Phật thủ - loại cây bạc triệu đón Tết
Cách trung tâm Hà Nội gần 20km, dọc theo đại lộ Thăng Long, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức nổi tiếng với nghề trồng cây Phật thủ. Đến với xã Đắc Sở vào những ngày giáp Tết, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn cây Phật thủ bạt ngàn và mùi thơm thoang thoảng của nó.
Cây Phật thủ cho quả quanh năm, nhưng sai nhất vẫn là dịp tháng Chạp âm lịch. Người thì mua Phật thủ về bán buôn, người đi chọn những quả đẹp nhất để bày mâm ngũ quả ngày Tết, những nhà sư trụ trì mua về lễ Phật…
Cây Phật thủ được xem là loại cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Đắc Sở. Quy mô trồng cây không chỉ gói gọn trong phạm vi đất xã mà còn mở rộng sang xã Yên Sở bên cạnh.
Khi được hỏi tại sao người dân Yên Sở không tự trồng Phật thủ mà phải cho thuê đất, những người dân nơi đây cho biết bởi người Đắc Sở có bí quyết trồng Phật thủ riêng, không đâu có được, cây thì sai quả, mà quả nào cũng đẹp. Người dân nơi khác cũng đã từng về đây lấy cành về chiết và thử trồng nhưng không thành công vì thiếu kinh nghiệm.
Theo chân ông Văn Hà (70 tuổi), một trong những người trồng Phật thủ lâu năm tại xã Đắc Sở, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những trái Phật thủ trị giá hàng triệu đồng. Ông Hà cho biết: “Vườn cây này đã được 10 năm rồi, đầu tiên đây là đất trồng cam của nhà tôi, sau vụ cam, tôi cải tạo đi để trồng Phật thủ. Mặc dù đây là đất cải tạo, nhưng lại cho ra những quả Phật thủ độc đáo, có quả tôi bán 2 triệu đồng, ra ngoài người ta còn bán đến chục triệu”.
|
Quả Phật thủ trị giá 2 triệu đồng
|
Anh Nguyễn Phú Dũng, cháu ruột của ông Văn Hà được mệnh danh là “đại gia Phật thủ”, sở hữu 450 gốc cây Phật thủ trên khoảng đất rộng hai mẫu. Nhìn vườn Phật thủ trĩu quả của mình, anh tươi cười nói: “Mùa này là mùa của Phật thủ, nhiều người đến mua lắm, có người còn trả cả chục triệu đồng cho một gốc cây. Tôi dự tính năm nay phải thu được ít nhất là 800 triệu đồng”.
|
Một gốc Phật thủ giá 15 triệu đồng của anh Dũng
|
Không chỉ có quả Phật thủ đẹp mới đem lại lợi nhuận cho người dân mà những quả xấu, quả kẹ cũng được bán với giá 12.000 đồng/kg để làm thuốc.
Nhìn những giá trị vật chất to lớn mà Phật thủ đem lại cho người dân xã Đắc Sở, có mấy ai biết được những khó khăn, thách thức mà người dân nơi đây phải đối mặt mới có thể trồng được loại cây bạc triệu này?
Thu bạc triệu: không dễ
Mặc dù Phật thủ là loại cây thu hoạch được quanh năm chứ không phân định rõ mùa vụ như các loại cây khác nhưng mỗi khi có sương muối hoặc mưa lớn là cây lại bị thối rễ và không ra quả. Vì vậy, người dân phải mất rất nhiều công sức để chăm bón cho loại cây này.
Chị Nguyễn Hường, một người dân trồng Phật thủ chia sẻ: “Tháng 7 vừa rồi mà không có sương muối thì bây giờ có lẽ vườn nhà tôi còn sum suê hơn nhiều. Cây thì dễ lên, nhưng nếu mưa xuống quá gốc một chút là hỏng ngay, nó không dễ như cây cam, cây quýt đâu”.
Hơn nữa, vòng đời của cây Phật thủ trung bình từ 4 đến 5 năm: Năm đầu ươm cây, năm thứ hai bắt đầu cho quả bói (số quả không nhiều), năm thứ ba và thứ tư cho nhiều quả nhất, năm thứ 5 cây tàn. Sau đó, đất cần phải cải tạo, bởi vì muốn cho quả Phật thủ đẹp thì phải là đất sạch, không bị nhiễm chì hay hóa chất khác. Người dân phải trồng điền thanh, cót hoặc muồng để hút hết các chất độc hại trong đất trong vòng ít nhất 2 năm mới trồng được Phật thủ.
|
Liệu những cây Phật thủ này có mang lại lợi nhuận lâu dài cho người dân? |
Đứng trên đất Yên Sở, chị Hường chỉ vào vườn cây và nói: “Đất ở đây phải thuê 4 triệu rưỡi/sào, chưa kể phân bón, công chăm sóc nên lời lãi cũng không được nhiều. Có chăng, chỉ được vào năm thứ ba của cây mà thôi. Nhiều người cứ nghĩ Phật thủ cho chúng tôi nhiều tiền, nhưng tiền rồi lại quay về đổ vào Phật thủ chứ đâu”.
Dù sở hữu những quả Phật thủ hàng triệu đồng nhưng ông Văn Hà vẫn lo lắng bởi gia đình 5 đứa con mà không đứa nào muốn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm nghề trồng trọt nữa. Giờ chỉ còn hai ông bà già với cả vườn cây, mà vườn cây của bác hết năm nay cũng phải phá đi để trồng cót rồi.
Ông Hà nói thêm: “Nếu ở xã có nhà máy lọc tinh dầu để đất đỡ bị cằn và nhiễm độc thì cây Phật thủ sẽ là loại cây trồng lâu dài và cho lợi nhuận cao. Nhưng với tình trạng thủ công, người dân cứ phải cải tạo đi cải tạo lại đất như thế này thì đây cũng chỉ là cây trồng tức thời thôi, không đảm bảo kinh tế ổn định cho người dân được”.
Có thể Phật thủ mang lại những khoản tiền lớn cho người dân xã Đắc Sở, nhưng liệu lợi nhuận này có tồn tại mãi không là điều mà nhiều người băn khoăn trước khi quyết định đầu tư vào loại cây này.
Diệu Linh - Quỳnh Nga