Hà Nội phạt nguội vi phạm giao thông bằng camera: Khó khả thi

Google News

(Kiến Thức) - Việc xử phạt nguội với người vi phạm giao thông qua hệ thống camera nếu đưa vào áp dụng đại trà sẽ khó khả thi…

Hà Nội đang chạy thử nghiệm 40 camera trong việc phát hiện xe vi phạm để áp dụng xử phạt nguội. Hết tháng 12, dự kiến 450 camera sẽ được lắp tại 4 quận nội thành. Căn cứ hình ảnh trên camera, đội điều khiển tín hiệu đèn có thể nhận biết những xe vi phạm và báo cho người làm nhiệm vụ ở điểm gần nhất để xử lý. Chẳng hạn, người lái ô tô, xe máy vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm... camera sẽ chụp ảnh biển số và lưu trữ. CSGT sẽ lấy đó làm căn cứ xử phạt nguội với người điều khiển phương tiện.
Khi biết thông tin về việc Hà Nội gắn camera để xử phạt nguội vi phạm giao thông, nhiều người dân đã tỏ ra lo lắng. Nhiều ý kiến băn khoăn bởi họ bán xe cho người khác mà người mua lại xe chưa chịu sang tên đổi chủ thì có thể chủ phương tiện cũ sẽ phải nhận giấy nộp phạt oan. Người dân bày tỏ sự không yên tâm về phương thức xử phạt này, cho rằng hình thức này cứng nhắc. Trong điều kiện tình hình xe chính chủ ở Việt Nam vẫn chưa giải quyết triệt để thì việc xử đúng người đúng tội thật qua hệ thống camera là khó có thể khả thi.
 Hơn 40 camera đã được lắp trên các tuyến phố nội thành Hà Nội. (Ảnh: Tiến Dũng).
Trao đổi với PV Kiến Thức, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên đánh giá phương thức lắp hệ thống camera theo dõi giao thông có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, việc xử phạt nguội với người vi phạm giao thông qua hệ thống camera nếu đưa vào áp dụng đại trà sẽ khó khả thi.
“Việc lắp hệ thống camera là giải pháp thiết thực mà các nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Việc làm này mang lại nhiều tác dụng như điều khiển đèn tín hiệu giao thông có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu giao thông từ trung tâm, tự động điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với lượng phương tiện trong từng thời điểm. Để có thể giải quyết nhanh các điểm ùn ứ, cán bộ tại trung tâm có thể trực tiếp gọi đến các đội để yêu cầu bố trí thêm lực lượng. Trong đó phạt nguội hành vi vi phạm giao thông của người tham gia giao thông chỉ là một trong những tác dụng đó”, ông Liên nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhìn nhận về việc xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống camera, ông Bùi Danh Liên đánh giá việc thực thi sẽ không dễ dàng bởi nhiều bất cập vẫn tồn tại.
Ông Liên cho hay: “Thực tế về mặt công nghệ thì việc phạt nguội vi phạm giao thông là có thể làm được. Bởi hệ thống máy móc, camera đã được lập trình sẵn chương trình phân tích dữ liệu có thể phát hiện các hành vi vi phạm. Đối với mỗi xe vi phạm, hệ thống đều tự động trích xuất một bản hồ sơ với hình ảnh đính kèm và đầy đủ thông tin như ngày giờ vi phạm, biển kiểm soát, tuyến đường, lỗi vi phạm... Cán bộ trung tâm có thể in bản hồ sơ này để lấy làm căn cứ xử lý phạt nguội. 
Tuy nhiên, việc phạt nguội trong thời điểm hiện tại sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, tại Hà Nội và TP HCM còn nhiều bất cập như vấn đề xe không chính chủ. Khi gửi biên bản về cho chủ xe họ sẽ không chấp hành nộp phạt bởi lý do “tôi bán xe rồi, 30 ngày sang tên đổi chủ, người mua xe không sang tên mà vi phạm giao thông thì không thể đổ lỗi cho tôi được”. Thứ 2, việc xử phạt kiểu này sẽ khiến nhiều người dân bị oan, ví dụ như việc xử phạt xe chạy nhanh hay chậm, trên đường Phạm Hùng, trước cửa bến xe Mỹ Đình, quy định xe chạy không dưới 30km/h để không bắt khách dọc đường. Tuy nhiên vì nhiều lý do, xe có thể chạy nhanh hoặc chậm. Chính bản thân tôi đi hội thảo trên xe ô tô cũng phải mất 30 phút để qua được đường Phạm Hùng. Nếu phạt thì nhiều chủ xe sẽ bị oan.
 Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
Hơn nữa, việc xử phạt sẽ mất rất nhiều thời gian của CSGT như truy tìm người vi phạm, ra kho bạc nộp tiền. Nếu ở nước ngoài, người dân xài thẻ tín dụng, thì việc xử phạt là dễ dàng nhưng ở ta là rất khó. Bên cạnh đó, ý thức người dân hiện nay vẫn rất kém, CSGT bắt quả tang trực tiếp hành vi vi phạm giao thông họ còn cãi, huống chi là phạt nguội”, ông Bùi Danh Liên đánh giá". 
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, chỉ nên thí điểm tại Hà Nội và TP HCM để tuyên truyền cho người dân, qua đó nâng cao ý thức người dân chứ không nên áp dụng đại trà. Bởi nó sẽ gây nên mâu thuẫn giữa cơ quan thực thi nhiệm vụ và người dân.
Hải Ninh

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nhung Hong -

Khó khăn thì làm gì cũng có, nên tìm cách khắc phục. Chỉ có camera mới công bằng, vô tư và tránh nạn mãi lộ. Có như vậy người dân mới chấp hành đúng luật GT ở mọi nơi, mọi lúc. Ở nước ngoài còn dùng cả điểm công dân nữa, qua đó mỗi lần vi phạm luật thì điểm này sẽ bị giảm xuống v.v..., Mình ủng hộ camera mặc dù thỉnh thoảng mình cũng còn vượt đèn vàng, từ nay chắc ko dám nữa đâu

Phương Nguyễn -

để lắp được số camera cho toàn bộ các ngã tư ở hà nội thì có thể lên đến vài nghìn chiếc, chi phí có lẽ sẽ rất cao

Kiên -

lắp được hệ thống này thì công anh giảm đi và dẫn đến lượng ng thất nghiệp ngày càng tăng đấy các bạn ạ

Thoan Liên -

Áp dụng biện pháp này có vè bớt đi dc những việc hối lộ công an đấy chứ, ủng hộ áp dụng phạt nguội

Hải Hoàng -

Việc phạt nguội ở các nước khác áp dựng tự lâu rồi, VN nên thử nghiệm và áp dụng để giảm vi phạm giao thông

Bảo Long Khánh -

Nên có hình thức phạt nguội để giảm tình trạng vi phạm giao thông những nơi không có công an.

Hoàng Thanh -

Không có gì khó khả thi cả, ban đầu phải thử nghiệm thì mới đưa ra được quy chế và chế tài để phạt nguội được chứ

Long thành -

Xe không chính chủ
Khi mà xem chưa chính chủ hay hiện trạng mượn xe hay đi xe của ng thân đang còn nhiều thì không thể đưa ra hình thức phạt nguội được, vì như thế sẽ k khả thi.

Long thành -

Phạt kiểu gì đây
Không biết phát hiện ra người vi phạm thì phạt kiểu gì, ở việt nam thì phạt như thế rất khó

Hiển thị thêm bình luận