thời tích cực dập đám cháy để giảm tối đa thiệt hại cho người dân.
Được biết chủ cửa hàng mới nhập 2 lô hàng về.
Xe đạp điện bất ngờ phát nổ, một nữ sinh trọng thương
Khoảng 2 tháng trước đó, vào 9h ngày 12/10/2015 xe đạp điện do một nữ học sinh điều khiển theo hướng Thủy Nguyên sang TP Hải Phòng, khi đi đến cầu Bính bắc qua sông Cấm (nối 2 huyện Thủy Nguyên, Quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) thì phát nổ, khiến nữ sinh bị văng ra, bất tỉnh tại chỗ, chiếc xe đạp điện bốc cháy dữ dội.
Kinh hoang chay no xe dap dien de doa tinh mang nguoi dan-Hinh-4
 Xe đạp điện bất ngờ phát nổ, bốc cháy dữ dội
Ngay lập tức, người dân qua đường nhanh chóng đưa nạn nhân tránh xa khỏi chiếc xe đạp điện và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhận được tin báo, cơ quan chức năng và đội PCCC đã có mặt dập tắt đám cháy, phong tỏa hiện trường và phân luồng giao thông.
Xe đạp điện phát nổ trong nhà
Khoảng 3 giờ sáng ngày 27/6/2012, anh Bùi Quốc Hưng (ở 110, tổ dân phố số 6, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cùng mẹ và chị gái đang ngủ tại tầng 2 và tầng 3 thì phát hiện khói và tiếng nổ trong nhà. Anh Hưng liền bảo mẹ và chị gái chạy lên tầng 3, ra sân phơi.
“Từ tầng 2, tôi thấy khói của cao su cháy bốc lên, lửa phóng ra thành từng tia ở gian cầu thang tầng 1. Do không thể xuống tầng 1, tôi chạy lên tầng 3, ra sân phơi gọi hàng xóm và vứt chìa khóa cổng xuống nhờ chữa cháy.” - anh Hưng kể lại.
Hàng xóm đã mở cổng, đạp cửa nhà và dùng nước dập đám cháy nhưng cũng phải sau 30 phút, khói trong nhà mới hết, các thành viên trong gia đình anh Hưng mới xuống được tầng 1.
Kinh hoang chay no xe dap dien de doa tinh mang nguoi dan-Hinh-5
 Ắc quy phát nổ, xe bị cháy nhưng 2 lốp của xe đạp điện không bị cháy
Tại hiện trường, xe đạp điện và 2 chiếc xe đạp dựng cùng trong gian cầu thang bị cháy rụi, ắc quy của chiếc xe đạp điện bị cháy lộ ra những viên pin.
Như vậy, dù xe đạp điện là phương tiện đi lại thinh hành, tuy nhiên việc xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ xe đạp điện khiên người dân không khỏi hoang mang. Về nguyên nhân khiến cho xe đạp điện phát nổ, bốc cháy, ngày 20/10/2015, trả lời trên báo An ninh thủ đô, kỹ sư Đặng Thanh Chương - trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, có nhiều lý do, song nguyên nhân chính vẫn là ở bình ắc quy và hệ thống bộ đổi điện của xe.
Khi xe chạy trong thời gian dài sẽ khiến ắc quy nóng lên, gặp chất dễ cháy như dầu nhớt sẽ rất dễ cháy nổ. Chưa kể đến việc, ắc quy đó chất lượng kém, được lắp đặt bằng những linh kiện rẻ tiền cách điện kém, nguồn điện chập chờn nên dẫn đến hiện tượng phóng điện, chập cháy…
Ngoài ra, hầu hết người dùng thường sử dụng xe không đúng cách như chở quá tải, nạp điện không đúng quy cách (thường xuyên cắm điện khi ắc-quy vẫn còn điện), không kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ, đi xe quá lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa to, nước ngập hoặc để xe ở nơi có độ ẩm cao khiến ắc quy, pin xe bị ngấm nước, rò điện…
Hồng Liên (Tổng hợp)