Nghi thức chém lợn vẫn diễn ra, hàng nghìn người dân phấn khích
Bất chấp sự lên tiếng kịch liệt của Tổ chức Động vật châu Á đòi chấm dứt nghi thức chém lợn trong lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (Phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), cùng với sự phản đối của một số nhà nghiên cứu văn hóa, hôm nay (24/2 dương lịch hay mùng 6/1 âm lịch), lễ hội Chém lợn vẫn diễn ra, trong đó có nghi thức chính là chém lợn giữa sân đình.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã kéo đến Đình Ném Thượng, nơi diễn ra lễ hội truyền thống của làng để tham dự lễ hội. Ai cũng háo hức để đón xem nghi thức chém lợn và nhúng tiền cầu may. Sau khi tổ chức nghi lễ tại Đình, đoàn rước hai “ông Ỉn” đã tiến hành đi quanh làng, trước khi tổ chức nghi lễ chính là chém lợn tại đình làng.
|
Lễ hội chém lợn vẫn được tổ chức. |
Giữa sân đình Ném Thượng, ban tổ chức bố trí khu vực để thực hiện nghi lễ Chém lợn, dù dưới trời nắng, hàng nghìn người vẫn đứng quanh khu vực để đợi đến giờ diễn ra nghi thức. Hai ông Ỉn được chăm sóc cẩn thận được dùng làm vật tế thánh thần đã bị chém ngay khu vực giữa sân đình khi diễn ra nghi thức này. Khi lễ rước trở lại sân đình, hai tướng thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi để khai đao chém hai cụ Ỉn tế thánh. Thịt lợn tế thánh xong được chia cho mọi người với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc. Khi thực hiện xong nghi lễ chém lợn, người dân đã cùng nhau rúng tiền vào máu lợn bởi họ quan niệm máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng tươi tốt, dù hành động rúng tiền vào máu tươi không nằm trong nghi thức của lễ hội.
Thời điểm diễn ra nghi thức, ban tổ chức lễ hội đã phải khá vất vả để đảm bảo an ninh trật tự khi lượng người đến rất đông.
"Nghi thức truyền thống nên phải giữ"
Lý giải việc vẫn giữ nghi thức trên, các cụ cao tuổi làng Ném Thượng cho biết, họ vẫn giữ nghi thức chém lợn vì đây là nghi thức cúng tế thần linh truyền thống của làng Ném Thượng với ý nghĩa tốt đẹp là tôn vinh công lao của thành hoàng Đoàn Thượng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng và cầu cho mùa màng bội thu... Các cụ cao niên trong làng cũng bày tỏ sự bức xúc khi có nhiều tổ chức cá nhân đánh giá lễ hội là dã man. Bản thân người dân Ném Thượng cho rằng, đây là lễ hội truyền thống có từ hơn 800 năm trước, do chiến tranh nên mới được khôi phục trong thời gian gần đây, các nghi thức trong lễ hội không vi phạm pháp luật và ngay nghi thức chém lợn ở sân đình cũng vậy. Đó là nét văn hóa truyền thống được lưu truyền qua nhiều đời nay.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Hưng (85 tuổi, một trong những người cao tuổi làng Ném Thượng), cho biết, đây là lễ hội cổ truyền của làng có lịch sử cách đây 850 năm nhưng mới được phục dựng lại từ năm 2000. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ông Lý Đoàn Thượng, người có công với làng, được dân làng suy tôn làm thành hoàng làng.
|
Ông Nguyễn Văn Hưng. |
“Đây là lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức được gìn giữ. Việc chém lợn không có gì là phản cảm bởi đó là một phần của truyền thống văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chúng tôi sẽ vẫn gìn giữ và tổ chức theo nghi lễ cổ xưa”, ông Hưng cho biết.
Cùng quan điểm với ông Hưng, ông Nguyễn Tiến Dư, 70 tuổi, thủ từ đình Ném Thượng cho rằng, lễ hội với nghi thức chém lợn không có gì là phản cảm hay dã man như nhiều người nhận xét. Ngay cả việc chém lợn không có gì là kích động vì đây là lễ hội tâm linh tưởng nhớ công ơn ông Lý Đoàn Thượng.
Nhiều người dân làng Ném Thượng cho rằng, lễ hội này được gìn giữ như một nét văn hóa của làng Ném Thượng để con cháu đời đời nhớ ơn người có công với làng. Vì thế, dù các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa có chỉ đạo của cấp trên là sau khi rước lợn sẽ làm cỗ ngọc tế thánh ở phía Tây đình, hạn chế người tham gia. Tuy nhiên, các cụ người cao tuổi trong làng ai cũng muốn duy trì nghi thức truyền thống. Bởi đây là lễ hội truyền thống của làng Ném Thượng.
Tranh cãi quanh việc lễ hội tôn vinh vị thần nào?
Quanh lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, không chỉ có nghi lễ chém lợn được đem ra tranh luận, nhiều ý kiến cũng đang bàn luận sôi nổi về việc lễ hội này tôn vinh vị thần nào. Hiện có một số tài liệu như bản in Hội hè đình đám của nhà nghiên cứu Văn hóa Toan Ánh (in tại nhà in Sao Mai, Thủ Đức, phát hành ngày 1/11/1974) cho rằng “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng”. Ngay bản in Hội hè đình đám năm 2005 của NXB Trẻ cũng giữ nguyên nội dung này.
|
Nhiều thanh niên phấn khích trèo cả lên cây, lên tường để xem nghi thức chém lợn. |
Trước những tranh luận trên, PV Kiến Thức đã gặp các cụ cao niên trong làng Ném Thượng để xác minh. Tất cả các cụ đều cho rằng, lễ hội truyền thống làng Ném Thượng để tưởng nhớ công ơn của Đông hải đại vương Đoàn Thượng, một trung thần và dũng tướng đời Lý Huệ Tông.
“Lễ hội này nhằm tưởng nhớ công ơn ngài Lý Đoàn Thượng chứ không phải Lý Công. Sau khi đánh thắng giặc, ngài đã về đây giết lợn khao quân. Người dân làng đã vinh danh ông là thành hoàng làng và lễ hội là để tưởng nhớ vị thành hoàng làng này”, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết.
Hải Ninh