Trao đổi với phóng viên ngày 12/8, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã tiến hành rà soát lại nguồn gốc, xuất xứ của cặp ngà voi được đặt tại phòng khánh tiết (phòng tiếp khách - PV) của UBND tỉnh này gây xôn xao dư luận thời gian qua. Qua đó đã biết được cặp ngà voi này do phía Lào tặng cho UBND tỉnh Thanh Hóa từ trước những năm 1996 - 1997.
|
Ông Vương Văn Việt trao bằng khen cho hoa hậu Ngọc Anh. Phía sau là cặp ngà voi được đặt ở phòng khánh tiết UBND tỉnh Thanh Hóa. |
“Họ tặng hai cặp ngà voi chứ không phải một cặp. Cặp ngà voi còn lại đang được treo tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa” - ông Việt cho biết.
Theo ông Việt, trụ sở của UBND tỉnh Thanh Hóa được hoàn thành vào những năm 1996 - 1998. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi ấy đã đưa cặp ngà voi do phía Lào tặng về đặt ở phòng khánh tiết để trang trí cho đẹp. Ông Việt nói cặp ngà voi hiện vẫn đang được đặt ở phòng khánh tiết của UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Việc treo ngà voi đã tồn tại mấy chục năm nay rồi, có ai đụng tới chuyện này đâu. Bây giờ không chỉ mình (UBND tỉnh Thanh Hóa - PV), mà các nơi khác cũng làm chuyện này. Nếu có vấn đề thì mình xử lý thôi, không đặt nặng chuyện này lên, mình nêu ra nó cũng không hay” - ông Việt nói và cho biếu nếu việc sở hữu ngà voi có liên quan đến các quy định của Việt Nam cũng như điều khoản quốc tế liên quan thì tỉnh Thanh Hóa sẽ có hướng xử lý.
Hiện trong hồ sơ lưu trữ của UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn có đầy đủ thông tin về nguồn gốc của cặp ngà voi này.
Trước đó, báo chí đã phản ánh chuyện UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức buổi lễ trao bằng khen cho Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Thị Ngọc Anh (quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Hậu cảnh của một bức ảnh mà ban tổ chức gửi cho các cơ quan báo chí cho thấy trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đang đặt một cặp ngà voi rất đẹp. Từ đây đã dấy lên những luồng dư luận về nguồn gốc của cặp ngà voi này.
Trả lời phóng viên khi ấy, ông Vương Văn Việt cho biết đây chỉ là vật trang trí cho đẹp và việc đặt ngà voi trong trụ sở UBND tỉnh là điều hết sức bình thường, đã gặp ở nhiều tỉnh dọc miền Trung và khu vực Tây Nguyên.
Trong khi đó, bà Dương Việt Hồng, đại diện truyền thông Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (WCS), cho biết ngà voi thuộc nhóm 1B và theo công ước quốc tế cũng như quy định của pháp luật ở Việt Nam hiện hành đều cấm buôn bán và sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngà voi chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và được kiểm soát chặt chẽ về mặt nguồn gốc.
“Gần đây quốc tế đã lên án Việt Nam rất nhiều trong việc chưa xử lý nghiêm đối với việc buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi. Nếu vẫn không có thay đổi thì chúng ta có thể đối mặt với việc bị cấm vận trong lĩnh vực này” - bà Hồng nói và cho rằng việc sử dụng ngà voi làm vật trang trí ở cơ quan công quyền sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng, bởi lẽ ra đó là nơi phải làm gương cho người dân thực hiện.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, cũng cho biết sắp tới CITES Việt Nam sẽ xây dựng quy định để bắt buộc các đơn vị đang sở hữu ngà voi phải tiến hành khai báo, kiểm kê.
Theo Người Lao Động