Giao súng và quyền nổ súng cho CA cần lường hậu quả

Google News

(Kiến Thức) - “Thực tế vẫn tồn tại nhiều chiến sĩ công an có thái độ hống hách, nếu giao súng và quyền nổ súng cho những người này thì hậu quả khó lường”, TS Nguyễn Văn Khải bày tỏ lo lắng.

Làm rõ hành vi vi phạm nào có thể nổ súng?

Vừa qua, Bộ Công an ra dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, trong đó có trường hợp nổ súng trực tiếp để vô hiệu hóa các trường hợp có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện.

Ông Trần Vi Dân - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) lý giải sự cần thiết của việc ra nghị định: Thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải quyết mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng chống tội phạm... Cụ thể, số liệu thống kê, báo cáo của các bộ ngành cho thấy từ năm 2002 đến tháng 6/2012, trên cả nước xảy ra trên 8.500 vụ với trên 13.700 đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự gần 6.900 vụ với trên 11.000 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống lại lực lượng công an. 

Những hành vi chống đối gây nguy hiểm tính mạng người thi hành công vụ có thể nổ súng.

Ông Dân cho biết: “Tình trạng chống người thi hành công vụ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Nguyên nhân do chưa có quy định đầy đủ của pháp luật về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi này”
“Quy định này của dự thảo được đưa ra để bảo vệ người thi hành công vụ nhưng phải đảm bảo về mặt nguyên tắc không cho người thi hành công vụ lợi dụng quyền hạn nhiệm vụ của mình để xâm phạm trái pháp luật quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Cần xem xét hành vi chống đối cụ thể nào thì được nổ súng.

Trao đổi với PV Kiến Thức, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, trước khi cho phép nổ súng cần làm rõ hành vi chống đối nào thì được nổ súng.

“Thực tế, cuộc sống vẫn tồn tại nhiều tệ nạn, nhiều băng đảng tội phạm hoạt động buôn lậu ma túy, đâm thuê chém mướn... Những đối tượng này rất manh động, sẵn sàng chống đối lại lực lượng an ninh. Khi đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng, lực lượng thi hành công vụ có thể nổ súng để trấn áp. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp khác thì cần xem xét làm rõ những hành vi nào bắn, hành vi nào không nên bắn. Ví như khi va chạm giao thông, họ vượt đèn đỏ, thậm chí chửi rủa, hay lấy tay tát lực lượng thi hành công vụ mà nổ súng bắn là không nên vì sẽ tạo bức xúc trong dư luận, gây xung đột xấu”, TS Nguyễn Văn Khải nhận định.

Cẩn trọng khi giao quyền nổ súng

Về phía lực lượng thi hành công vụ, ông Khải cũng có những lo lắng: “Ngay trong chính lực lượng thi hành công vụ vẫn còn những người ngạo mạn, hống hách. Báo chí đã đăng tải không ít vụ việc. Ví dụ như vụ trung tá Dương Văn Dũng, Phó trưởng Công an xã Tắc Vân (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bắn anh Huỳnh Nhật Quang (30 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tắc Vân) bị thương trong lúc anh bị còng 2 tay tại trụ sở công an xã. Chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, bị lực lượng công an xã này bắt, anh Quang đến xin xỏ. Sau đó có lớn tiếng và có hành động quơ tay, quơ chân với lực lượng làm nhiệm vụ nên bị khống chế, còng tay đưa về trụ sở công an xã. Tại đây, anh Quang bị ông Dũng dùng súng bắn bị thương ở mang tai. Điều đáng bàn là vị trung tá này qua lời đồng nghiệp nhận xét là người rất “thích” nổ súng. Nếu giao quyền nổ súng cho những người như thế này, không khác gì giao trứng cho ác”.

Vết thương do trung tá Dũng bắn anh Quang. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo TS Nguyễn Văn Khải, hiện nay khống chế bắt giữ người phạm tội có nhiều biện pháp, có thể là bằng võ thuật, bằng công cụ hỗ trợ, biện pháp nghiệp vụ của người thi hành công vụ. Còn với việc "nổ súng trực tiếp" thì phải hết sức cân nhắc. "Nổ súng trực tiếp" thì chúng ta hiểu là "xử" ngay tại hiện trường, rất phức tạp và khó kiểm soát.

“Khi còn là quân nhân, trong trận đấu sinh tử một mất một còn, khi địch đã bị khuất phục thì tôi cũng chỉ bắt lại mà không nổ súng. Tôi cũng từng tham gia bắt nhiều vụ cướp, bị bọn cướp chống đối bằng vũ khí, tôi rút thắt lưng ra khống chế. Khi khống chế thành công, mọi người xúm lại định đánh nó, tôi không cho phép mà giải lên công an phường. Nếu khi đó tôi không bình tĩnh thì có khối chuyện đã xảy ra, thậm chí có án mạng. Quan trọng nhất của người thi hành công vụ là phải biết kiềm chế, tỉnh táo suy xét mọi việc, được vậy thì giao quyền nổ súng trong trường hợp cần thiết là có thể chấp nhận. Nhưng với những người nóng nảy, ngạo mạn thì không nên cấp phép”, TS Khải chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Khải: Nên cân nhắc trước khi đề xuất và ban hành nghị định

TS Khải cho biết thêm: “Hiện nay, ngay trong Bộ luật Hình sự và Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định rõ ràng về vấn đề này. Có hai trường hợp được bắn vào đối tượng vi phạm, thứ nhất là khi đối tượng đang sử dụng vũ khí, vũ lực đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thi hành công vụ, người khác hay dùng vũ khí xâm phạm công trình quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, cướp vũ khí của người thi hành công vụ...

Thứ hai là bắn vào phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa khi phương tiện đó bị đối tượng sử dụng để đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người dân, người thi hành công vụ, đối tượng phạm tội dùng để bỏ trốn...

Mọi trường hợp đều phải lưu ý chắc chắn không chở khách hoặc con tin. Người thi hành công vụ chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc giải cứu tính mạng, xử lý tình huống ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Nên quy định cho phép nổ súng với kẻ chống người thi hành công vụ cần xem xét, cân nhắc kỹ trước khi ban hành”.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU


Hải Ninh

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

tranhung -

cần nghiên cứu thật kỹ mọi trường hợp trước khi ban hành
mỗi quyết định, quy định đều phải lường trước lợi hại của nó và đưa ra các mức hạn chế để chống những người chấp pháp lạm quyền gây ra những điều đáng tiếc.phải nêu rõ khái niệm thi hành công vụ và trường hợp nào thì được phép và nếu làm trái thì sẽ bị xử lý như thế nào.theo tôi thì không nên ra những quy định như thế này vì trên báo chí bây giờ đưa tin rất nhiều người lợi dụng thi hành công vụ để hạch sách, những nhiễu nhân dân, nếu người dân không nghe thì họ đe dọa, nếu trao thêm quyền này nữa cho họ thì chuyện gì sẽ xẩy ra đây ...

Hiển thị thêm bình luận