Hàng loạt dân HN mắc bẫy kẻ mạo danh CA lừa đảo

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ một thời gian ngắn, người dân Thủ đô bị một số đối tượng mạo danh công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 3 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Phong cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn cơ quan này đã nhận được đơn trình báo của 13 bị hại với tổng số tiền lên tới gần 3 tỷ đồng do mắc bẫy những kẻ mạo danh công an lừa đảo.
Hang loat dan HN mac bay ke mao danh CA lua dao
Lãnh đạo PC50 Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân.
Trung tá Ngô Minh An - Phó trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội xác nhận: “Trên địa bàn TP Hà Nội, liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả mạo cán bộ công an, cán bộ tòa án hoặc viện kiểm soát nhằm chiếm đoạt tài sản”.
“Để làm được điều này, các đối tượng thường gọi điện qua Internet vào các thuê bao của các bị hại ở trong nước để thông báo với nội dung đang nợ cước điện thoại, hoặc số tài khoản ngân hàng của bị hại bị kẻ xấu chiếm đoạt để dùng vào mục đích xấu. Không chỉ có vậy, các đối tượng còn yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ tiền vào một tài khoản khác sau đó sẽ chiếm đoạt”, Trung tá An cho biết.
“Từ đầu tháng 4/2015 đến nay, Cơ quan Công an Hà Nội đã nhận được 13 đơn trình báo của bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 3 tỷ đồng. Ngày 15/4, Phòng (PC50) nhận được đơn trình báo của một nạn nhân có hộ khẩu thường trú tại quận Hà Đông với nội dung bị một đối tượng gọi vào số máy bàn của gia đình thông báo về việc nợ cước điện thoại với số tiền hơn 8 triệu đồng. Đối tượng này sau đó đã yêu cầu chị ấn tiếp phím 0 để gặp cơ quan công an.
Nạn nhân tin lời làm theo thì bị một đối tượng khác tự xưng là công an tỉnh Tây Ninh thông báo rằng trong thời gian gần đây nhiều đối tượng trộm cắp thông tin cá nhân vào mục đích phạm pháp, đồng thời thông báo cho nạn nhân biết số tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị các đối tượng xấu đánh cắp và yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản khác (được đối tượng cho biết là của lực lượng công an – sau 1 đến 2 ngày sẽ chuyển trả lại).
Ngay sau đó, nạn nhân đã ra ngân hàng rút 400 triệu đồng và chuyển vào số tài khoản của đối tượng. Tuy nhiên sau nhiều ngày không thấy tiền được chuyển trả, nạn nhân đã làm đơn gửi cơ quan công an. Trong ngày 5/5, một nạn nhân khác có hộ khẩu tại quận Đống Đa đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới 240 triệu đồng”, vị phó trưởng phòng PC50 cho biết thêm.
Phân tích hành vi các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Trung tá An chia sẻ: “Những vụ PC 50 đã khám phá thì hầu hết các đối tượng dùng thủ đoạn gọi điện đến số cố định của người dân sau đó thông báo nợ cước điện thoại, từ việc nợ cước điện thoại thì chúng thông báo với bị hại là cá nhân có mở tài khoản ngân hàng không?
Nhiều khả năng tài khoản ngân hàng này đã bị các đối tượng xấu chiếm đoạt, lấy tài khoản đó để chuyển số tiền bất hợp pháp, tiền đen. Để cộng tác thì các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản và kể cả số tiền trong sổ tiết kiệm vào tài khoản của các đối tượng do chúng lập ra và sau đó chiếm đoạt.
Nhân dân thì tin điều đó là thật nên đã chuyển rất nhiều tiền vào tài khoản của chúng. Các đối tượng dùng Internet thông qua phương thức VOIP để gọi điện nhằm tránh sự truy xét của cơ quan công an. Tiền của nạn nhân chuyển vào tài khoản thì các đối tượng sẽ rút toàn bộ tiền ở nước ngoài. Chính điều này đã gây khó khăn trong công tác truy xét đối tượng”.
Từ những việc vừa phân tích nêu trên, Trung tá An khuyến cáo: “Khi cơ quan công an làm việc với nhân dân thì đều có giấy mời, giấy triệu tập. Cơ quan công an không mở tài khoản ngân hàng mang tên một cá nhân nào cả do đó người dân nên cảnh giác đối với các đối tượng có tên tài khoản cá nhân - đó không phải là cơ quan công an.
Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.
Cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác.
Khi có sự nghi ngờ, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an để cùng phối hợp giải quyết. Không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm. Phát hiện những đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao như thu mua CMND, thẻ ghi nợ quốc tế hoặc CMND có dấu hiệu dán ảnh lại để mở một số thẻ tín dụng liền báo cho cơ quan công an”.
Tiến Dũng