Liên quan đến vụ việc hàng trăm học viên cai nghiện bỏ trốn khỏi Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), theo tìm hiểu của PV Kiến Thức đây là trung tâm cai nghiện mở, các học viên đến cai nghiện tự nguyện.
Các học viên cai nghiện tại đây đa số là đối tượng thuộc Nghị định 94/CP, có hiệu lực từ năm 2009. Theo đó các đối tượng này, sau cai nghiện 2 năm sẽ phải tiếp tục ở lại thêm từ 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, chế độ ăn ở lại thấp hơn đối tượng cai nghiện bình thường nên 300 học viên thuộc đối tượng này bất bình, kích động các học viên khác bỏ trốn. Trước đó, vào cuối tháng 8 hai nhóm cùng thuộc đối tượng cai nghiện theo Nghị định 94 đã mâu thuẫn dẫn đến xô xát, đánh nhau và sự bất bình của các học viên này kéo dài đến nay thì bùng phát.
|
Hàng trăm học viên bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện. |
Xung quanh vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Trung tâm này khi để các học viên bỏ trốn với số lượng lớn. Bên cạnh đó, dù là đối tượng cai nghiện tự nguyện, tuy nhiên nếu bỏ trốn, các học viên này sẽ bị xử lý ra sao?
Để làm rõ những ý kiến trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Cao Sang Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật.
Trao đổi về trách nhiệm của ban lãnh đạo Trung tâm khi để hàng trăm học viên bỏ trốn, Luật sư Hoàng Cao Sang cho rằng, trong vụ việc này, Ban lãnh đạo của Trung tâm đã chủ quan, không sâu sát với các học viên và có thể là Ban lãnh đạo trại không thực hiện đúng pháp luật.
“Theo nguồn tin thì các học viên bỏ trốn khỏi trung tâm là do lãnh đạo Trung tâm bắt học viên cai nghiện thêm thời gian theo Nghị định 94. Theo quy định của pháp luật tại khoản 2, điều 95 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ 1 năm đến 2 năm, mà các học viên đã đang thi hành, nay vì một lý do nào đó mà Ban lãnh đạo trại muốn tăng thời gian cai nghiện thì phải đưa ra những lý do chính đáng, phải giải thích, thuyết phục các học viên để họ hiểu mà thi hành chức không làm theo kiểu cưỡng ép đó được”, Luật sư Sang cho hay.
|
Luật sư Hoàng Cao Sang. |
Về vấn đề xử lý học viên bỏ trốn khỏi trung tâm, Luật sư Sang nhận định, trong trường hợp này thì giám đốc trung tâm ra quyết định truy tìm và cơ quan công an địa phương có trách nhiệm phối hợp để truy tìm các học viên bỏ trốn để đưa về tiếp thực hiện việc cai nghiện. Thời gian bỏ trốn của các học viên không được tính vào thời gian bắt buộc cai nghiện.
“Nếu trong thời gian bỏ trốn mà các học viên tiếp tục vi phạm những quy định về hành vi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng tình tiết tằng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần. Nếu trong thời gian trốn chạy mà gây ra hành vi vi phạm pháp luật khác thì tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Sang cho biết.
Học viên bỏ trốn sẽ được gia đình đưa đến trung tâm
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Trần Quang Thắng, Trưởng phòng Giáo dục – Tư vấn, Trung tâm GD LĐXH Hải Phòng cho biết có hơn 200 học viên tổ chức trốn khỏi trung tâm vào lúc hơn 16h ngày 14/9. Nhân viên bảo vệ của trung tâm phải để các học viên ra ngoài an toàn vì số lượng các học viên quá đông.
Ngay khi xảy ra sự việc, Trung tâm đã có thông báo tới công an huyện Thủy Nguyên. Lực lượng công an huyện phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông lập hàng rào xe và người vận động các học viên đi về hướng Quốc lộ 10 cũ (hướng từ chân cầu Giá đi về phía cầu Kiền). Tuy nhiên, các học viên không nghe, hò reo và đi về hướng thị trấn Núi Đèo, trung tâm của huyện Thủy Nguyên. Đến 18h cùng ngày các học viên vẫn lang thang trên đường. Một số học viên đã được gia đình đến đón về bằng xe máy. Có những xe kẹp ba, kẹp bốn học viên. Một số học viên mệt quá, không đi được phải có bạn dìu đi. Các học viên không phá phách các nhà dân xung quanh, chỉ vào xin nước và có chặn một số xe đi dọc đường xin đi nhờ. Theo một số gia đình các học viên, sáng mai ngày 15/9, họ sẽ đưa các học viên đến trung tâm để tiếp tục cai nghiện, sớm trở về cộng đồng.
Hải Ninh